Tăng cường quy chế phối hợp quản lý khai thác khoáng sản

07:06, 14/06/2017

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tỉnh ủy Lâm Đồng với Sở TN&MT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Vấn đề quản lý khai thác khoáng sản chưa đồng bộ giữa các địa phương; nhiệm vụ tới là tập trung quyết liệt hơn nữa trong quản lý khai thác, nhất là khai thác cát trên sông Đồng Nai. 

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tỉnh ủy Lâm Đồng với Sở TN&MT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Vấn đề quản lý khai thác khoáng sản (KS) chưa đồng bộ giữa các địa phương; nhiệm vụ tới là tập trung quyết liệt hơn nữa trong quản lý khai thác, nhất là khai thác cát trên sông Đồng Nai. 
 
Quy chế phối hợp là hành lang pháp lý cụ thể để chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai Ảnh: Bãi tập kết cát của doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trên địa bàn huyện Cát Tiên. Ảnh: M. Đạo
Quy chế phối hợp là hành lang pháp lý cụ thể để chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai Ảnh: Bãi tập kết cát của doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trên địa bàn huyện Cát Tiên. Ảnh: M. Đạo
Khai thác KS bất hợp pháp cơ bản đã giảm
 
Đó là nhận định của Sở TN&MT tại buổi làm việc với Đoàn công tác Tỉnh ủy Lâm Đồng vào ngày 6/6/2017. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, công tác lập, phê duyệt các quy hoạch KS đã được UBND tỉnh ban hành các quyết định. Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác KS làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đến năm 2020; quyết định khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác KS; quyết định công bố khu vực hạn chế hoạt động KS... Theo đó, căn cứ kế hoạch phê duyệt của UBND tỉnh, đến nay, Sở TN&MT  đã tổ chức đấu giá được 2/15 điểm mỏ. Đối với công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác KS, trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng tạo nguồn cho ngân sách địa phương khoảng 70 tỷ đồng. 
 
Đặc biệt, công tác bảo vệ tài nguyên KS chưa khai thác là nhiệm vụ luôn rất cần được chú trọng. Điển hình nhất là Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 31/8/2015 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ KS và hoạt động KS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mọi hoạt động KS bất hợp pháp trên địa bàn. Cũng theo Sở TN&MT cho biết, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác KS trái phép. 
 
“Hiện nay, tình hình khai thác KS bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã giảm (như vàng sa khoáng ở Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà; thiếc ở Đà Lạt); chỉ còn một số vùng như khai thác cao lanh tại Bảo Lộc, Bảo Lâm và khai thác thiếc tại Lạc Dương đang phối hợp với các địa phương tiếp tục xử lý”, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc cho biết. 
 
Cần phát huy vai trò trong phối hợp 
 
Nhìn nhận nghiêm túc về thực tế cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tình hình khai thác KS không phép còn diễn ra, đặc biệt là các loại KS có giá trị như vàng, thiếc, cao lanh...chưa được xử lý triệt để. Công tác hậu kiểm còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ và chồng chéo giữa các sở, ngành có liên quan, chính quyền địa phương. Vấn đề còn tồn tại mới đây được Thủ tướng nhắc nhở là trong một năm có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị, và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng không là trường hợp ngoại lệ (giữa các ngành trong tỉnh, giữa cấp tỉnh và cấp bộ). 
 
Theo quy định của pháp luật về KS, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và UBND các xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về KS tại địa phương, đồng thời là các cơ quan có thẩm quyền huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động KS bất hợp pháp, nắm bắt được thông tin nhanh nhất, phát hiện và xử lý vụ việc ngay từ đầu. Tuy nhiên, thời gian qua, một số chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa làm hết trách nhiệm nên tính hiệu quả về công tác quản lý nhà nước về KS chưa khai thác không diễn ra theo chiều hướng chuyển biến tích cực. Do vậy, còn xảy ra tình trạng khai thác KS bất hợp pháp, chưa có chế tài xử lý hình sự các hành vi vi phạm, chỉ xử lý ở hình thức vi phạm hành chính nên chưa có tính răn đe, giáo dục. (Được biết đến nay, UBND bốn tỉnh giáp ranh với Lâm Đồng đã vừa hoàn tất ký kết với UBND tỉnh Lâm Đồng “Quy chế Phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên KS khu vực giáp ranh giữa Lâm Đồng với Đắk Lắk, Lâm Đồng với Đắk Nông, Lâm Đồng với Đồng Nai và Lâm Đồng với Bình Phước. Nội dung cốt lõi của các quy chế này bao gồm bảo vệ KS chưa khai thác, xử lý vi phạm hoạt động KS và bảo vệ môi trường trong hoạt động KS; phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên KS và bảo vệ môi trường. Theo đó, vị trí (phạm vi áp dụng) được cụ thể hóa từng địa bàn, địa phương, từng km sông, từng khu vực đất đai... rất cụ thể. Quy chế áp dụng đối với nhiều cơ quan, đơn vị rõ ràng, minh bạch hóa: Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vùng giáp ranh. 
 
 Để thực hiện quy chế thực sự đạt hiệu quả, UBND các tỉnh cũng đặt ra những nội dung cụ thể để lượng hóa chủ trương như: ngoài cấp quản lý cao nhất là phân công trách nhiệm của UBND từng tỉnh giáp ranh, còn có các nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp; phương thức phối hợp; trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương; chế độ báo cáo; tổ chức thực hiện... Tất cả quy chế đã có hiệu lực thi hành từ những tháng đầu năm 2017, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào. Cùng với Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu trên, vấn đề phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong nội bộ tỉnh cần được quán triệt sâu sắc và triển khai đồng bộ, chặt chẽ mới đạt được hiệu quả. 
 
Ngày 13/6, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chính thức ký Thông báo kết luận tại buổi làm việc giữa hai tỉnh về chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai; tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 
 
MINH ĐẠO