Công tác dân số - KHHGĐ nhìn từ cơ sở

08:07, 31/07/2017

Theo Sở Y tế, đến nay đã cuối tháng 7/2017, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện và trung ương chưa cấp kinh phí hoạt động năm 2017, vì vậy đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ y tế dự phòng và công tác dân số - KHHGĐ...

Theo Sở Y tế, đến nay đã cuối tháng 7/2017, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện và trung ương chưa cấp kinh phí hoạt động năm 2017, vì vậy đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ y tế dự phòng và công tác dân số - KHHGĐ. Có nơi từ tháng 6/2016 đến nay không có kinh phí hoạt động, nhất là hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số (CTVDS) với nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Hậu quả trước mắt là tình trạng sinh con thứ ba trở lên trong cán bộ, đảng viên gia tăng.
 
Chị Lê Thị Thanh Hoa (bìa trái) - Chuyên trách Dân số xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm bỏ tiền túi ra hỗ trợ cho đội ngũ CTVDS để duy trì hoạt động tại cơ sở. Ảnh: A.Nhiên
Chị Lê Thị Thanh Hoa (bìa trái) - Chuyên trách Dân số xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm bỏ tiền túi ra hỗ trợ cho đội ngũ CTVDS để duy trì hoạt động tại cơ sở. Ảnh: A.Nhiên
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên
 
Trong thực hiện chính sách dân số, cụ thể là Pháp lệnh Dân số, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là nhóm đối tượng phải gương mẫu chấp hành nghiêm để làm gương cho người dân học tập và làm theo. Thực tế, do ảnh hưởng của kinh phí hoạt động chương trình mục tiêu Y tế - Dân số nên hoạt động truyền thông vận động về chính sách DS-KHHGĐ trên diện rộng bị cắt giảm đáng kể đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì thành quả đạt được về DS-KHHGĐ, nguy cơ gia tăng sinh con thứ ba trở lên trong nhóm đối tượng gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. 
 
Mới đây, 20/7, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tăng cường vận động giảm sinh con thứ ba trở lên trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tập trung vận động đối tượng: cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên thực hiện quy mô gia đình ít con (1 hoặc 2 con) theo đúng Pháp lệnh Dân số để nuôi dạy con tốt.
 
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 51 trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên, trong đó có 34 đảng viên; đã xử lý 2 trường hợp, còn lại 49 trường hợp chưa xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trong 12 huyện, thành phố chỉ có 2 huyện Bảo Lâm và Đạ Tẻh là không có trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên. Địa phương có số lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba nhiều nhất là: Đam Rông 16 trường hợp (trong đó có 14 đảng viên); Lâm Hà 10 trường hợp (7 đảng viên); Bảo Lộc 5 trường hợp (3 đảng viên); Đà Lạt 4 trường hợp; Đức Trọng 3 trường hợp (1 đảng viên); Đơn Dương 3 đảng viên; Di Linh 3 trường hợp (1 đảng viên); Lạc Dương 3 trường hợp (1 đảng viên); Cát Tiên 2 đảng viên; Đạ Huoai 2 đảng viên sinh con thứ ba trở lên.
 
Qua tìm hiểu của cơ quan chuyên môn về Dân số - KHHGĐ, nguyên nhân các đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên được ghi nhận là do: Vỡ kế hoạch, muốn sinh thêm con, gia đình có điều kiện nên sinh thêm. Trong đó, đáng lo ngại là số người muốn sinh thêm con chiếm đến hơn 50% đối tượng sinh con thứ ba trở lên với 28 trường hợp; tình trạng sinh con do vỡ kế hoạch chỉ có 10 trường hợp. Trong số 51 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Dân số, mới chỉ có 2 trường hợp ở xã P’Ró (Đơn Dương) sinh con thứ ba trở lên do muốn sinh thêm con đã bị khiển trách, còn lại 49 trường hợp đều chưa xử lý vi phạm.
 
Khó khăn về kinh phí hoạt động, cộng tác viên dân số biến động
 
Mạng lưới cộng tác viên dân số (CTVDS) toàn tỉnh có khoảng 2.500 người. Do kinh phí từ chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2017 đến nay chưa có và trước đó, năm 2016 đến cuối năm mới được phân bổ một ít cho các địa phương nên các hoạt động ở cơ sở chỉ duy trì cầm cự, việc triển khai thực hiện các hoạt động chương trình DS-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động. Đội ngũ chuyên trách và CTVDS ở cơ sở làm nhiệm vụ này, trong đó, chuyên trách DS-KHHGĐ đã được biên chế tại các trạm y tế nên cơ bản ổn định mạng lưới chuyên trách; còn mạng lưới chân rết ở cơ sở chính là CTVDS được hưởng chế độ phụ cấp từ trung ương là 100.000 đồng và tùy vào các huyện, thành phố sẽ hỗ trợ thêm thù lao mức từ 40.000 -100.000 đồng/người để làm công tác tuyên truyền, vận động và cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí tại hộ gia đình. Do kinh phí không kịp thời, có nơi từ tháng 6/2016 đến nay CTVDS không nhận được thù lao hỗ trợ cho hoạt động nên mạng lưới này biến động đáng kể.
 
Chị Lê Thị Thanh Hoa - Chuyên trách DS-KHHGĐ xã Lộc Ngãi đã hơn 14 năm gắn bó với công tác dân số, quản lý 26 CTVDS toàn xã, cho biết: Từ đầu năm đến tháng 6/2017, mỗi CTVDS được hỗ trợ 40.000 đồng/tháng, tôi mới nhận được quý I/2017 và đã phát cho mỗi CTVDS 120.000 đồng (do chuyên trách nhận phát cho CTVDS). Từ hồi không có kinh phí đến giờ đội ngũ CTVDS làm việc có vẻ chậm hơn trước kia; trước kia làm xông xáo hơn, đi họp đều hơn, còn bây giờ, mỗi lần tổ chức họp CTVDS thì chỉ có 20/26 người có mặt. Vì vậy, tôi cho họ mượn tiền ứng trước đổ xăng vì thù lao 40.000 đồng/người/tháng nhưng chưa có liền, giờ đã quý II nhưng chưa có tiền hỗ trợ CTVDS, nên mình bỏ tiền túi ra ứng cho họ trước để chia sẻ cho chị em có tiền đổ xăng đi lại vận động bà con thực hiện KHHGĐ.
 
Ý kiến từ cơ sở
 
Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Bảo Lộc: “Do kinh phí không có nên chúng tôi cố gắng tìm người nhiệt tình để làm CTVDS”
 
Hiện nay, đội ngũ CTVDS của Bảo Lộc có 284 người được phân bổ đều trên 168 thôn, tổ dân phố, trong đó có 45 người kiêm nhiệm y tế thôn bản. Kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đến nay không còn nên việc triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, mỗi CTVDS của Bảo Lộc được nhận 100.000 đồng/tháng từ nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương. Một số CTVDS trình độ hạn chế, thiếu nhiệt tình, thù lao cho đội ngũ này quá thấp không đáp ứng với nhu cầu công việc hiện nay, vì vậy địa phương cần nghiên cứu hỗ trợ thêm cho đội ngũ này. Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh đang cao ở Đạm Bri, Lộc Phát, Đại Lào và biện pháp can thiệp chỉ có tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, đặc biệt đội ngũ CTVDS, chuyên trách phải nỗ lực với tinh thần tình nguyện vì cộng đồng là chính. Một số mô hình: “Gia đình hạn chế người sinh con thứ ba trở lên” có 4 mô hình ở Phường 2, Lộc Châu, Đại Lào, Đạm Bri hiện số người sinh con thứ ba trở lên giảm chậm.
 
Đội ngũ CTVDS biến động, phụ cấp thù lao chỉ có tính chất động viên, còn địa phương cố gắng tìm kiếm người nhiệt tình cho công tác này, hiện đội ngũ này biến động khoảng 50 người/284 người bỏ việc. 
 
Ông Lê Quang Thương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bảo Lâm: “Từ tháng 6/ 2016 đến nay (7/2017) chúng tôi chưa nhận được kinh phí hoạt động”
 
Toàn huyện có 277 CTVDS phân bổ ở 134 thôn, tổ dân phố, trong đó có 85 người kiêm nhiệm y tế thôn bản. Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hoạt động và huyện đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số địa bàn đang gia tăng. Trước đây, hàng năm chương trình mục tiêu hỗ trợ 20-30 triệu đồng/huyện cho hoạt động truyền thông hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh; hàng năm khoảng 600 triệu đồng phân bổ cho công tác DS-KHHGĐ ở Bảo Lâm, nhưng từ tháng 6/2016 đến nay chúng tôi chưa nhận được kinh phí hoạt động, kể cả kinh phí để hỗ trợ thù lao cho CTVDS cũng không có. Các hoạt động duy trì, cầm chừng, hầu như duy trì chứ để làm bề nổi truyền thông như băng rôn, khẩu hiệu, hội thảo tuyên truyền, vận động DS-KHHGĐ không thể tổ chức.
 
AN NHIÊN