Học kỳ quân đội - mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi

09:07, 24/07/2017

Hè năm 2010, lần đầu tiên Chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ) dành cho thiếu nhi do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức; đến nay đã 8 mùa HKQĐ đi qua, Chương trình đã tạo nên những mùa hè bổ ích được đông đảo thiếu nhi háo hức mong chờ, phụ huynh tin cậy. 

Hè năm 2010, lần đầu tiên Chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ) dành cho thiếu nhi do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức; đến nay đã 8 mùa HKQĐ đi qua, Chương trình đã tạo nên những mùa hè bổ ích được đông đảo thiếu nhi háo hức mong chờ, phụ huynh tin cậy. 
 
Môi trường sống hiện tại, trẻ em được cha mẹ bao bọc kỹ lưỡng, được chăm sóc lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón đến trường... khiến giới trẻ hiện nay đang dần thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết, thiếu tự tin trong mọi sinh hoạt, học tập và cả khi vào đời lập thân lập nghiệp. Việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sống, bản lĩnh cho thế hệ trẻ càng trở nên cần thiết.
 
Niềm vui của các chiến sĩ nhỏ tham gia Học kỳ quân đội. Ảnh: Q.U
Niềm vui của các chiến sĩ nhỏ tham gia Học kỳ quân đội. Ảnh: Q.U
Rèn kỹ năng “kiểu quân đội”
 
Hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là biểu tượng đẹp trong lòng thế hệ trẻ, nên mong muốn được tham gia HKQĐ để hiểu cặn kẽ và làm theo những “thần tượng” của mình là điều dễ hiểu. Sức hấp dẫn của chương trình chính là hàng ngày được ăn, ở giữa doanh trại quân đội, được hòa mình học tập, được các chú bộ đội trực tiếp huấn luyện. Cũng dậy đúng giờ, gấp chăn màn vuông như “cục gạch”; cũng lăn lê, bò toài trên thao trường với những tư thế đánh trận thật sự; cũng ăn cơm “kẻng”, ở giường tầng, đi thành hàng ngũ. Những xúc cảm thật đặc biệt khi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, được hồi hộp trải nghiệm từng bài học trong chương trình huấn luyện dành cho tân binh như: điều lệnh quản lý, điều lệnh đội ngũ, bài thể dục và các thế võ trong quân đội, tháo lắp súng, bảy tư thế vận động trên chiến trường, vượt vật cản, cấp cứu, hành quân...; được rèn luyện những đức tính tốt đẹp của người lính, sống môi trường tập thể, đề cao tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, tự giác cao, tác phong nhanh nhẹn. Chỉ trong 7 ngày xa gia đình, nhưng sẽ không còn thức khuya dậy muộn với những trò game vô bổ, hay dán mắt hàng giờ vào những chương trình TV; thay vào đó có những phút giây mệt mỏi trên thao trường, có tiếng kẻng dậy sớm tập thể dục, những buổi tối nhớ nhà, những dòng nhật ký có nước mắt, tình đồng chí đồng đội thiêng liêng và cảm nhận về những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gánh trên vai trọng trách bảo vệ Tổ quốc. Không gian của Học kỳ quân đội là không gian rộng lớn, không bó hẹp ở doanh trại, mà là những con đường hành quân, có mưa, có nắng, là nhà dân có bữa cơm ấm tình quân dân, là tặng quà cho những người bạn khuyết tật ở những môi trường giáo dục đặc biệt như hội người mù, hội người khuyết tật, trại trẻ mồ côi, trường thiểu năng, Làng trẻ SOS... Từ đó, làm nhân lên tình người, tình yêu thương, để các em thấy mình còn khỏe mạnh, may mắn, cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, với quê hương. 
 
Từ 100 thiếu nhi tham gia HKQĐ mùa hè đầu tiên, mỗi năm Tỉnh Đoàn Lâm Đồng mở 4 lớp HKQĐ, 2 lớp thiếu nhi dành cho lứa tuổi 9 - 13 kéo dài trong 5 ngày tại Học viện Lục quân Đà Lạt; 1 lớp trung cấp bộ binh kéo dài 7 ngày tại Trung đoàn 994 đóng tại Tà Hine - Đức Trọng dành cho thiếu niên lứa tuổi 14 - 17. Nâng cao hơn nữa, những năm gần đây, lớp trung cấp hải quân phối hợp cùng Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại Cam Ranh - Khánh Hòa, với việc huấn luyện ở môi trường biển và cát, huấn luyện bơi, kỹ năng phòng vệ trên biển, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, thăm các chiến hạm Lý Thái Tổ để hiểu thêm về khả năng phòng bị, sẵn sàng chiến đấu và tiềm lực quân sự hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam... HKQĐ đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ của gần 3.000 lượt thiếu nhi từng tham gia qua những mùa hè. 
 
Tinh thần “Thép đã tôi thế đấy”
 
Lấy cảm hứng từ một tiểu thuyết cùng tên có nhân vật chính là chàng trai Pavel lớn lên giữa làn sóng cách mạng với phương châm sống: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời”; HKQĐ có nhiều hoạt động tăng cường bản lĩnh, bồi đắp lý tưởng sống cho các em. Từ những hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, những chuyên đề thuyết trình, sinh hoạt tập thể sẽ dần thay đổi nhận thức, từ nhận thức biến thành hành động. Qua các hoạt động sinh hoạt huấn luyện tập thể sẽ giúp mỗi chiến sĩ nhỏ thêm ý chí mạnh mẽ, lòng can đảm, vượt qua sợ hãi, xây dựng tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa những người cùng trang lứa, từ đó giải quyết những mâu thuẫn lứa tuổi, hạn chế gây gổ, tránh bạo lực học đường. Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện, xã hội, tham gia các chương trình như tạ ơn, giã từ gian dối... cũng là những hoạt động hoàn thiện nhân cách. Niềm tự hào về truyền thống quân đội, truyền thống đấu tranh giữ nước, trách nhiệm của thế hệ trẻ sẽ hun đúc qua các HKQĐ. Các hoạt động giáo dục nâng cao ý thức chính trị, lòng yêu nước cũng được lồng ghép với các hoạt động văn hóa văn nghệ, xem phim tài liệu, diễn đàn tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác... Phải sống có trách nhiệm với bản thân mình, trách nhiệm với gia đình, người thân, với xã hội, với quê hương, đất nước. Đặc biệt các điều phối viên (là các anh chị đoàn viên được tuyển chọn, tập huấn đặc biệt) đã trở thành những người bạn lớn thân thiết của các em, đồng hành cùng thiếu nhi trong suốt hành trình. Các anh chị cũng là những biểu tượng đẹp trong lòng các em về tình yêu thương, lòng nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, sự chan hòa, sẻ chia.
 
Không niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi cha mẹ thấy con cái trưởng thành, có ý thức trách nhiệm rõ ràng với bản thân, gia đình và xã hội, có lý tưởng sống, sống lành mạnh để trở thành người có ích. Chỉ có 7 ngày, nhưng lễ xuất quân bao giờ cũng có sự bịn rịn chia tay xen lẫn sự lo lắng, háo hức của những đứa trẻ sắp xa gia đình để tự mình trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ. Đêm trở về với gia đình bao giờ cũng đầy ắp hoa và quà đón những đứa con nhỏ mới chỉ xa vài ngày nhưng tưởng chừng rất lâu. Niềm vui của các bậc cha mẹ trước sự khác lạ khi thấy con trưởng thành trong từng động tác, từng bước đi. Để rồi cảm xúc buồn trào lên khi giờ phút lưu luyến chia tay đồng đội, chia tay những ngày cùng ăn cùng ở mà khó có ngày gặp lại. Chị Ngô Thị Cẩm Thúy (thị trấn Lộc Thắng - Bảo Lâm) chia sẻ: “Cho con tham qua HKQĐ, tôi muốn con có nhiều trải nghiệm thú vị, có những kinh nghiệm sống quý báu, có suy nghĩ tích cực, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, để con ngày càng học tập tốt hơn”. 
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho biết: 8 năm qua, Chương trình HKQĐ ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong việc giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, là môi trường sinh hoạt bổ ích trong mỗi dịp hè. Đã có gần 3.000 lượt thiếu nhi được huấn luyện qua các học kỳ quân đội, được trải nghiệm tất cả những gì tốt đẹp mà HKQĐ mang lại.
 
QUỲNH UYỂN