Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

08:07, 05/07/2017

Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên...

Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. Cụ thể, giảm tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh của toàn tỉnh từ 112,8 bé trai/100 bé gái (năm 2015) xuống còn 110 bé trai/100 bé gái vào năm 2020.
 
Theo dõi cân nặng của trẻ tại trạm y tế. Ảnh: An Nhiên
Theo dõi cân nặng của trẻ tại trạm y tế. Ảnh: An Nhiên
Tỉ số giới tính khi sinh ở mức bình thường dao động từ 102 - 106 bé trai/100 bé gái. Khi nhiều bé trai được sinh ra so với bé gái (cao hơn tỉ số bình thường) thì đó là dấu hiệu của lựa chọn giới tính. Tỉ lệ giới tính khi sinh cao hơn ở lần sinh thứ hai và thứ ba, đặc biệt xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.
 
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, sau 1 năm thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2020, tỉ số giới tính khi sinh của nước ta giảm không đáng kể: 112,8 bé trai/100 bé gái (năm 2015) còn 112,2 bé trai/100 bé gái năm 2016. Tỉ số giới tính khi sinh của nước ta hiện nay còn cao hơn năm 2014, cả nước còn 45 tỉnh, thành phố có tỉ số giới tính khi sinh này tăng và ở mức cao đáng báo động (từ 115 bé trai/100 bé gái). Các chuyên gia dân số ước tính, nếu không can thiệp kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến 2050 nước ta sẽ có từ 2,3 - 4 triệu nam giới không lấy được vợ.
 
Chương trình mục tiêu Dân số - KHHGĐ của Lâm Đồng ghi nhận, hiện tỉ lệ giới tính khi sinh đã đạt 110,9 bé trai/100 bé gái, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt 109,5 bé trai/100 bé gái. 
 
Hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai tại 12 huyện, thành phố với 100 xã, phường, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, mạng lưới DS-KHHGĐ trong tỉnh đã tổ chức 45 buổi cung cấp thông tin về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho 441 lượt lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể; truyền thanh 254 buổi với 1.270 phút chủ đề này; tổ chức 109 buổi nói chuyện chuyên đề về giới, giới tính khi sinh cho 3.177 lượt nam nữ thanh niên trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ siêu âm; cấp phát 1.360 tờ rơi chuyển tải thông điệp này; xây dựng và duy trì 71 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” với 2.587 thành viên đã tổ chức 67 buổi sinh hoạt.
 
Theo kế hoạch triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn 2017 - 2020 có tổng kinh phí 10,578 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 10,008 tỷ đồng, ngân sách địa phương từ nguồn sự nghiệp y tế 230 triệu đồng và nguồn xã hội hóa 340 triệu đồng. Đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, đối tượng tác động của đề án là lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các tổ chức; hộ gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên và thanh niên; những người có liên quan đến cung cấp dịch vụ hướng dẫn sinh con theo ý muốn, liên quan đến chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.
 
Đề án đưa ra chính sách khuyến khích hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái (thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, phụ nữ có chồng chỉ có 2 con là gái) trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội. Mục tiêu đến năm 2020 có 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 2 con là gái được khám, tư vấn theo dõi sức khỏe sinh sản; 80% phụ nữ ở nông thôn đã có 1 con gái đăng ký tham gia Đề án được hỗ trợ về chi phí sinh đẻ ở lần sinh thứ 2; có 60% phụ nữ trong độ tuổi lao động chỉ có 2 con là gái (cam kết không sinh thêm con) được hỗ trợ phát triển kinh tế (vay vốn ưu tiên từ ngân hàng chính sách). 
 
Các hoạt động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% các cấp ủy đảng, chính quyền có văn bản chỉ đạo và trực tiếp tham gia các hoạt động truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; 90% các chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tham gia hoạt động tuyên truyền về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; 80% các thôn, tổ dân phố, cơ quan tổ chức tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới, không phân biệt vai trò con trai hay con gái trong chăm sóc cha mẹ già, trong các công việc gia đình, họ tộc, ngăn cấm lựa chọn giới tính thai nhi, đưa các nội dung này vào tiêu chí “Gia đình văn hóa” trong hương ước, quy ước. Có 70% các dòng họ, các thôn, tổ dân phố thay đổi nội dung các quy định theo hướng không kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. Tổ trưởng dân phố, trưởng thôn tham gia tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn. 
 
Đồng thời, biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Mục tiêu đến năm 2020 có 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và 85% thanh niên chuẩn bị kết hôn hiểu biết các quy định pháp luật, tình hình và hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi. Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường chính trị, trung học phổ thông, trường y với chỉ tiêu cần đạt được: 80% các trường học, giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn sinh vật, giáo dục công dân được tập huấn về nội dung giảng dạy về giới và bình đẳng giới; 80% các trường học được cung cấp tài liệu tuyên truyền về giới và bình đẳng giới phù hợp với lứa tuổi học sinh và tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp.
 
Xây dựng và thử nghiệm các mô hình như: CLB “Các bạn gái tiêu biểu” nhằm động viên khuyến khích đối tượng các cháu gái là con của gia đình sinh con một bề là gái và có thành tích xuất sắc trong học tập tại các trường chính trị, THPT, THCS, trường y; duy trì hoạt động các CLB “Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên giúp nhau làm kinh tế giỏi”, CLB “Bình đẳng giới”, CLB “Nam nông dân 6 chuẩn mực”; nhân rộng CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” nhằm giúp ông bà hiểu được tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó không tạo áp lực cho con cháu về vấn đề “Trọng nam khinh nữ”. Xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, khu phố, tổ dân phố nhằm duy trì mức sinh hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng tỉ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.  
 
Đồng thời, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Đảm bảo 100% cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm và phá thai cam kết không thực hiện phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
 
AN NHIÊN