Gương sáng thương binh giữa đời thường

09:07, 26/07/2017

Đến sinh sống và lập nghiệp tại thôn Tân Lạc II, xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) từ năm 1993, hiện nay, gia đình ông đã có một cuộc sống rất khá giả. Ban đầu, chỉ với hai bàn tay "trắng" và chỉ từ đất đai và lao động, ông và gia đình đã "đổi đời" nhờ có nghị lực và trí tuệ. 

Đến sinh sống và lập nghiệp tại thôn Tân Lạc II, xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) từ năm 1993, hiện nay, gia đình ông đã có một cuộc sống rất khá giả. Ban đầu, chỉ với hai bàn tay “trắng” và chỉ từ đất đai và lao động, ông và gia đình đã “đổi đời” nhờ có nghị lực và trí tuệ. 
 
Ông là thương binh, cựu chiến binh Đặng Công Định, quê ở tỉnh Bắc Giang. Thời trai trẻ, ông tình nguyện tham gia bộ đội, công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông giải ngũ về quê và được hưởng chế độ thương binh 61%. Đến năm 1993, do cuộc sống khó khăn, ông chuyển gia đình vào huyện Di Linh để lập nghiệp.
 
Khi mới đến Di Linh, gia đình ông mua 1,2 ha đất để trồng cây cà phê và hoa màu. Dần dần, ông tích lũy vốn, mua thêm đất và đã sở hữu tới 8 ha cà phê. Nhờ chịu khó làm ăn và nhạy bén tìm hiểu, nắm bắt khoa học kỹ thuật, ông đã mạnh dạn đầu tư, nên diện tích cà phê năm nào cũng đạt năng suất cao. Từ nguồn thu chủ yếu là cây cà phê, gia đình ông nhanh chóng trở nên khá giả, các con trưởng thành và đã có cuộc sống ổn định.   
 
Không dừng lại ở đó, trong mấy năm gần đây, ông Đặng Công Định đã trồng xen vào cà phê 500 cây mắc ca và chuyển đổi 1 ha cà phê sang trồng chuối Laba. Riêng cây chuối Laba, trong năm thu hoạch đầu tiên, ông đã bán được 100 triệu đồng. 
 
Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Đặng Công Định minh mẫn, có cách nhìn và cách làm khá “táo bạo”. Sau khi tính đến chuyện mở thêm trang trại chăn nuôi bò sữa, ông chịu khó tìm hiểu sách báo, tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò sữa của những người đi trước và thăm dò, tham khảo thị trường, giá cả… Đến năm 2014, ông Đặng Công Định chặt bỏ 0,5 ha cà phê để trồng cỏ. Sau đó, ông làm chuồng trại và cùng một lúc đầu tư nuôi 10 con bò sữa. 
 
Theo lời ông Định kể, tuy chỉ mới nuôi bò sữa không lâu, nhưng ông đã có nguồn thu nhập khá cao. Tính riêng tiền bán sữa tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông đã thu được khoảng 300 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán bê con do bò mẹ sinh sản và thu nhập từ giá trị phân bò, nếu đem bán. Ông còn cho biết thêm, nếu so sánh cùng với một diện tích cà phê chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa, thì với giá cả như hiện nay (14.000 đồng/ 1 lít sữa), thu nhập từ nuôi bò sữa cao gấp 4 lần so với thu nhập từ cây cà phê. Ngoài thu nhập cho gia đình, ông còn tạo được công ăn việc làm cho một số người dân lao động tại địa phương.
 
Tuy nhiên, từ thời điểm ông Đặng Công Định mở trang trại nuôi bò sữa thì gặp phải không ít khó khăn. Ông cho biết, khó khăn lớn nhất là khâu tiêu thụ, vì phải vận chuyển sữa đi bán rất xa. Hiện tại, huyện Di Linh chưa có trạm thu mua sữa bò, nên ông cũng như các hộ chăn nuôi bò sữa khác trên địa bàn huyện phải vận chuyển sữa đến bán tại Trạm Thu mua sữa Bảo Lộc hoặc Trạm Thu mua sữa Đức Trọng. Riêng gia đình ông, hàng ngày, bố con phải dùng xe máy hoặc thuê ô tô chuyên chở sữa xuống bán tại Trạm Thu mua sữa xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc). 
 
Mới đây, vào quý 2/2017, Công ty Vinamilk đã bắt đầu khởi công xây dựng Trạm Thu mua sữa tươi tại xã Đinh Lạc. Trước sự kiện này, ông Đặng Công Định và nhiều nông dân tại huyện Di Linh đã nuôi hoặc có ý tưởng nuôi bò sữa vô cùng phấn khởi. Riêng ông Đặng Công Định nhận biết được thông tin sớm và đón đầu sự kiện này, ông đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm chuồng trại và đã tăng đàn lên 35 con; trong đó, có 25 con đã cho thu hoạch sữa. “Với ông Đặng Công Định, ít nhiều cũng đã tạo động lực, góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò sữa tại địa phương phát triển” - ông Lê Quốc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Lạc ghi nhận.
 
Thương binh, cựu chiến binh Đặng Công Định không chỉ sản xuất giỏi, mà ông còn là một công dân mẫu mực, luôn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương; sẵn sàng đóng góp, ủng hộ khi các đoàn thể kêu gọi. Ông Đặng Công Định hiện là hội viên tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ và Hội Chất độc Da cam xã Đinh Lạc. Và, gia đình ông luôn được công nhận là “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.
 
XUÂN LONG