Người thương binh xuất sắc giữa đời thường

09:07, 19/07/2017

Anh là thương binh hạng nặng nhất, một trên bốn, nhưng phẩm chất "Anh bộ đội Cụ Hồ" được phát huy trong làm kinh tế để mỗi tháng anh đạt doanh thu trên hai tỷ đồng. Nhận nhiều huân, huy chương, và tháng 7 này anh là một trong 9 gương lao động sản xuất được tỉnh Lâm Đồng chọn cử dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc cùng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Anh là thương binh hạng nặng nhất, một trên bốn, nhưng phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” được phát huy trong làm kinh tế để mỗi tháng anh đạt doanh thu trên hai tỷ đồng. Nhận nhiều huân, huy chương, và tháng 7 này anh là một trong 9 gương lao động sản xuất được tỉnh Lâm Đồng chọn cử dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc cùng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thương binh Trần Anh Dũng đang giao dịch với khách hàng. Ảnh: M.Đạo
Thương binh Trần Anh Dũng đang giao dịch với khách hàng. Ảnh: M.Đạo
Theo giới thiệu của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lâm Đồng, tôi tìm đến nhà anh, địa chỉ số 27, đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 2, thành phố Đà Lạt. Anh là Trần Anh Dũng, sinh ngày 10/10/1960, quê quán ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Thực ra tôi biết và có cảm tình với anh đã khá lâu với tư cách là khách mua hàng, hồi anh có quầy bán đồ điện gia dụng tại chợ cũ Đà Lạt. Lần gặp lại này, tôi mới biết, anh là thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 86%, bởi cụt tay phải, gãy tay trái, gãy xương đùi phải và chấn thương sọ não. Nhưng vẫn khuôn mặt phúc hậu ấy, nhẹ nhàng, chân chất, chịu khó và tận tình trong giao tiếp. Rất nhiều lần cuộc làm việc giữa tôi với anh Dũng phải dừng vì khách hàng mua sỉ, mua lẻ vào ra tấp nập. 
 
Chỉ một tay vừa thao tác lấy hàng, tính tiền, anh Trần Anh Dũng vừa tâm sự với tôi đời binh nghiệp. Ngày 25/2/1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ. Hành quân vào khu huấn luyện Sư đoàn 441 đóng tại Khe Lang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được gần 3 tháng thì chiến trường K (Campuchia) cần quân lực gấp để làm nhiệm vụ quốc tế nên anh và đồng đội tiếp tục Nam tiến. Tại mặt trận 479, chiến sĩ Trần Anh Dũng biên chế vào D5, E20, F4, Quân khu 9, chiến trường K. Có thành tích chiến đấu, anh Dũng được phong cấp trung sỹ, chức vụ A trưởng. Anh kể: Một phần cá nhân rèn luyện và chiến đấu tốt, phần khác lúc này đồng đội hy sinh nhiều quá, may mắn được sống sót nên tổ chức đã đôn anh lên. Riêng Trần Anh Dũng, trong trận sống mái kiên cường với lực lượng Khơme đỏ đã bị thương cụt tay phải, gãy tay trái và xương đùi phải, cùng chấn thương sọ não, đó là ngày 4/12/1981. Trước hoàn cảnh khốc liệt ấy, chiến sĩ Dũng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì vậy năm 1982 tiếp tục được phong hàm thượng sỹ, đảm nhận chức B trưởng. Sau đó do tổn thương quá nặng nên Trần Anh Dũng được chuyển về khu điều dưỡng thương binh ở tỉnh Lâm Đồng và đến tháng 10/1982 được ra quân.
 
Ra quân, thương binh Trần Anh Dũng được giải quyết căn nhà “Tình nghĩa” nhỏ hẹp. Người vợ của anh là công chức ngành LĐ-TB&XH, vợ chồng có ba mặt con nên cuộc sống hết sức khó khăn. Mỗi lúc khí trời bất thuận, thân thể thương binh Dũng lại đau nhức tứ bề. “Ngày xưa mình cầm súng chiến đấu, may mắn còn sống sót để trở về với đời thường, phát huy hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” mình quyết tâm chứng minh “tàn mà không phế” để vượt hoàn cảnh đời sống chật vật khó khăn”. Đó là chia sẻ của thương binh Dũng về lý do anh đến với nghề kinh doanh đồ điện gia dụng tại chợ Đà Lạt. Và chính “môi trường gia đình là quan trọng, cha mẹ là tấm gương sáng, gương sáng thì con sẽ sáng” như Trần Anh Dũng chia sẻ, cả ba người con của anh chị khôn lớn và trưởng thành. Con đầu Trần Anh Minh Tú (sinh năm 1984) du học đại học và thạc sĩ tại Úc, nay làm tại Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh; con thứ Trần Anh Minh Tài (sinh năm 1986) học sỹ quan quân sự, hiện là đại úy, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện thuộc Học viện Lục quân Đà Lạt và con út Trần Bá Khánh Trình (sinh năm 1991) tốt nghiệp chính quy Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh hiện là kiến trúc sư một doanh nghiệp ở Đà Lạt. 
 
Rất có duyên là khi tôi đang trò chuyện với anh thì anh Trương Ngọc Lý - nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đến mua hàng và anh Nguyễn Ngọc Dương - cựu chiến binh, cấp ủy viên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 4, Phường 2, Đà Lạt đến chơi với chủ quầy Trần Anh Dũng. Với anh Lý, tôi đã từng quen từ lâu, anh chia sẻ thân tình: “Mình thường xuyên đến mua hàng của anh Dũng, anh là thương binh và rất hoàn cảnh, giúp được gì thì giúp”. 
 
Qua vợ chồng anh Dũng tôi còn biết, chính anh Lý đã giúp đỡ vợ chồng mua thêm căn nhà kế bên để có không gian rộng hơn giúp anh Dũng không phải thuê quầy ở chợ nữa mà bán tại nhà. Còn anh Dương nhận xét: Đồng chí, đồng đội Trần Anh Dũng của chúng tôi sống rất chân tình, chan hòa với bà con hàng xóm, được mọi người tin yêu. Đối với công tác tại địa phương, anh Dũng trước đây là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, nay đang là Chi hội trưởng Khuyến học và Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố 4. Ở cương vị nào, đồng chí Dũng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh năng nổ, sâu sát, đoàn kết...
 
Vợ chồng thương binh Trần Anh Dũng hiện đã có hai cháu nội, cô con dâu học ngành kế toán làm luôn cho bố Dũng. Tấm gương làm kinh tế của người bố chồng đã trở thành động lực cho người con học tập và trân quý. Về thành tích trong chiến đấu và công tác, Trần Anh Dũng được ghi nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen Bộ Quốc phòng, Huy hiệu Dũng sỹ giữ nước; Huy hiệu Nghĩa vụ quốc tế, Bằng khen Bộ LĐ-TB&XH. Càng vui với anh hơn, khi bài báo này lên khuôn thì Trần Anh Dũng sẽ có mặt tại Thủ đô Hà Nội để nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng. 
 
MINH ĐẠO