"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"

08:07, 03/07/2017

Đối với người phụ nữ ấy, lẽ sống "mình vì mọi người" như ăn sâu vào máu thịt nên bất cứ "cái gì tốt cho mọi người thì mình làm". Chị coi những việc làm của mình cũng tự nhiên như lá thì phải xanh, chim thì phải hót, chẳng đắn đo suy tính thiệt hơn…

Đối với người phụ nữ ấy, lẽ sống “mình vì mọi người” như ăn sâu vào máu thịt nên bất cứ “cái gì tốt cho mọi người thì mình làm”. Chị coi những việc làm của mình cũng tự nhiên như lá thì phải xanh, chim thì phải hót, chẳng đắn đo suy tính thiệt hơn…
 
Vừa trở về từ Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017, là cá nhân duy nhất trong 5 đại biểu của tỉnh Lâm Đồng đại diện cho ngành Giáo dục, nhưng chị Rơ Ông K’Thủy cười khiêm tốn: “So với nhiều người gặp ở hội nghị này, mình đã làm được gì nhiều đâu…”. Nhưng với bà con ở thôn vùng sâu Păng Tiêng thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, chị là người đã tạo dựng cho nhiều bà con trong buôn làng một cuộc sống mới…
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng biểu trưng của ngành Giáo dục cho cô giáo Rơ Ông K’Thủy trong Lễ Tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2016. Ảnh: T.H
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng biểu trưng của ngành Giáo dục
cho cô giáo Rơ Ông K’Thủy trong Lễ Tuyên dương nhà giáo,
cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2016. Ảnh: T.H
Hết lòng vì “con chữ” vùng sâu
 
Lần thứ hai tôi quay trở lại để gặp chị, vẫn trong ngôi nhà nhỏ không có gì thay đổi, có chăng chỉ là thêm nhiều bằng khen, giấy khen được chị trang trọng treo kín cả tường phòng khách. 23 năm công tác trong ngành Giáo dục cũng là 23 năm chị K’Thủy cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng sâu Păng Tiêng. Không chỉ là một trong những giáo viên đầu tiên “gieo chữ” nơi đây, ngôi trường Tiểu học Păng Tiêng đã được dựng lên trên hơn 3.000 mét vuông đất do gia đình chị hiến tặng.
 
Câu chuyện liên quan đến “con chữ” của chị thật đáng nể phục. Ngày ấy, trong buôn làng hẻo lánh này, vì cuộc sống khó khăn, vì nhận thức chưa sâu của bà con về chuyện học nên những người học hết tiểu học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình chị lúc ấy mẹ góa con côi phải chật vật với từng bữa ăn hàng ngày vẫn không ngăn cản được bước chân đến trường của chị. Phải đi xa hàng chục cây số, phải xin ở nhờ nhà người quen để học hết trung học, rồi trung cấp sư phạm để rồi trở thành cô giáo của buôn làng mình. Sau này, vừa đi dạy, chị vừa học thêm bổ túc văn hóa để lấy bằng THPT và cách đây ít năm, chị cũng hoàn thành xong chương trình đại học. 
 
Thương bọn trẻ trong làng không có nơi học hành tử tế, khi nghe nói có chủ trương xây trường học, chị K’Thủy đã tự nguyện hiến hơn 3.000 m2 đất đang canh tác của gia đình để ngôi trường Tiểu học Păng Tiêng được dựng lên tại vị trí thuận lợi nhất thôn. 
 
Có trường, có lớp nhưng để duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần lại là điều khó khăn cho thầy cô nơi đây. Là người địa phương, chị K’Thủy thuộc từng ngõ, hiểu hoàn cảnh từng gia đình nên luôn đi đầu trong việc vận động học sinh trở lại lớp. Chị tâm sự, việc đến nhà vận động phụ huynh giống như “giành thời gian” với họ. Bởi cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình vẫn bắt con ở nhà trông em hay phụ giúp việc nhà. Mỗi khi có học sinh nghỉ học, chị K’Thủy phải đi thật sớm để kịp trước giờ bà con đi rẫy, nếu không gặp được phụ huynh thì lại thêm một ngày học trò không đến lớp.
 
Mỗi năm làm chủ nhiệm là mỗi lần chị trăn trở tìm cách giúp đỡ học trò nghèo. Lớp chị, hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số, em thì đi học không có dép, em thì thiếu thước, thiếu bút, từ đồng lương của mình, chị âm thầm “trang bị” cho học sinh. Nhiều em nhà xa trường 3, 4 cây số, chưa có bán trú nên sau giờ học buổi sáng, chị lại như người mẹ ríu rít dắt đàn con về nhà mình pha mì gói, cắm lại nồi cơm để bọn trẻ ăn rồi nghỉ ngơi đợi đến buổi phụ đạo chiều. Học trò của chị, có lẽ cảm nhận được tình thương yêu, quan tâm của cô giáo nên đứa nào cũng vui khi đi học. Nhiều năm liền, lớp chị chủ nhiệm nói riêng và toàn trường luôn duy trì sĩ số 100%, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 97%, nhiều học sinh đoạt giải viết chữ đẹp cấp huyện, tỷ lệ lên lớp 100%, học sinh khá giỏi trên 50%... Có được kết quả này, đối với ngôi trường vùng sâu là điều đáng khích lệ. Đó cũng là niềm tự hào của thầy hiệu trưởng Rơ Ông Ha Xuân: “Cô K’Thủy là giáo viên năng nổ, tích cực của trường. Đặc biệt, cô là người tiên phong cũng như giữ vai trò chủ chốt trong việc vận động học sinh ra lớp để trường luôn duy trì sĩ số nhiều năm liền”. 
 
Cô giáo K’Thủy không chỉ được phụ huynh tin tưởng, học trò yêu quý mà đồng nghiệp luôn xem cô như người chị. Ngoài việc giúp đỡ những đồng nghiệp khi mới vào nghề, nhà chị K’Thủy luôn là nơi nghỉ trưa của các thầy cô giáo ở xa. Những bữa cơm đạm bạc luôn đầy ắp tiếng cười và sự sẻ chia là động lực cho những giáo viên trẻ yên tâm bám trường, bám lớp nơi vùng sâu này.
 
Cô giáo Rơ Ông K’Thủy cùng học trò nơi vùng sâu. Ảnh: T.H
Cô giáo Rơ Ông K’Thủy cùng học trò nơi vùng sâu. Ảnh: T.H
“Cái gì tốt cho mọi người thì mình làm”
 
Nhắc đến cô giáo K’Thủy, nhiều cụ già trong thôn Păng Tiêng gật gù: “Nó tốt lắm, nó cho đất làm trường để trẻ con được đi học. Nó còn cho đất làm đường để bà con đi. Đó, cái bể nước dân sinh cũng là đất nó cho để xây giúp bà con có nước sinh hoạt”, già Klong K’Luyn - Trưởng thôn Păng Tiêng cho biết.
 
Vào thôn Păng Tiêng hôm nay, những con đường liên thôn được bê tông hóa len lỏi khắp làng. Việc đi lại của bà con cũng dễ dàng hơn, không nắng bụi mưa lầy như trước. Trong đó, có hơn 3.700 m2 đất gia đình chị K’Thủy tự nguyện hiến để góp phần cho con đường Păng Tiêng - Đạ Nghịt 726 nối dài. Cũng từ khi có bể nước dân sinh, bà con không phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước. Dòng nước trong vắt như “tưới tắm” cho buôn làng cuộc sống mới, tiếng cười của những đứa trẻ khanh khách đưa tay hứng những giọt nước mát lành… 
 
Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị cũng mặc nhiên vui sống với xóm làng. Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, chồng chị làm tài xế đường dài dăm bữa nửa tháng mới về nhà. Một tay chị chăm lo việc nhà, hoàn thành việc trường, tranh thủ ngoài giờ lên lớp để nuôi thêm con heo, trồng thêm cây bắp để phát triển kinh tế. 
 
Hỏi về hàng ngàn mét vuông đất cho không, chồng chị - anh K’Să K’Đoàn chia sẻ: “Tiếc làm gì, cứ mỗi lần đi làm xa về thấy có thêm công trình mới, buôn làng đẹp hơn là mình vui lắm. Thấy bà con có đường đi thuận tiện, nhất là bọn trẻ được đi học trong ngôi trường khang trang thì sự đóng góp của mình có là bao...”.
 
Là đại diện cho giáo viên toàn miền Nam ra Hà Nội dự chương trình tri ân nhà giáo vào dịp 20/11 năm 2016 do Bộ GDĐT tổ chức, tại buổi tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch, chị K’Thủy thật lòng: “Tôi luôn trăn trở phải làm gì để đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa phương nơi mình công tác...”. Có lẽ những trăn trở ấy đã khiến chị có những việc làm không hề nhỏ bé chút nào. 
 
Tôi chia tay chị khi trưa đã muộn. Bước ra cửa, thấy chị đã ôm gùi theo chân tôi ra cổng hái bắp. Chị bảo: “Chị tranh thủ thu hoạch nốt ngày mùa để mai đến trường dạy lớp “tăng cường tiếng Việt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1”. Năm nào cũng vậy, chị nhận lớp này vào dịp hè để các thầy cô giáo ở xa không phải vất vả đi lại trong mùa mưa Tây Nguyên.
 
TUẤN HƯƠNG