Quy định về cải tạo mặt bằng lĩnh vực nông nghiệp: Thực sự cấp thiết đối với sản xuất

09:07, 25/07/2017

Với đặc điểm địa hình đồi dốc, nhu cầu đất phục vụ nông nghiệp ngày càng rất cao, việc ban hành các quy định theo Quyết định số 1498 /QĐ-UBND ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về san gạt, cải tạo mặt bằng (gọi tắt SGCT) là rất cấp thiết. Đây vừa là cơ sở pháp lý để áp dụng, vừa là căn cứ để giám sát, xử lý vi phạm nghiêm, kịp thời. 

Với đặc điểm địa hình đồi dốc, nhu cầu đất phục vụ nông nghiệp ngày càng rất cao, việc ban hành các quy định theo Quyết định số 1498 /QĐ-UBND ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về san gạt, cải tạo mặt bằng (gọi tắt SGCT) là rất cấp thiết. Đây vừa là cơ sở pháp lý để áp dụng, vừa là căn cứ để giám sát, xử lý vi phạm nghiêm, kịp thời. 
 
Vụ san gạt đất SXNN trái quy định tại Phường 7, Đà Lạt trước khi có quy định này. Ảnh: M.Đạo
Vụ san gạt đất SXNN trái quy định tại Phường 7, Đà Lạt trước khi có quy định này. Ảnh: M.Đạo
Nguyên tắc, điều kiện
 
Quy định về SGCT để sản xuất nông nghiệp (SXNN), xây dựng công trình phụ trợ phục vụ SXNN gồm 3 chương, 11 điều là tạm thời nhưng hiệu lực ngay sau khi ký. Về nguyên tắc, 1/Khu vực SGCT phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có khoáng sản (KS) khác có giá trị cao hơn đất san, lấp. 2/Phải thực hiện thủ tục xin phép, đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp phải xin phép, đăng ký) theo quy định phù hợp với mục đích sử dụng đất. 3/Độ cao, diện tích, độ dốc khu đất SGCT phải đảm bảo đúng theo thiết kế, giấy phép xây dựng của dự án, công trình. Trường hợp không yêu cầu thiết kế, cấp phép xây dựng thì độ cao san gạt không lớn hơn 4 m đối với SXNN (không lớn hơn 3 m đối với xây dựng công trình phục vụ SXNN); độ dốc khu đất không lớn hơn 300; tổng diện tích san gạt qua các lần trên cùng một khu vực không lớn hơn 5.000 m2. 4/ SGCT không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực; không làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng, di tích văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng; không gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất lân cận. 5/Thời gian SGCT tối đa 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (hoặc từ ngày đối tượng thông báo)...
 
Các trường hợp không được phép SGCT là: 1/Lợi dụng để khai thác KS ngoài đất san, lấp; cố ý hủy hoại đất; lấn chiếm đất sông, suối, ao, hồ tự nhiên. 2/Làm biến dạng địa hình ở những khu vực có di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh; khu vực đất quy hoạch lâm nghiệp; trong phạm vi hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước; vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang; các khu vực cấm khác theo quy định của pháp luật. 3/Đất chưa xin phép, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất. 4/Không đảm bảo một trong các tiêu chí về độ cao, diện tích, độ dốc khu đất san gạt. 5/Các khu vực liên quan đến lĩnh vực KS như: đã được cấp phép thăm dò, khai thác; đã hết thời hạn khai thác; đã có quyết định đóng cửa mỏ; đã được điều tra, đánh giá có KS. 6/ Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về việc khai thác, sử dụng và vận chuyển đất san, lấp...
 
Theo đó, Quy định cũng nêu rõ những điều kiện cụ thể được SGCT phù hợp các nguyên tắc nêu trên. Mặt khác, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước khi SGCT; đồng thời có phương án SGCT trình thẩm định, xác nhận.
 
Trách nhiệm từ hai phía 
 
Theo ngành TN&MT Lâm Đồng, mặc dù tỉnh đã nhiều lần kiến nghị cấp Bộ về nội dung này nhưng vẫn chưa có hướng dẫn tháo gỡ. Việc ban hành Quy định SGCT cho nông nghiệp của Lâm Đồng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào triển khai thực hiện đúng pháp luật, vừa không xảy ra tình trạng lợi dụng từ phía đối tượng cải tạo đất và không phát sinh những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, nhũng nhiễu từ phía các cấp quản lý. Đó cũng là tâm tư của một số lãnh đạo các ngành liên quan khi chia sẻ với PV Báo Lâm Đồng. 
 
Ngày 20/7, chúng tôi trao đổi với đại diện lãnh đạo Sở và phòng chuyên môn của Sở TN&MT Lâm Đồng. Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng: Tinh thần là không để đẻ ra những thủ tục hành chính không đáng có. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đang soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện Quy định này theo hướng cấp thẩm quyền chỉ xác nhận được phép SGCT. Ngành TN&MT cũng lý giải sở dĩ là “tạm thời” của Quy định vì, trong lúc cấp trung ương chưa có quy định cụ thể, chỉ có một số địa phương ban hành quy định như Bình Dương, Cao Bằng... cho nên chỉ triển khai thực hiện trong 12 tháng. Là vấn đề “nhạy cảm”, tỉnh cũng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký SGCT. Trách nhiệm UBND cấp huyện còn tổ chức ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất xử lý kịp thời các hoạt động khai thác đất san, lấp trái phép trên địa bàn và “chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quản lý SGCT trên địa bàn”... UBND cấp xã phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý...; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định cũng nêu rõ những trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện SGCT rất cụ thể. 
 
“Sau 12 tháng thực hiện, Sở TN&MT phối hợp UBND các huyện, thành phố đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; tổ chức xây dựng dự thảo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan, gửi Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quy định chính thức. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kịp thời phản ánh đến Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết” (Điều 11).    
 
MINH ĐẠO