Ða lợi ích từ trồng cây Chương trình UN-REDD

08:08, 28/08/2017

Ðây là chủ trương từ Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển" (UN-REDD) vừa triển khai tại Lâm Ðồng. 

Ðây là chủ trương từ Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc (LHQ) về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển” (UN-REDD) vừa triển khai tại Lâm Ðồng. Chuyên gia Bùi Lê Inh - điều phối viên Dự án UN-REDD Việt Nam phụ trách địa bàn Lâm Ðồng cho biết: Ðến nay, trên 35.600 cây đã được giao để trồng tại địa bàn các huyện Ðam Rông, Lâm Hà và Di Linh.  
 
Tổ chức bàn giao cây giống tại huyện Di Linh. Ảnh: Minh Ðạo
Tổ chức bàn giao cây giống tại huyện Di Linh. Ảnh: Minh Ðạo

Lâm Đồng là một trong 6 tỉnh ở Việt Nam được triển khai Chương trình UN-REDD giai đoạn II, vì vậy, cần phát huy lợi thế này một cách tối đa có thể. Với việc đồng hành từ các cơ quan đối tác thực hiện của LHQ như Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cùng nguồn tài trợ của Chính phủ Na Uy, chương trình trồng cây phân tán chắc chắn sẽ đưa lại nhiều lợi ích lớn. Mục tiêu của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp. Đây là sự “thống nhất hành động” của hệ thống LHQ tại Việt Nam nói chung và giữa các bên liên quan trong Chương trình UN-REDD Việt Nam. Theo đó, các hoạt động sẽ ngày càng tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện các chính sách và biện pháp đề xuất trong Kế hoạch Hành động REDD+ cấp tỉnh. Mục đích của các kế hoạch này để chứng minh rằng thực sự có thể đạt được mục tiêu cô lập và giảm phát thải khí nhà kính bằng cách can thiệp thiết thực, chỉnh sửa hay gia hạn những chương trình quốc gia có tác động đến độ che phủ rừng hay sinh khối rừng. Cùng đó, với Quyết định số 5399/QĐ-BNN-TCLN ngày 25/12/2015 của Bộ NN&PTNT quy định thí điểm chia sẻ lợi ích từ REDD+ trong khuôn khổ thực hiện Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II.
 
Cụ thể hóa các hoạt động trong Thoả thuận hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ cấp cơ sở (SiRAP) ở Lâm Đồng được triển khai bằng ba gói thầu, số 02, 06 và 07. Trong đó, gói số 02 dành cho Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Sêrêpốk. Giống được cung cấp là cây muồng đen, một loài cây lâm nghiệp, đa mục đích, thuộc họ đậu, có tán không rậm rạp, gỗ lớn nhờ đó cung cấp thêm lượng đạm cho cây cà phê. Muồng cũng cản được sự bay hơi của nước nên giúp giữ nước cho cà phê. Theo chuyên gia Bùi Lê Inh, sau khoảng 4-5 tuổi, muồng có thể được khai thác làm trụ cho cây hồ tiêu. Với phương án trồng xen này, cà phê không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng và mục tiêu sẽ đạt được là tăng độ che phủ rừng. 
 
Trong lúc đất lâm nghiệp đang bị xâm lấn trái phép, việc trồng xen cây phân tán là phương án rất tối ưu, người dân quản lý bảo vệ rẫy cà phê của mình vừa có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ muồng dưới sự giám sát và nghiệm thu của BQL RPH. 
 
Theo đó, nếu là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, người dân sẽ được thụ hưởng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, tổng số cây giống muồng đã ban giao xong là 26.864 cây, trong đó các xã Đạ Tông 2.080 cây; Đạ M’rông 1.570 cây; Đạ Rsal 8.964 cây và Rô Men 14.250 cây. 
 
Đối với gói số 06, cây giống được giao cho 3 BQL RPH: Tân Thượng, Lán Tranh và Nam Ban với tổng số 11.272 cây. Trong đó, Tân Thượng 2.800 ha, Nam Ban 2.800 ha và Lán Tranh 2.500 ha. Đây là chương trình thử nghiệm thực hiện SiRAP. Chương trình sẽ chi trả dựa trên kết quả sự tăng trưởng của rừng, tỉ lệ thuận sự tích lũy cac-bon của rừng (sau khi kết thúc đo đếm lại theo cách quy ra tấn), mỗi tấn trả 5 USD. Trên cơ sở này, các BQL giao cho các nhóm hộ, bình quân từ 20-35 ha. Những diện tích này vẫn được chi trả dịch vụ môi trường rừng (450.000 đồng/ha); UN-REDD sẽ trả từ 200 - 250 ngàn đồng/ha và hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, và hơn 4.000 cây ăn quả giống ghép như sầu riêng, bơ. Trong tổng số 200 - 250 ngàn đồng được tạm ứng trước một phần kinh phí. 
 
Còn gói số 07 là đặc thù hoạt động của tổ chức PAO cùng chương trình UN-REDD. Theo đó, Lâm Đồng vừa được hỗ trợ đối với 2 đơn vị là BQL RPH Tân Thượng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh. Chương trình này cũng được hỗ trợ cây muồng đen để trồng xen với cà phê, mật độ 278 cây/ha. Trong đó, BQL RPH Tân Thượng 60 ha và Công ty Lâm nghiệp Di Linh 68 ha. Theo Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng, tất cả cây giống muồng đen đã bàn giao xong tại các cơ sở, kích thước cây cao 50 cm; gốc 0,3 cm, với nguồn gốc được kiểm định đầy đủ. 
 
Với điều kiện thuận lợi nhờ có Chương trình UN-REDD, thực tế sẽ đem lại kinh tế bằng việc nâng cao hiệu quả năng suất cây cà phê, mặt khác tăng độ che phủ của rừng, góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phía trước còn nhiệm vụ hết sức quan trọng là khâu chăm sóc, bảo vệ khi chương trình trồng cây phân tán đã hoàn thành. Vì vậy, rất cần đến trách nhiệm của các chủ rừng, các địa phương trong giám sát và ý thức đồng tham gia hiệu quả từ phía người dân.  
         
MINH ÐẠO