Cuộc di dời ra khỏi bản danh sách 64

02:08, 18/08/2017

Đam Rông, "người con" sinh sau đẻ muộn của đất mẹ Nam Tây Nguyên đã một lần lỡ hẹn với sứ mệnh của mình, cuộc đua nước rút để thoát ra khỏi bản danh sách 64 huyện nghèo nhất nước. Cơ hội nào cho vùng đất nghèo khó và xa xôi này trong chặng đường đầy chông gai trước mắt, khi mà mọi thứ vẫn còn bộn bề, trăm mối ngổn ngang ở phía sau.

Đam Rông, “người con” sinh sau đẻ muộn của đất mẹ Nam Tây Nguyên đã một lần lỡ hẹn với sứ mệnh của mình, cuộc đua nước rút để thoát ra khỏi bản danh sách 64 huyện nghèo nhất nước. Cơ hội nào cho vùng đất nghèo khó và xa xôi này trong chặng đường đầy chông gai trước mắt, khi mà mọi thứ vẫn còn bộn bề, trăm mối ngổn ngang ở phía sau.
 
Một góc trung tâm huyện Đam Rông những ngày đầu tháng 8/2017. Ảnh: Chính Thành
Một góc trung tâm huyện Đam Rông những ngày đầu tháng 8/2017. Ảnh: Chính Thành

Bản danh sách 64 huyện nghèo nhất nước được Chính phủ hỗ trợ thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), trong đó Lâm Đồng có một “đại diện” duy nhất là Đam Rông, chợt làm tôi liên tưởng tới một tác phẩm điện ảnh kinh điển, được xếp hạng là một trong những bộ phim hay nhất qua mọi thời đại - Bản danh sách của Schindeler.
 
Rõ ràng, nội dung của chuyện phim kể trên và hành trình thoát nghèo của Đam Rông chẳng hề giống hoặc có chút liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, tiêu đề của bộ phim và bản danh sách mà chẳng lấy gì làm tự hào của các huyện nghèo, cũng như sự kịch tính, cuốn hút và yếu tố nhân văn đã được xem là kiệt tác của điện ảnh thế giới mà ê kíp làm phim tạo ra lại có gì đó giống với nỗ lực không mệt mỏi của Đam Rông kể từ khi huyện được “sinh ra” hơn 10 năm về trước. 
 
Với mong muốn của rất nhiều người dân Lâm Đồng, hành trình thoát nghèo của Đam Rông sẽ sớm là một cái kết có hậu (dù không dễ dàng) và ngoạn mục giống hành trình mà Oskar Schindler - một doanh nhân người Đức đã cứu sống hơn 1.000 người, trong đó phần lớn là người Do Thái gốc Ba Lan tị nạn khỏi sự tàn sát của Đức Quốc xã bằng cách nhận họ vào làm việc ở nhà máy của mình.
 
Đã không còn phải băng rừng, lội suối để về Đam Rông
 
Vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, diện mạo của Đam Rông có được như ngày hôm nay đã là một sự thay đổi ngỡ ngàng với rất nhiều người, kể cả với những người đã từng trải, “nếm mật, nằm gai” với vùng đất lịch sử, nổi tiếng vì khắc nghiệt và nghèo đói này.
 
Sau 7 năm triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (giai đoạn 2009 - 2015), đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đam Rông đã có nhiều cải thiện, trong đó đặc biệt là việc tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể sau từng năm. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5%; trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn 11% (theo tiêu chí cũ); tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội luôn được giữ vững.
 
Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông: Sự thay đổi và những kết quả có được kể trên là nhờ các chính sách hỗ trợ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững đã được triển khai có hiệu quả, đồng thời nhận được sự đồng thuận, ủng hộ lớn của người dân. Các nguồn lực đầu tư được tăng lên đáng kể, cùng với sự phối kết hợp, lồng ghép giữa các chương trình, chính sách khác nhau bước đầu thực hiện đã đạt được những kết quả thiết thực, thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả. Nền kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ hoàn thiện; đời sống của đại bộ phận người dân đã được nâng lên và bộ mặt nông thôn đã thay đổi một cách rõ rệt.
Với những ai không tin vào báo cáo, có thể thấy rõ sự thay đổi của Đam Rông thông qua nhiều phương pháp kiểm chứng.
 
Giờ đây, ai cũng có thể “đường đường, chính chính” về Đam Rông bằng đường lớn, không còn cảnh như 15 năm về trước phải cắt rừng từ Lạc Dương qua, hay mượn đường phía Lắk, vượt sông Krông Nô tìm về. Điện lưới phủ sóng về những buôn hẻo lánh nhất, xe đò các tuyến về tận từng xã ngày vài chuyến, thực phẩm tươi sống các nơi đổ về được cung ứng thường xuyên, giao dịch mua sắm từ điện tử - điện lạnh đến xe máy, vật tư nông nghiệp đều có thể thỏa mãn được nhu cầu ngay tại Bằng Lăng (trung tâm của huyện) hay các xã phát triển như Phi Liêng, Đạ Rsal. 
 
Không thể kể hết những sự thay đổi của Đam Rông bằng một vài ví dụ, nhưng với những ai đã hơn một lần đến với vùng đất này, cũng không thể dễ dãi nhận định, rằng nơi đây đã hết khó khăn. 
 
Vẫn còn ngổn ngang trăm mối
 
Đam Rông được hình thành trên cơ sở chia tách 5 xã vùng sâu của huyện Lâm Hà và 3 xã của Lạc Dương, tất cả đều là những xã khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần thuộc diện thiếu thốn nhất nước. 
 
Không khó lý giải, với xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo khi mới thành lập chiếm tới trên 73%, thu nhập bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn 2,6 triệu đồng/người/năm, trình độ văn hóa, dân trí không cao, trình độ canh tác lạc hậu ... nên “công trình kiến trúc” Đam Rông gần như mới chỉ xem như đặt những viên gạch móng đầu tiên. Sự bền vững dài lâu là điều chưa mấy ai dám chắc, khi mà vẫn còn rất nhiều vấn đề như nước sinh hoạt, đất sản xuất, di cư tự do... vẫn chưa được đảm bảo và giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo sau khi rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều còn rất cao, chiếm trên 37%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 55,4%.
 
Người đồng bào DTTS huyện Đam Rông tranh thủ mùa mưa đi hái măng rừng vào những ngày đầu tháng 8. Ảnh: Chính Thành
Người đồng bào DTTS huyện Đam Rông tranh thủ mùa mưa đi hái măng rừng vào những ngày đầu tháng 8. Ảnh: Chính Thành

Việc giảm nghèo ở địa phương này thực sự là một “cuộc chiến” chưa bao giờ ngưng nghỉ, hết sức khó khăn ngay từ lúc nó sinh ra. Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Trưởng phòng LĐ-TB&XH của huyện cho rằng: Vấn đề giảm nghèo càng trở nên nan giải khi tính trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều người dân bản địa. Thêm vào đó, với đặc thù của một nền kinh tế thuần nông, trình độ canh tác lạc hậu, thu nhập thấp, kinh tế công nghiệp, dịch vụ gần như chưa có gì nên khả năng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động thật sự gặp phải rất nhiều khó khăn.
 
Ông Liêng Hot Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, một người con sinh ra và lớn lên ngay tại vùng đất này cũng lắc đầu thừa nhận: Khi nào Đam Rông thoát khỏi huyện nghèo là câu hỏi cho đến giờ phút này không ai dám chắc chắn trả lời, bởi huyện còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chỉ biết rằng, Huyện ủy, chính quyền, đoàn thể và tất cả người dân Đam Rông đều luôn nỗ lực hết mình, căng mình chiến đấu cho mục tiêu quan trọng này.
 
Sự thừa nhận của ông Phó Chủ tịch UBND huyện là một thực tế, bởi Đam Rông luôn có những vật cản ngáng trở vô hình làm chậm lại quá trình phát triển của huyện.
 
Trình độ lao động nông thôn của người dân bản địa nơi đây luôn ở mức rất thấp, tuy nhiên sự ham học hỏi của tầng lớp thanh - thiếu niên lại luôn là một bài toán cho ngành giáo dục. Giáo viên ở đây, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, còn phải kiêm thêm công việc vận động trẻ đến trường ở rất nhiều thời điểm trong năm. Tiền hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn đến lớp luôn được phụ huynh “chuyển hóa” thành những “ngày hội” ăn uống. Việc bọn trẻ nghỉ giữa chừng đi làm thêm trong mùa cà phê hay những mùa vụ có giá thuê công lao động cao đã trở thành một nỗi lo thực sự. Và việc trông chờ, ỷ lại của người dân vào các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, “no - đói” đã có Đảng và Nhà nước lo không còn là câu chuyện lạ giữa những buôn làng nghèo xác xơ của Đam Rông. 
 
Đâu đó ở Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông... sâu trong mỗi căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng là những bữa ăn thiếu gạo, thiếu chất, là những người đàn ông luôn chuếnh choáng hơi cồn; là những phụ nữ già nua, trầm buồn khắc khổ, là những đứa trẻ xanh xao, nhếch nhác... đã không còn là hình ảnh quá đỗi ngạc nhiên cho những ai hơn một lần đến, đi với Đam Rông.
 
Niềm tin với những người ở lại 
 
Không chỉ riêng tôi, mà còn rất nhiều người khác nữa đều tin rằng, tương lai của Đam Rông đều được đặt lên vai chính những người đang gắn bó với vùng đất này từ những ngày đầu mới thành lập. Chỉ chừng đó thôi, cũng đã đủ hy vọng cho “đứa con sinh sau đẻ muộn” mới “ra ở riêng” của Lâm Đồng.
 
Đã có rất nhiều sự ra đi của những người không nặng lòng với đất nghèo Đam Rông. Với những người trẻ, khi chưa tìm được việc, họ tìm về đây như một giải pháp cứu cánh, với những công nhân viên chức bình thường chưa có “chức sắc”, họ “xung phong” tìm đến để có một “chỗ đứng”... rất may đó chỉ là một bộ phận thiểu số. Hiện tại ở Đam Rông, những vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của Huyện ủy và chính quyền nhà nước đều là những người đã gắn bó với vùng đất này từ những ngày huyện mới ra đời. Đội ngũ lãnh đạo cơ sở ở các địa phương trong huyện, đến các phòng, ban quan trọng phần nhiều đều là đội ngũ trí thức, trẻ, có trình độ và tinh thần trách nhiệm, cũng như sự gắn bó dài lâu với huyện. Đặc biệt, còn có một bộ phận không nhỏ những người con ruột thịt, sinh ra trên mảnh đất này có kiến thức và chuyên môn cao đã chấp nhận từ bỏ mọi chế độ đãi ngộ ở những nơi phát triển để về phục vụ quê hương. Chính họ đang là những vị trí hạt nhân quan trọng cùng san sẻ gánh nặng với người dân để vượt qua mỗi giai đoạn khó khăn của huyện. 
 
Có lẽ sẽ không còn xa nữa, mảnh đất có dòng sông cha K’rông Nô luôn tràn trề sinh lực chảy qua và dòng suối mẹ Ka Kong ấm áp, dịu dàng tuôn chảy suốt hai mùa nắng mưa sẽ “đào thoát” ra khỏi bản danh sách kia, theo một cách ngoạn mục và ấn tượng nhất.
 
ĐẶNG LAM ANH