Đà Lạt: 4 năm, đầu tư trên 244 tỷ đồng cho trường lớp

08:08, 28/08/2017

Cuối tháng 7 vừa qua, thành phố Ðà Lạt đã phê duyệt kế hoạch đầu tư trên 244,4 tỷ đồng để xây dựng mới cũng như nâng cấp cơ sở vật chất trường học trên địa bàn trong giai đoạn 4 năm đến, từ 2017 đến 2020.

Cuối tháng 7 vừa qua, thành phố Ðà Lạt đã phê duyệt kế hoạch đầu tư trên 244,4 tỷ đồng để xây dựng mới cũng như nâng cấp cơ sở vật chất trường học trên địa bàn trong giai đoạn 4 năm đến, từ 2017 đến 2020.
 
Dãy 12 lớp học của Tiểu học Đa Thiện trị giá khoảng 6,2 tỷ đồng, khởi công từ năm 2016, đến nay đã hoàn tất, đưa vào sử dụng trong năm học mới 2017 - 2018. Ảnh: V.T
Dãy 12 lớp học của Tiểu học Đa Thiện trị giá khoảng 6,2 tỷ đồng, khởi công từ năm 2016, đến nay đã hoàn tất, đưa vào sử dụng trong năm học mới 2017 - 2018. Ảnh: V.T

Giải quyết tình trạng quá tải
 
Như Quyết định 2488/QĐ-UBND do UBND TP Đà Lạt ban hành ngày 21/7/2017 nêu rõ, mục tiêu trước mắt của gói đầu tư 244,4 tỷ đồng cho hệ thống trường lớp của Đà Lạt trong 4 năm đến nhằm đáp ứng đủ số phòng học, giải quyết tình trạng quá tải học sinh trong lớp, số lớp trong trường đối với các trường học, cấp học trên địa bàn vốn đã chịu áp lực về sĩ số lâu nay.
 
Dự kiến trong 4 năm đến, đến năm 2020, số học sinh ở cả 4 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của Đà Lạt sẽ tiếp tục tăng lên trên 53 nghìn học sinh như hiện nay. 
 
Mục tiêu thứ hai mà gói đầu tư lớn này hướng đến nhằm hiện thực hóa lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn theo kế hoạch mà thành phố đã đưa ra. Theo yêu cầu, các công trình này trong khi đầu tư, xây dựng phải hướng đến đạt chuẩn về cơ sở vật chất, bám sát các qui định về quy mô trường lớp, định mức diện tích xây dựng, định mức diện tích phòng học, sân chơi, bãi tập, khu văn phòng, thư viện… để khi đủ điều kiện, các trường này sẽ vươn lên đạt chuẩn quốc gia.
 
Thành phố đã chia gói 244,4 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 này thành 3 nhóm cụ thể: nhóm cho các trường khó khăn về cơ sở vật chất; nhóm cho các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và nhóm nâng cấp cơ sở các trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng còn khó khăn về cơ sở vật chất, còn thiếu phòng học hay còn phòng học cấp 4.
 
Trong nhóm xây dựng phòng học tại các trường khó khăn về cơ sở vật chất, thành phố sẽ đầu tư tổng cộng 60,5 tỷ đồng cho 5 trường trong 4 năm đến, trong đó có 3 trường mầm non, gồm Mầm non 3 (tại Phường 3), Mầm non 5 - phân hiệu Trần Nhật Duật (Phường 5) và Mầm non 6 (Phường 6) cùng 2 trường tiểu học gồm Tiểu học Đoàn Kết (Phường 2) và Tiểu học Mê Linh với Phân hiệu An Lạc (thuộc Phường 4). 
 
Trong số 5 trường trên, Tiểu học Đoàn Kết trong năm 2017 này được đầu tư 18,7 tỷ đồng để xây mới 9 phòng học, 3 phòng chức năng, khu văn phòng, nhà bếp, nhà vệ sinh. Trường Mầm non 3 thời gian đến cũng sẽ được xây mới 9 phòng học, 2 phòng chức năng, khu hiệu bộ, nhà bếp cùng các công trình phụ trợ đi kèm, cả trang thiết bị với tổng mức đầu tư khoảng 16,3 tỷ đồng. Các trường còn lại như Mầm non 6 được đầu tư 10 tỷ đồng để xây nhiều hạng mục; Phân hiệu An Lạc của Tiểu học Mê Linh được đầu tư 7,5 tỷ đồng xây dựng 6 phòng học và cơ sở hạ tầng; Phân hiệu Trần Nhật Duật của Mầm non 5 được đầu tư 8 tỷ đồng xây 6 phòng học, văn phòng, nhà vệ sinh, bếp ăn, sân trường và trang thiết bị.
 
Trong nhóm các trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, thành phố sẽ đầu tư 108 tỷ đồng cho 8 trường và phân hiệu gồm Mầm non Xuân Trường (xã Xuân Trường), Mầm non Trạm Hành (xã Trạm Hành), Tiểu học Xuân Trường, Mầm non 8 (Phường 8), Phân hiệu Nguyên Tử Lực của Mầm non 8, Tiểu học Nam Thành (Phường 3), THCS - THPT Đống Đa và THCS - THPT Chi Lăng. 
 
Trong 8 trường và phân hiệu trên, đến thời điểm này đã có 3 trường được đầu tư trong năm 2017 này, gồm Mầm non Xuân Trường (xây 12 phòng học, phòng chức năng, văn phòng, bếp ăn, mua trang thiết bị..., tổng kinh phí 15 tỷ đồng), Tiểu học Xuân Trường (xây 3 phòng học, phòng chức năng, văn phòng, kinh phí 6 tỷ đồng) và Mầm non 8 (xây 10 phòng học, phòng chức năng, văn phòng, bếp ăn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tổng kinh phí khoảng 17,5 tỷ đồng).
 
5 trường còn lại sẽ được đầu tư trong thời gian đến gồm Mầm non Trạm Hành (giai đoạn 2) với 7 tỷ đồng; Phân hiệu Nguyên Tử Lực - Mầm non 8 đầu tư khoảng 9 tỷ đồng; Tiểu học Nam Thành (xây 5 phòng học, văn phòng, phòng chức năng 7,5 tỷ đồng). Riêng Trường THCS - THPT Đống Đa sẽ cần đến khoảng 30 tỷ đồng để xây mới lại hệ thống phòng học tại đây cùng nhiều hạng mục đi kèm; còn THCS - THPT Chi Lăng cần 16 tỷ đồng để xây thêm phòng học, phòng chức năng.
 
Trong nhóm các trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng còn khó khăn về cơ sở vật chất, Đà Lạt đầu tư 75,9 tỷ đồng cho 10 trường. Cụ thể, Mầm non 12 (Phường 12) 7 tỷ đồng, xây 8 phòng học; Phân hiệu Võ Thị Sáu - Mầm non 2 (Phường 2) với 9,7 tỷ đồng xây 6 phòng học, nhà bếp, phòng chức năng; Tiểu học Lê Lợi (Phường 6) với 15 tỷ đồng xây mới nhiều hạng mục; Tiểu học Nam Thiên (Phường 5) với 8,7 tỷ đồng xây phòng học và phòng chức năng; Tiểu học Trần Bình Trọng (Phường 5) với 3,3 tỷ đồng xây 6 phòng học; Tiểu học Đa Thiện (Phường 8) 6,2 tỷ đồng xây 12 phòng học (khởi công từ năm 2016 và vừa hoàn tất đưa vào sử dụng trong năm học mới này); Tiểu học Tà Nung (xã Tà Nung) 8,1 tỷ đồng xây 12 phòng học; Tiểu học Xuân Thọ (xã Xuân Thọ) 6 tỷ đồng để xây 9 phòng học; Tiểu học Đa Thành (Phường 7) 8,5 tỷ đồng xây 15 phòng học; Tiểu học Thái Phiên (Phường 12) 3,4 tỷ đồng xây nhiều hạng mục.
 
Cần lưu ý, kinh phí trên chưa bao gồm việc duy tu, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất thường xuyên từ kinh phí sự nghiệp giáo dục được thành phố bố trí hằng năm.
 
80% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020
 
Tính đến thời điểm này, Đà Lạt có 37/58 trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 63,8%. Trong đó cao nhất là bậc mầm non với 12/17 trường, chiếm tỷ lệ 70,6%; kế đến là bậc tiểu học với 19/27 trường, tỷ lệ 70,4%; bậc THCS có 3/5 trường, chiếm 60% và thấp nhất là bậc THPT với 3/9 trường (tính cả các trường có 2 bậc học THCS - THPT), chiếm tỷ lệ 33,3%. Ngoài ra, thành phố còn có 2 trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia là Phổ thông Hermann Gmeiner và Mầm non Hiển Linh.
 
Khó nhất trong xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn, như Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt cho biết, vẫn là cơ sở vật chất. Bên cạnh một số trường hiện còn thiếu phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành; một số trường khu vực trung tâm đang quá tải về sỹ số học sinh trong từng lớp, thiếu diện tích đất theo chuẩn qui định trong khi sỹ số học sinh mỗi năm đều tăng. 
 
Theo lộ trình, đến năm 2020, 80% trường học công lập của Đà Lạt sẽ đạt chuẩn quốc gia, 65% trường học nói chung trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.
 
Trước mắt, trong năm học 2017 - 2018 này, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt, sẽ phấn đấu thêm một số trường đạt chuẩn quốc gia gồm Mầm non Trạm Hành, Mầm non 8, Tiểu học Xuân Trường và THCS - THPT Xuân Trường. Và trong danh sách này có thêm một trường ngoài công lập nữa là Mầm non Thiên Thần Nhỏ. 
 
VIẾT TRỌNG