Đưng K'nơh nỗ lực đưa học sinh tới trường

02:08, 24/08/2017

(LĐ online) - Xã Đưng K'nơh là vùng xa nhất của huyện Lạc Dương, bà con dân tộc thiểu số chiếm tới 97% và cũng là xã còn nghèo khó của tỉnh. Nhiều năm qua, mỗi khi bước vào năm học mới, không riêng gì ngành giáo dục mà cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, quyết tâm không để các em bỏ dở việc học hành.

(LĐ online) - Xã Đưng K’nơh là vùng xa nhất của huyện Lạc Dương, bà con dân tộc thiểu số chiếm tới 97% và cũng là xã còn nghèo khó của tỉnh. Nhiều năm qua, mỗi khi bước vào năm học mới, không riêng gì ngành giáo dục mà cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, quyết tâm không để các em bỏ dở việc học hành.
 
Sau ngày tựu trường đã có 97% học sinh đến lớp
Sau ngày tựu trường đã có 97% học sinh đến lớp

Gian nan đường tới trường
 
Trời vẫn mưa dầm dề, con đường tới trường của gần 30 học sinh thuộc thôn Đưng Trang, xã Đưng K’nơh, huyện Lạc Dương trở nên gian nan gấp bội. Mặt đường chật hẹp, đặc quánh bùn đỏ, trơn trượt, gập ghềnh sỏi đá trở thành nỗi thách thức lớn đối với những đôi bàn chân nhỏ xíu. 
 
Sau gần 3 tháng nghỉ hè, những học sinh lớp lớn dẫn theo các em lớp nhỏ tinh nghịch rời xa buôn Đưng Trang, chấm dứt một kỳ nghỉ dài ngày nhất trong năm. Sau một buổi vượt đường rừng, những đôi chân nhỏ đã tới được  trường. Khi nhìn thấy những học sinh thân yêu nghèo đầy lam lũ, người lấm  bết bùn đất ở vùng xa xôi, trở lại lớp học, thầy cô trong Ban giám hiệu và chủ nhiệm lớp của Trường TH&THCS Đưng K’nớh đều vui mừng. Điều mà chúng tôi nhận thấy ở vùng đất còn đầy nghèo khó này là nhiều thứ còn thiếu thốn nhưng với tình cảm thầy trò thì chứa chan. Những người thầy, người cô từ miền xuôi lên sống nội trú tại trường để dạy học, coi học sinh như con em trong gia đình, sống đùm bọc, yêu thương và san sẻ. 
 
Thầy Nguyễn Đặng Nho, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước ngày tựu trường cả nửa tháng, Ban giám hiệu đã thành lập Tổ Vận động học sinh tới trường, mà trọng tâm là tới những gia đình ở vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của xã, trong đó đặc biệt chú trọng tới thôn Đưng Trang. Đây là thôn gần như cô lập hoàn toàn bởi núi rừng hiểm trở, 100% là bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng. 
 
Nhập học vào cao điểm của mùa mưa ở Tây Nguyên cũng là một trở ngại cực kỳ lớn đối với các em. Để tới được lớp, 27 học sinh của thôn Đưng Trang chỉ còn cách địu sách vở và vật dụng cá nhân, phần lớn quãng đường phải đi bộ. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền từ trước, ngày đầu tiên tựu trường, hầu hết học sinh của thôn Đưng Trang đã tới lớp. “Chỉ còn vài học sinh của lớp 8 và 9 đang theo bố mẹ đi làm thuê xa chưa kịp về để nhập học!..” - thầy Nho cho biết. Đây được xem là thành công bước đầu trong năm học mới của Trường TH &THCS Đưng K’nơh. “Điều lo ngại nhất của nhà trường là học sinh của thôn Đưng Trang. Do địa hình quá cách trở, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, việc học hành của các em chưa được gia đình xem trọng và quan tâm đúng mức. Nay các em trở lại trường khá đầy đủ trong ngày đầu nhập học đúng vào mùa mưa và cao điểm “mùa giáp hạt” là một tín hiệu rất vui!..” - thầy Nho cho biết thêm. 
 
27 học sinh của thôn Đưng Trang, vì đường sá xa xôi, cách trở nên UBND huyện Lạc Dương cho phép ở bán trú, hỗ trợ tiền ăn vào buổi trưa. Tuy nhiên, do nhà cách quá xa trường, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở nên nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp thêm để cho các em được ở nội trú trong suốt quá trình theo học. Em Ka Tuyên bẽn lẽn cho biết: “Mỗi tháng em được nhà trường cấp 15kg gạo và hơn 500.000 đồng tiền ăn trưa. Ngoài ra còn được hỗ trợ nhiều thứ khác để ăn, ở nội trú và theo học. Ăn uống ở đây tốt hơn cả ở nhà!...Em chỉ ăn và học, không phải theo ba mẹ lên rẫy, đi làm thuê!..”. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, sau ngày tựu trường đã có 97% học sinh của Trường TH&THCS Đưng K’nơh đã trở lại lớp học. 
 
Thầy trò trường TH&THCS Đưng K’nớh chuẩn bị nghi thức cho Lễ Khai giảng năm học mới.
Thầy trò Trường TH&THCS Đưng K’nơh chuẩn bị nghi thức cho Lễ Khai giảng năm học mới

Tựu trường sớm 1 tuần
 
Với đặc thù là xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của tỉnh, khoảng 97% dân số của xã Đưng K’nơh là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế thiếu thốn triền miên, hầu hết các gia đình vẫn còn xem nhẹ vai trò của việc học hành. Do đó, trước khi vào năm học gần 1 tháng, UBND huyện Lạc Dương và ngành giáo dục đã có văn bản chỉ đạo tới các trường và UBND xã Đưng K’nơh về việc chuẩn bị cho năm học mới. Ông Đoàn Quang Giao, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Đưng K’nơh cho biết, xã đã thành lập Ban vận động học sinh tới lớp do đồng chí Phó Chủ tịch xã làm trưởng ban. Ban này đã làm việc với các trường, già làng, trưởng buôn, những người đứng đầu tổ chức tôn giáo tại địa phương để cùng vào cuộc vận động các gia đình khuyến khích con em tới lớp học. 
 
Theo ông Giao: “Hầu hết phụ huynh đều ủng hộ cho con em mình tới trường, chỉ một bộ phận rất nhỏ là muốn con họ ở nhà đi làm rẫy vì điều kiện gia đình còn quá khó khăn!..”. Hiện toàn xã Đưng K’nơh có trên 500 học sinh từ mẫu giáo tới lớp 9 với 3 trường mầm non và 2 trường TH&THCS. Gần 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới tại địa phương đã cơ bản hoàn tất. So với những năm học trước, tỉ lệ học sinh tựu trường năm nay của xã nghèo này đạt khá cao, chiếm trên 95%. Xã Đưng K’nơh cũng là địa phương duy nhất cho học sinh tựu trường vào ngày 15/8, tức sớm hơn 1 tuần so với toàn tỉnh để ổn định sĩ số lớp học chuẩn bị tốt cho năm học 2017-2018. 
 
Cô Nguyễn Thục Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lán Tranh, xã Đưng K’nơh cho biết, đến nay nhà trường đã hoàn tất mọi công tác cho lễ khai giảng năm học mới. Hiện tại, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, giáo viên của nhà trường đã cơ bản đầy đủ. “Khó khăn nhất hiện nay đối với học sinh là gia đình các em đều thuộc diện nghèo khó nên không thể mua đồng phục cho con em mình. Về vấn đề này, nhà trường đang kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ!..” cô Quyên cho biết. 
 
Với việc chuẩn bị chu đáo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho công tác giáo dục, năm học mới được kỳ vọng với nhiều thành công tại xã nghèo Đưng K’nơh đã bắt đầu!..
 
                                                Văn Báu- Khắc Lịch