Gian nan đưa học trò ra lớp

09:08, 11/08/2017

Thời điểm cận kề năm học mới này là lúc thầy, trò ở nhiều nơi háo hức chờ ngày tựu trường. Nhưng ở huyện nghèo vùng sâu Đam Rông thì khác, thầy cô nặng trĩu âu lo, tất tả, bận rộn với việc vào tận thôn buôn vận động đưa học trò ra lớp. 

Thời điểm cận kề năm học mới này là lúc thầy, trò ở nhiều nơi háo hức chờ ngày tựu trường. Nhưng ở huyện nghèo vùng sâu Đam Rông thì khác, thầy cô nặng trĩu âu lo, tất tả, bận rộn với việc vào tận thôn buôn vận động đưa học trò ra lớp. 
 
Các cô giáo Trường Tiểu học Rô Men tới vận động các em tới lớp tại thôn 2 (xã Rô Men, huyện Đam Rông)
Các cô giáo Trường Tiểu học Rô Men tới vận động các em tới lớp tại thôn 2 (xã Rô Men, huyện Đam Rông)
“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”
 
“Vào tận nhà, thấy bóng dáng các em, tôi gọi nhưng các em chạy thật nhanh vào trốn trong rẫy cà phê vì không muốn đi học”, cô giáo Trịnh Thị Kim Dung - giáo viên Trường Tiểu học Rô Men đã bắt đầu câu chuyện như thế khi chúng tôi theo chân đoàn giáo viên của trường tới nhà các em học sinh vận động ra lớp. 
 
Có trực tiếp tham gia đoàn vận động mới thấy hết nỗi vất vả của các thầy cô. Trời Nam Tây Nguyên thời điểm này sáng nắng chiều mưa. Lúc trời sắp mưa cũng là khi các thầy cô lên đường vào thôn. Bởi “bố mẹ các em thường đi rẫy xa. Các em đi theo hoặc lên rừng tìm măng nên phải tới nhà vào buổi tối mới gặp được. Việc vận động học sinh ra lớp đầu năm là nhiệm vụ vô cùng cam go, khó khăn, có đợi chờ, có thương thuyết và thậm chí có cả sự “rượt đuổi””, cô Dương Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rô Men nói. 
 
Những năm trước đây, tỷ lệ vận động học sinh ra lớp đầu năm học trên địa bàn huyện Đam Rông đạt cao nhất khoảng 98%. Năm 2016, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn ngành đã huy động được 12.742 học sinh/12.625 học sinh theo kế hoạch tỉnh giao, tỷ lệ 100%, vượt kế hoạch 117 học sinh. Đam Rông là điểm sáng được ngành giáo dục của tỉnh tuyên dương.

Chúng tôi ghé nhà Juk Rla Y Trung (học sinh lớp 4 ở Thôn 2, xã Rô Men). Năm ngoái, thấy cô giáo tới nhà kêu đi học, em trèo tít lên cây xoài trốn. Còn năm nay Y Trung chạy như sóc vào rẫy cà phê sau nhà. Các cô phải chạy theo “bở hơi tai” mới giữ được em lại. Dỗ dành mãi, em cũng chịu vào nhà. Y Trung là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Anh trai đã nghỉ học, Y Trung cũng đang trong thời điểm “chẳng muốn tới trường”. Trong căn nhà “chẳng có gì” của vợ chồng anh Ha Mai và chị Y Sang, đứa con nhỏ đang trần truồng bò giữa nền đất. Với lý do “học có cái ăn không, học rồi sau này có được đi làm không?  Ở nhà đi bẻ măng, làm cỏ cà phê cho người ta còn có tiền hơn…” nên sự hợp tác của phụ huynh với các cô giáo gần như không có. Song, dù vậy, các cô giáo vẫn kiên trì giải thích, động viên bố mẹ Y Trung “mình khổ rồi, ráng động viên con đi học để mai này đỡ khổ nhé!”. Và cũng dỗ dành mãi cậu học trò này mới gật đầu đồng ý ra lớp. “Ở vùng sâu nghèo khó này, các thầy cô phải “dỗ” trước rồi mới tính đến việc “dạy” là thế đó”, cô Bình nói.

 
 Mưa ngày càng nặng hạt, trời mỗi lúc một tối dần, nhưng công việc của các cô giáo vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. Nếu như Y Trung là không muốn tới lớp thì chị em K’Chiểu, K’Suhi ở thôn 3 lại vì bố mẹ mang theo các em đi làm rẫy xa nên việc học cũng vì thế mà dở dang. Còn nhà của Giàng Seo Tê (lớp 5) ở thôn 4 đã tối trời nhưng cửa vẫn im ỉm đóng. Hè này, cả gia đình em sống luôn trong rẫy. “Người dân ở đây, họ cần cái ăn đủ hai bữa mỗi ngày, con cái vừa lớn chút đều cùng bố mẹ đi làm. Làm miết đến nỗi chẳng nhớ đã sắp tới ngày tựu trường của con”, cô giáo Hoàng Thị Huyền nói.  Không thể nào liên lạc được với bố mẹ Tê nên chiều nào cô Huyền cũng tới nhà tìm. Cậu con trai vừa 5 tuổi không có ai trông nên cô đành phải mang theo con đi vận động học sinh ra lớp…
 
 “Cứ mỗi buổi chiều đi vận động, các cô đi được khoảng 10 gia đình học sinh. Trước ngày tựu trường khoảng nửa tháng, ngày nào các cô cũng đi vận động. Bắt đầu đi khi trời còn sáng tỏ, lúc trở về nhà mâm cơm tối đã nguội ngắt. Con nhỏ đã ngủ thiếp đi tự lúc nào. Vận động các em ra lớp đã khó, ngăn dòng học sinh bỏ học giữa chừng còn khó hơn. Bởi vậy các cô giáo vùng sâu phải thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà “kéo” học sinh ra lớp. Giáo viên cấp tiểu học đã vất vả vậy, giáo viên cấp THCS còn gian khổ hơn gấp nhiều lần. Bởi lứa tuổi đó các em đã lớn, sự ương bướng cũng tăng theo nên công tác vận động của thầy cô càng gian nan vô vàn” - cô Bình tâm sự. 
 
Cả xã hội vào cuộc
 
“Đạt và vượt kế hoạch huy động học sinh ra lớp là kết quả của sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo huyện và nỗ lực rất lớn từ ngành giáo dục”, ông Trần Phú Vinh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông khẳng định.
 
Đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho biết: “Tình trạng học sinh bỏ học luôn là một nỗi lo và áp lực không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Bởi vậy, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến vấn đề vận động học sinh ra lớp. Bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt cho ngành giáo dục, huyện còn yêu cầu tất cả các ngành, đoàn thể vào cuộc. Đặc biệt, huyện yêu cầu các địa phương thành lập Ban Vận động học sinh ra lớp do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm trưởng ban. Địa phương phối hợp với các trường thường xuyên thực hiện công tác vận động kịp thời khi có học sinh bỏ học. Đó trở thành một trong những tiêu chí quan trọng cho kết quả xếp loại hàng năm của địa phương”. Cũng từ động thái này của huyện, 8/8 xã thuộc huyện Đam Rông đều thành lập Ban chỉ đạo vận động học sinh ra lớp. Lãnh đạo địa phương, mặt trận và các đoàn thể cùng các trường học trên địa bàn chung sức vào công tác quan trọng này”. 
 
Được đánh giá là địa phương làm tốt việc vận động học sinh ra lớp, ông Trương Hữu Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Long, Trưởng Ban Vận động học sinh ra lớp của xã cho biết: “Trong năm học, xã yêu cầu các trường có trách nhiệm gửi danh sách học sinh nghỉ học vào ngày 10 hàng tháng. Cố định ngày 15 hàng tháng, Ban Vận động học sinh ra lớp của xã phối hợp với giáo viên các trường đi vận động học sinh ra lớp. Ban được chia làm nhiều tổ để vận động theo địa bàn và cấp học, đảm bảo sâu sát, hiệu quả. Riêng những trường hợp đột xuất như dịp đầu năm học, ban sẽ hoạt động liên tục để đưa tất cả các em học sinh ra lớp đầy đủ”.
 
Tuy vậy, trong nội tại, việc vận động học sinh ra lớp vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết. Ông Trần Phú Vinh thẳng thắn nhìn nhận: “Con số đạt được trong vận động học sinh ra lớp năm 2016 là con số lý tưởng. Bởi trong số đó, học sinh bỏ học không ra lớp vẫn còn. Tuy nhiên, con số về mặt kết quả vẫn đảm bảo. Đó là nhờ số lượng tăng lên ở khối mầm non và lượng học sinh chuyển đến với nhiều lý do. Trong đó học sinh từ di cư tự do là một ví dụ”.
 
Năm học 2017, để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục Đam Rông chọn cách quản lý chặt học sinh chuyển đến, chuyển đi hàng tháng. Từ đó theo dõi chặt chẽ số lượng vận động của các trường. Tránh tình trạng chạy theo thành tích. Ngành Giáo dục huyện Đam Rông đã có chỉ đạo cụ thể về phía nhà trường, tuyệt đối không được làm qua loa công tác huy động học sinh đến lớp. Các trường phải coi trọng công tác duy trì số lượng học sinh, thường xuyên họp chủ nhiệm nắm số lượng học sinh, theo dõi các em có nguy cơ bỏ học để kịp thời động viên, nhắc nhở. 
 
Thầy cô giáo ở vùng sâu dạy học bằng cái “Tâm” và cũng đang đặt chữ “Tâm” cho “đầu vào” là tận tâm huy động học sinh đến lớp.
 
N.NGÀ - C.THÀNH