Kiểm lâm khi còn thiếu nhân lực

09:08, 01/08/2017

"Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được xem như là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 sau thu ngân sách", Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã đặt vấn đề như vậy tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 3, khóa IX ngày 12/7. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm hại và cần có nhiều giải pháp để khắc phục được Chủ tịch tỉnh chia sẻ đó là thiếu nhân lực Kiểm lâm.

“Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) được xem như là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 sau thu ngân sách”, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã đặt vấn đề như vậy tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 3, khóa IX ngày 12/7. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm hại và cần có nhiều giải pháp để khắc phục được Chủ tịch tỉnh chia sẻ đó là thiếu nhân lực Kiểm lâm (KL).
 
Nhiều chục lượt KL rất vất vả trong nhiều ngày điều tra, khám nghiệm vụ phá rừng nghiêm trọng tại Bảo Lâm năm 2016. Ảnh: M.Đạo
Nhiều chục lượt KL rất vất vả trong nhiều ngày điều tra, khám nghiệm vụ phá rừng nghiêm trọng tại Bảo Lâm năm 2016. Ảnh: M.Đạo
Thiếu 178 định biên theo quy định 
 
Ông Nguyễn Khang Thiên - Chi cục trưởng KL, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Kế hoạch BV&PTR tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020 trả lời Báo Lâm Đồng: Chi cục KL và Sở NN&PTNT tỉnh đã làm văn bản tham mưu đề xuất với tỉnh bổ sung 178 biên chế (bao gồm 125 KL thuộc Chi cục và 53 KL thuộc Hạt KL Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà). Lộ trình đề xuất: Năm 2017, bổ sung biên chế 64 KL, trong đó, thuộc Chi cục 50 người, thuộc Hạt của Vườn 14 người; năm 2018, bổ sung 49 KL (Chi cục 35, Hạt của Vườn 14); năm 2019, bổ sung 38 KL (Chi cục 25, Hạt 13) và năm 2020, bổ sung 27 KL (Chi cục 15 và Hạt 12). 
 
Hiện tại, toàn ngành KL của tỉnh có 303 KL biên chế. Lý do đề xuất, theo ông Thiên, nhằm tăng cường lực lượng KL địa bàn (KLĐB) và đảm bảo định mức biên chế theo 2 Nghị định hiện hành của Chính phủ. Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 16/6/2006 về Tổ chức và hoạt động của KL, Điều 15, Khoản 1 quy định: “Biên chế của lực lượng KL thuộc biên chế hành chính nhà nước. Định mức biên chế KL được tính bình quân toàn quốc cứ một ngàn ha rừng có một biên chế KL”. Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về Tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, Điều 28, Khoản 3 ghi: “Biên chế Hạt KL rừng đặc dụng thuộc biên chế công chức nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng theo quy định hiện hành với định biên tối đa 500 ha rừng đặc dụng có 1 công chức KL”.  
 
Toàn tỉnh hiện có 131 xã có rừng nhưng mới chỉ có 119 KLĐB, trong đó 23 người vừa thực hiện nghiệp vụ văn phòng vừa kiêm nhiệm.
 
Số KLĐB phụ trách từ 1.000 ha đến dưới 3.000 ha là 37 người; phụ trách từ 3.000 ha đến dưới 5.000 ha 10 người; phụ trách từ 5.000 ha đến dưới 10.000 ha 24 người và phụ trách từ 10.000 ha trở lên có 24 người. Không chỉ phụ trách diện tích rừng lớn gấp nhiều lần so với quy định mà KLĐB đa số không có nơi làm việc và sinh hoạt tại cấp xã. Mặt khác, lực lượng này cũng chưa được đáp ứng về trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác như máy tính, máy định vị, đồ bảo hộ để tuần tra trên mặt nước đối với những khu vực có công trình thủy điện...
 
Theo ông Thiên, ngành KL cũng đã đề nghị tỉnh cho phép đơn vị tuyển dụng đủ số lượng công chức KL thay cho số nghỉ (gồm tinh giản và giải quyết theo chế độ nghỉ hưu) như đối với ngành y tế và ngành giáo dục nhằm đảm bảo ổn định số lượng công chức định biên để đảm bảo hiệu quả công tác QL, BV&PTR. 
 
Nhiều giải pháp thích nghi 
 
Đâu là những phương pháp và giải pháp để thích nghi? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Khang Thiên đã chia sẻ rất nhiều nội dung lâu nay đơn vị đã triển khai. Đó là việc tăng cường cán bộ cấp Hạt và Chi cục xuống cơ sở và kiêm nhiệm; phối hợp giữa các Hạt, các phòng, đội với Hạt; phối hợp lực lượng KL và các ngành chức năng; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng cấp tỉnh, cấp xã, vùng giáp ranh, đặc biệt là giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, Chi cục KL và Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Chính phủ “Về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng”. Và ba năm nay, ngành KL tích cực cụ thể hóa chương trình hành động đến tận cơ sở việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QL,BV&PTR, quản lý lâm sản” và Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư ngày 12/01/2017 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QL,BV&PTR”. Ngành KL cũng tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành liên quan đi kiểm tra rừng thực tế hàng tuần, hàng tháng và có sổ nhật ký theo dõi. Với các Hạt, Chi cục chỉ đạo xây dựng chi tiết kế hoạch hành động nhằm đảm bảo các chỉ tiêu như giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và 50% số diện tích rừng thiệt hại, sau đó tổng hợp xây dựng thành văn bản triển khai trong toàn ngành KL. Song song với những giải pháp trên, ngành KL tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng chuyên trách và KLĐB cũng như cán bộ các bộ phận ở đơn vị Hạt, các thành viên Ban Lâm nghiệp xã (BLNX). Đẩy mạnh “4 tại chỗ” tận cơ sở, đặc biệt là đối tượng tiểu khu trưởng, KLĐB, lực lượng chuyên trách của chủ rừng và các thành viên BLNX. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, ký cam kết từng hộ nhận khoán và đối tượng sống gần rừng nhằm tạo sức mạnh tại cơ sở. 
 
Ông Thiên cho biết thêm: Ngành yêu cầu các KLĐB phải phát huy hai vai trò: kiểm tra chủ rừng theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn đồng thời phối hợp chủ rừng và các tổ chức, cá nhân liên quan có thái độ đấu tranh cương quyết khi có dấu hiệu vi phạm xảy ra. Phối hợp các ngành chức năng xử lý triệt để, đến nơi đến chốn các hành vi xâm hại rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt Chi cục yêu cầu KLĐB, KL cơ sở thường xuyên tuần tra nắm bắt tình hình và với phương châm chủ yếu ngăn chặn, đẩy đuổi để không xảy ra xâm hại đến tài nguyên rừng. Đó còn là phối hợp chặt chẽ Chi cục KL Vùng 4 tăng cường công tác nghiệp vụ chuyên môn, cũng như trang thiết bị tập trung giải quyết những điểm nóng tại các tỉnh giáp ranh Bình Thuận, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đắk Lắk. Thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, hoạt động nghiệp vụ của KLĐB và cán bộ công chức KL để kịp thời chấn chỉnh uốn nắn, kết hợp nêu gương phát động phong trào thi đua. Đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh đến tận cơ sở, KLĐB bằng những kế hoạch xây dựng cụ thể và phù hợp với địa phương...
 
“Tới đây, chúng tôi đang tham mưu cho Sở NN&PTNT tổng kết 4 năm thực hiện hoạt động của BLNX để kịp thời rút ra bài học và bổ sung điều chỉnh hợp lý với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn cũng như thực tiễn. Vừa đẩy mạnh, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng của KLĐB kết gắn với BLNX và các chủ rừng tại cơ sở. Tăng cường khen thưởng kịp thời những tấm gương xuất sắc và tăng cường kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ KL thiếu tinh thần trách nhiệm”, ông Nguyễn Khang Thiên cho biết thêm.        
 
MINH ĐẠO