Phát huy vai trò của các cấp công đoàn trong việc thực thi Luật Bình đẳng giới

08:08, 15/08/2017

10 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tại địa phương. Từ các phong trào do các cấp công đoàn triển khai, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh đã phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo trên mọi mặt của đời sống xã hội.

10 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tại địa phương. Từ các phong trào do các cấp công đoàn triển khai, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh đã phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo trên mọi mặt của đời sống xã hội.
 
Từ các phong trào do các cấp công đoàn phát động, nữ CNVCLĐ đang dần phát huy được vai trò của bản thân. Trong ảnh: Nữ công nhân đang làm việc tại Công ty Merkava, TP Bảo Lộc. Ảnh: T.Vũ
Từ các phong trào do các cấp công đoàn phát động, nữ CNVCLĐ đang dần phát huy được vai trò của bản thân. Trong ảnh: Nữ công nhân đang làm việc tại Công ty Merkava, TP Bảo Lộc. Ảnh: T.Vũ

Từ năm 2015 đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tiến hành lắp đặt 3 cabin vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ, nhằm quan tâm, hỗ trợ lao động nữ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng nghỉ sinh trở lại làm việc. Hoạt động này cũng giúp thiết lập thói quen hút và trữ sữa trở thành việc làm thường xuyên, phổ biến, để nhờ đó, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục được bú mẹ đến 24 tháng, góp phần phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
 
Theo bà Vũ Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh, đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương.
 
Cùng đó, sau 10 năm thực thi Luật Bình đẳng giới, theo bà Mai Lương Anh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm cũng đang dần rút ngắn; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn của nữ CNVCLĐ cũng được nâng cao; việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chị em được chú trọng...
 
Hàng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động nói chung và chế độ chính sách lao động nữ nói riêng tại 274 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, giám sát, nhìn chung đa số các đơn vị, doanh nghiệp đều quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới và thực thi pháp luật; thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát cũng đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
 
Bên cạnh đó, phong trào nữ CNVCLĐ giúp nhau làm kinh tế gia đình cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Những chị em có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều ban nữ công CĐCS đã tổ chức các hình thức như: Quỹ “Xoay vòng vốn”; Quỹ “Trợ vốn”, Quỹ “Giúp nhau”... với hình thức mỗi cá nhân đóng 100 - 500 ngàn đồng, giải quyết cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vay trước.
 
Ngoài ra, hiện, LĐLĐ tỉnh quản lý Quỹ “CNLĐ nghèo” với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng, góp phần giải quyết cho hơn 5 ngàn lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình; từ nguồn vốn vay của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng hỗ trợ, tạo việc làm với lãi suất ưu đãi, với mức vay từ 10 - 20 triệu đồng (trong đó có 80% dự án do nữ CNVCLĐ làm chủ hộ). Nhờ đó, đời sống gia đình nhiều chị ổn định hơn, giúp nữ CNVCLĐ yên tâm trong công tác, lao động sản xuất.
 
Nhận thức tầm quan trọng về chức năng của gia đình, phát huy vai trò chủ đạo của nữ CNVCLĐ trong công tác này, những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng gia đình, tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả về công tác gia đình và xây dựng gia đình CNVCLĐ theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức như: Diễn đàn “CNLĐ với công tác gia đình” tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn thu hút gần 400 CNLĐ tham gia; tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu...
 
Đồng thời, các cấp công đoàn cũng đã tổ chức khen thưởng kịp thời, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Điển hình như phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” luôn được duy trì và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Hàng năm, các cấp công đoàn đều tổ chức cho nữ CNVCLĐ đăng ký danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Hàng năm, tỷ lệ lao động nữ đạt danh hiệu “Hai giỏi” chiếm tỷ lệ trên 70%. Phong trào thật sự là điểm tựa để nữ CNVCLĐ trong tỉnh phấn đấu vươn lên và cống hiến nhiều hơn cho công cuộc đổi mới của địa phương và đất nước.
 
Bên cạnh những kết quả trên, theo bà Mai Lương Anh, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số những hạn chế nhất định: Việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu chung của các cấp công đoàn vẫn chưa thể hiện rõ nét, chưa có tiêu chí cụ thể; sự phối hợp giữa Công đoàn với chính quyền các cấp trong việc thực hiện lồng ghép giới tại đơn vị đôi khi chưa thường xuyên và chưa đạt hiệu quả cao...
 
THY VŨ