8 năm triển khai Luật Dân quân tự vệ

09:09, 05/09/2017

Suốt tám năm qua kể từ khi ra đời Luật Dân quân tự vệ (DQTV), lực lượng này đã được tổ chức rộng khắp ở các thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức và hoạt động ngày càng có hiệu quả, xứng đáng là lực lượng bảo vệ Ðảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cơ sở.

Suốt tám năm qua kể từ khi ra đời Luật Dân quân tự vệ (DQTV), lực lượng này đã được tổ chức rộng khắp ở các thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức và hoạt động ngày càng có hiệu quả, xứng đáng là lực lượng bảo vệ Ðảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cơ sở.
 
Lực lượng DQTV làm công tác dân vận. Ảnh: Hữu Túc
Lực lượng DQTV làm công tác dân vận. Ảnh: Hữu Túc

Sau khi Luật Dân quân tự vệ (DQTV) có hiệu lực thi hành, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo thực hiện luật rộng khắp đến tận các cơ quan, tổ chức, lực lượng, các thôn, buôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh. Để Luật DQTV thực sự đi sâu vào đời sống, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật DQTV. Trên có sở đó, Luật đã được tổ chức tập huấn cho 409 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; 857 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; 1.621 lượt cán bộ thuộc cấp huyện, xã. Lâm Đồng là địa phương làm tốt công tác tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về dân quân tự vệ và công tác dân quân tự vệ là đơn vị làm điểm cho Quân khu 7. 
 
Hiện trên toàn tỉnh có 344 đầu mối DQTV. Trong đó, có 147 Ban chỉ huy quân sự cấp xã, 61 Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, 136 đơn vị tự vệ nơi chưa tổ chức Ban chỉ huy quân sự. Đến nay, tổng số DQTV của tỉnh 21.833, đạt 1,69% dân số.
Chất lượng DQTV ngày càng được nâng cao. Số lượng đảng viên trong lực lượng tăng từ 3.099 người năm 2010 lên tới 4.858 người năm 2017. Đặc biệt hiện nay, 100% Ban CHQS cấp xã có chi bộ, 65,99% Chi bộ có chi ủy. Đó là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị, địa phương. Ông Trần Duy Hùng - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nói: “Công tác phát triển Đảng trong lực lượng DQTV được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng đảng viên của Chi bộ quân sự ở một số xã, phường, thị trấn còn ít. Cơ cấu đảng viên trong chi bộ quân sự một số nơi thành phần chưa đúng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Công tác tham mưu cho cấp ủy địa phương tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV, dự bị động viên còn hạn chế. Bởi vậy, để thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong DQTV trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên cần có kế hoạch thực hiện tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên. Phấn đấu hàng năm các chi bộ quân sự có quần chúng được kết nạp vào Đảng là dân quân thường trực và lực lượng DBĐV. Xây dựng chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ quân sự có đủ phẩm chất, năng lực hoạt động hiệu quả; giữ vững chi bộ có cấp ủy, phấn đấu tới 2020 có 100% chi bộ quân sự cấp xã có cấp ủy”.
 
Thời gian qua, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cơ quan, tổ chức các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức xây dựng dân quân tự vệ đúng quy định của pháp luật. Sắp xếp đội ngũ cán bộ Ban chỉ huy quân sự đủ 4 đồng chí; trong đó, có 43 xã loại 1, loại 2, xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh bố trí 2 chỉ huy phó. Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được trang bị vũ khí quân dụng. 11/12 đơn vị cấp huyện đã tổ chức mua công cụ hỗ trợ cho dân quân cơ động hoạt động với số tiền 4,6 tỷ đồng. 
 
Từ khi thực hiện Luật DQTV năm 2009, hoạt động của DQTV trong tỉnh đã từng bước đi vào hiệu quả, nền nếp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này ngày càng được nâng lên. Cụ thể, việc tập huấn, huấn luyện DQTV được các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật, quân số tập huấn đạt trên 95%, quân số huấn luyện đạt trên 90%. 194 xã, phường, thị trấn được tổ chức diễn tập chiến đấu trị an, 34 xã, phường, thị trấn được diễn tập chiến đấu phòng thủ, góp phần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của DQTV. 
 
Bà Huỳnh Thị Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: “Từ năm 2009 đến 2017, huyện đã tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cho 21 lượt xã, thị trấn với 808 lượt người tham gia. Huyện đã mua công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân quân cơ động cấp huyện, cấp xã trị giá hơn 1,3 tỷ đồng”. 
 
Tám năm không phải là một chặng đường ngắn, nhưng trong công tác triển khai thực hiện Luật DQTV trên địa bàn tỉnh vẫn còn cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, những hạn chế còn tồn tại trong công tác tuyên truyền, phổ biến luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của DQTV trong thực hiện nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa DQTV với các lực lượng liên quan chưa hiệu quả nhất là trong các lĩnh vực như bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và phòng chống cháy rừng nhất là trên các địa bàn giáp ranh. Năng lực trình độ, chế độ chính sách cũng như cơ sở vật chất của lực lượng DQTV ở cơ sở còn hạn chế nên chưa phát huy đầy đủ sức mạnh của lực lượng này trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật DQTV năm 2009, đồng chí Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sự phát triển của lực lượng DQTV đã góp phần giữ bình yên cho các địa phương, không xuất hiện các điểm nóng nổi cộm về ANTT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật DQTV vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Liêm yêu cầu lực lượng DQTV tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo Đảng trong lực lượng DQTV, dự bị động viên trong tình hình mới. Có nhiều đổi mới nhằm chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác DQTV. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của lực lượng DQTV. Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng DQTV phù hợp với nhiệm vụ cũng như tình hình địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hoạt động của DQTV với các lực lượng khác nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác khoáng sản… Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Địa phương nào để xảy ra các tình trạng trên thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
 
HOÀNG MY