Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

09:09, 05/09/2017

Bảo vệ môi trường thực chất là bảo vệ độ tinh khiết của không khí, đất, nước, thực phẩm... nhằm bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người như một thực thể sinh học. Vì vậy, những lĩnh vực về văn hóa, thể thao và du lịch có ảnh hưởng rất lớn trong công tác BVMT cũng như hoạt động của cộng đồng.

Bảo vệ môi trường (BVMT) thực chất là bảo vệ độ tinh khiết của không khí, đất, nước, thực phẩm... nhằm bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người như một thực thể sinh học. Vì vậy, những lĩnh vực về văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) có ảnh hưởng rất lớn trong công tác BVMT cũng như hoạt động của cộng đồng.
 
Rác thải bừa bãi sau hoạt động văn hóa tại Quảng trường Lâm Viên đầu năm 2017. Ảnh: Đ.P
Rác thải bừa bãi sau hoạt động văn hóa tại Quảng trường Lâm Viên đầu năm 2017. Ảnh: Đ.P

Ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch
 
Ô nhiễm môi trường (MT) là sự thay đổi tính chất của MT, vi phạm tiêu chuẩn MT, thay đổi trực tiếp hoặc gián tiếp các thành phần vượt quá mức cho phép. Lĩnh vực VH, TT & DL, đặc biệt là các hoạt động du lịch, tổ chức hội thảo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là các đối tượng dễ bị tổn thương khi phải đối mặt với những áp lực của ô nhiễm MT. 
 
TS Vũ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và MT, Bộ VH, TT và DL thừa nhận: “Thực trạng ô nhiễm MT trong hoạt động du lịch cũng như trong tổ chức lễ hội và quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở nước ta trong thời gian qua đã có rất nhiều những quan ngại từ các cấp quản lý cũng như trong dư luận xã hội”. 
 
Ô nhiễm MT không chỉ ảnh hưởng đến bản thân những lĩnh vực đó mà còn để lại những ấn tượng không tốt cho du khách, ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của ngành du lịch và giá trị di sản văn hóa. 
 
Những năm gần đây, nhiệm vụ bảo vệ MT được quan tâm nhiều hơn, nhưng thực tế vẫn không ít khu, điểm du lịch thường xuyên xuất hiện chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, chưa xử lý triệt để. Vì vậy luôn tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý, nhất là những khu vực hạ lưu của sông, suối, hồ, bãi biển... Một thực trạng khác, đó là hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch không được xây dựng hoặc chưa quan tâm đúng mức. Tình trạng các cơ sở du lịch và dịch vụ còn thiếu đầu tư cần thiết dẫn đến tác động không nhỏ đến MT do chất thải, nước thải. Đối với các di tích danh thắng, hệ thống thu gom rác thải, nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ MT. Vẫn còn rất nhiều điểm di tích danh thắng dân cư vẫn ở lân cận, thậm chí sinh sống cả trong vùng lõi của di tích như 2 Di tích kiến trúc quốc gia ở Đà Lạt là Trường Cao đẳng sư phạm và Nhà ga xe lửa...Vấn đề ô nhiễm MT do đó luôn tác động không nhỏ đối với ngành du lịch nói chung, khách tham quan nói riêng. 
 
Đối với các lễ hội VH, TT, vấn đề ô nhiễm MT từ những dịp tổ chức đang là câu chuyện đau đầu đối với nhiều người. Có nhiều nguyên nhân: công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với người trực tiếp tham gia chưa đủ tác động tích cực; nhà tổ chức và cơ quan chức năng, đơn vị quản lý chưa thực hiện nghiêm trong kiểm tra, giám sát và xử lý; hệ thống thu gom, xử lý cục bộ chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo MT... 
 
Môi trường thân thiện mang lại giá trị kinh tế - xã hội
 
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về bảo vệ MT trong cả cộng đồng, từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, kinh doanh, nhà tổ chức các hoạt động về VH, TT & DL, đến những người tham gia, sử dụng trực tiếp các hoạt động này. Công tác bảo vệ MT rất cần triển khai thường xuyên và đồng bộ, từ đội ngũ làm công tác VH, TT & DL đến kênh thông tin truyền thông đại chúng. Cần đưa tiêu chuẩn thi đua xét tặng danh hiệu thân thiện MT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực VH, TT & DL. Cùng đó, tăng cường triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo các chế tài của nhà nước như Luật Bảo vệ MT, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khoáng sản...; và mới đây là Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Tại Luật Du lịch năm 2005, Điều 5 cũng ghi rõ về nguyên tắc phát triển du lịch: “Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và MT; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch”. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế, chính sách về bảo vệ MT, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ MT, tăng cường các nguồn lực cho công tác bảo vệ MT là những giải pháp hết sức thiết thực và trọng tâm. 
 
Đã đến lúc và rất cần thiết như cách đặt vấn đề của ThS Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH, TT và DL Lâm Đồng: “Để công tác bảo vệ MT được thực hiện có hiệu quả thì việc lập kế hoạch hoặc lồng ghép nội dung bảo vệ MT trong kế hoạch tổ chức các hoạt động VH, TT & DL theo quy định pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan là yêu cầu quan trọng, cần được thực hiện một cách thường xuyên và cụ thể”. Vấn đề là đội ngũ thực hiện công tác này, cần thực chất, nghiêm túc và tính hiệu quả luôn luôn được đặt ra. Theo đó, ngành VH, TT và DL cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng như TN&MT, Cảnh sát Môi trường, địa phương giám sát và thường xuyên hậu kiểm. Kịp thời có những hình thức khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt; phê bình, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông...
 
Chúng tôi cũng tán đồng cách hiểu của ThS Lê Thị Duyên, Chi cục Bảo vệ MT, Sở TN&MT Lâm Đồng về nguyên tắc bảo vệ MT trong các hoạt động VH, TT & DL là “trách nhiệm của toàn xã hội”. Bao gồm, chủ thể liên quan trực tiếp đến các hoạt động này, các cơ quan quản lý nhà nước như VH, TT và DL, TN&MT... và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể cùng người dân... 
 
ÐẠO PHAN