"Chúng em đã có ngôi nhà thứ hai..."

08:09, 25/09/2017

Năm học mới 2017 - 2018 này, 12 học sinh dân tộc thiểu số thôn Ðông Mang của Trường THCS Long Lanh (xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương) đã có nơi ăn, chốn nghỉ lại trong những buổi trưa tại trường, để chiều tiếp tục miệt mài với "con chữ". Ðó là ngôi nhà bán trú đầu tiên cho học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa được xây dựng từ sự hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Ðồng.

Năm học mới 2017 - 2018 này, 12 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thôn Ðông Mang của Trường THCS Long Lanh (xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương) đã có nơi ăn, chốn nghỉ lại trong những buổi trưa tại trường, để chiều tiếp tục miệt mài với “con chữ”. Ðó là ngôi nhà bán trú đầu tiên cho học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa được xây dựng từ sự hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Ðồng.
 
Học sinh DTTS thôn Đông Mang ăn trưa tại phòng ăn nhà bán trú Trường THCS Long Lanh (Đạ Chais, Lạc Dương). Ảnh: T.H
Học sinh DTTS thôn Đông Mang ăn trưa tại phòng ăn nhà bán trú
Trường THCS Long Lanh (Đạ Chais, Lạc Dương). Ảnh: T.H

Niềm vui nhà bán trú
 
“Trường nằm cách xa trung tâm huyện khoảng 50 cây số, cách Ðà Lạt cũng khoảng ấy. Nhiều giáo viên nhà xa phải ở tập thể. Tuy nhiên, thấy học sinh DTTS thôn Ðông Mang không có chỗ ăn, nghỉ nên thay vì đề xuất xây nhà công vụ giáo viên thì trường ưu tiên làm nhà bán trú cho học sinh trước”. (Theo cô Bùi Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Lanh) 
Vừa kết thúc buổi học sáng, 12 học sinh DTTS thôn Đông Mang ở các khối lớp 6, 7, 8, 9 vui vẻ cùng nhau về phòng ăn nhà bán trú ngay trong khuôn viên Trường THCS Long Lanh, với bữa trưa đã được dọn sẵn trên bàn. Mỗi em một phần đầy đủ cơm, canh, rau xào, thức ăn. 
 
Đối với Rơ Ông Ha Long - học sinh lớp 9, theo học bốn năm ở trường nhưng đây là năm đầu tiên Ha Long được ăn trưa trong phòng ăn sạch sẽ, có đủ bàn ghế như vậy. “Bữa trưa ngon quá, chỗ ngồi thoải mái, thoáng mát chứ không như trước đây”, Ha Long hào hứng. 
 
Còn cô học trò lớp 6 Liêng Jrang Luy, năm nay học trường mới, được ăn, nghỉ cùng các anh chị trong nhà bán trú, khoe: “Ăn xong, chúng em có chỗ nghỉ trưa để buổi chiều học tiếp. Ở chung phòng với các chị lớp lớn hơn, em có thể tranh thủ hỏi bài những gì mình chưa hiểu”. 
 
Không chỉ riêng Ha Long hay Luy, 12 học sinh DTTS thôn Đông Mang đều chung niềm vui khi có “ngôi nhà” mới. Khi được hỏi về nhà bán trú, tất cả đều trả lời “đây chính là ngôi nhà thứ hai của chúng em”. Nhà cách xa trường hơn 10 cây số, những năm học trước, học sinh thôn Đông Mang phải nghỉ trưa tạm trong những phòng học. Còn giờ đây, khi đã có mái nhà bán trú, các em có chỗ ăn, nghỉ đàng hoàng, ấm áp ngay cả những ngày mưa gió không trở về nhà được. 
 
Nhà bán trú được xây dựng không chỉ là niềm vui của học sinh thôn Đông Mang mà còn là sự yên tâm của phụ huynh khi cho con theo học tại Trường THCS Long Lanh. Anh Ha Sang - một phụ huynh cho biết: “Trước đây, đứa con lớn của mình đi học không có chỗ nghỉ trưa thế này đâu. Nhiều hôm mưa gió tối mịt cháu mới về đến nhà, ướt hết rồi bị ốm, hôm sau phải nghỉ học. Đứa nhỏ giờ thì không phải vậy nữa rồi, mưa đã có chỗ nghỉ lại”.
 
Con anh Ha Sang, trở về nhà trong trời mưa gió với quãng đường rừng hơn 10 cây số, bị ốm đành phải nghỉ học mấy hôm mới có thể lại đến lớp. Còn không ít học sinh khác, khi nghỉ là nghỉ hẳn, thầy cô đến vận động đi học lại cũng không chịu đến trường nữa, vì đi học xa vất vả quá! “Mong rằng giờ có nhà bán trú, học sinh thôn Đông Mang không nghỉ học nhiều như trước”, cô Bùi Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Lanh hy vọng. 
 
Tất cả vì học sinh 
 
“Trước đây” theo lời Ha Long thì chỉ năm ngoái thôi, em và các bạn thôn Đông Mang phải ngồi ăn trong nhà xe của giáo viên. Vì không có nhà ăn riêng nên nhà trường phải dùng nhà xe giáo viên làm nhà ăn cho học sinh, còn giáo viên để xe cùng nhà xe của học sinh. Cứ vậy, sau khi ăn trưa trong nhà xe, học sinh DTTS thôn Đông Mang trở về lớp học để nghỉ tạm.
 
Xuất phát từ những thiếu thốn của học sinh, ngay khi Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng triển khai cuộc vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, Trường THCS Long Lanh đã đề xuất xây nhà bán trú cho học sinh. Chỉ trong hơn 2 tháng hè, ngôi nhà bán trú đầu tiên trong tỉnh hoàn thành bằng sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành Giáo dục. Với kinh phí 200 triệu đồng đã đem đến cho học sinh thôn Đông Mang nhà bán trú với 2 phòng ngủ và 1 phòng ăn. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, nhà trường đã trang bị đầy đủ dụng cụ nhà bếp, bàn ăn… Riêng 2 phòng ngủ, do kinh phí hạn hẹp, trường chỉ mới có thể sắm cho học sinh những tấm nệm để nằm nghỉ. 
 
“Khi Trường THCS Long Lanh đề xuất xây nhà bán trú cho học sinh, công đoàn ngành thấy đây là việc làm có ý nghĩa nên đồng ý và triển khai ngay. Đây là nhà bán trú đầu tiên được xây dựng dành cho học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa. Công đoàn ngành cũng chọn đây là công trình sản phẩm chào mừng đại hội công đoàn các cấp. Thời gian tới, bên cạnh huy động sự đóng góp để xây nhà công vụ cho giáo viên, công đoàn ngành cũng sẽ chú trọng việc xây nhà bán trú cho học sinh tại những trường có học sinh nhà cách xa trường để các em có chỗ ăn, nghỉ buổi trưa và tiếp tục học buổi chiều”, bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng cho biết.
 
Chia tay học sinh DTTS thôn Đông Mang khi các em chuẩn bị nghỉ trưa, tiếng nói cười vẫn râm ran mãi trong ngôi nhà bán trú nằm nép mình dưới cánh rừng. Đây sẽ là ngôi nhà chung nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ… của những cô cậu học trò DTTS thôn Đông Mang anh hùng. 
 
TUẤN HƯƠNG