Ðể Lịch sử không phải là những bài học khô cứng

08:09, 26/09/2017

Trong nhiều năm dạy học ở vùng sâu Cát Tiên, cô giáo Ðỗ Thị Lý đã biến những giờ dạy môn Lịch sử thành những buổi học sinh động, đầy thú vị được học sinh trong trường chờ đợi.

Trong nhiều năm dạy học ở vùng sâu Cát Tiên, cô giáo Ðỗ Thị Lý đã biến những giờ dạy môn Lịch sử thành những buổi học sinh động, đầy thú vị được học sinh trong trường chờ đợi.
 
Cô giáo Đỗ Thị Lý
Cô giáo Đỗ Thị Lý
Là người Cát Tiên nên cô giáo Đỗ Thị Lý (sinh 1981) sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2002 đã xin về lại quê để dạy học. Cho đến nay đã 15 năm cô dạy học tại Trường Trung học cơ sở Đức Phổ, nằm trên địa bàn xã Đức Phổ - một xã của huyện vùng sâu Cát Tiên. 
 
Là giáo viên chủ nhiệm trong nhiều năm nên cô Lý biết gia cảnh của từng học sinh trong lớp. Trong năm học cô vẫn thường xuyên dành thời gian đến thăm nhà từng học sinh, nói chuyện với phụ huynh, cùng phối hợp với người nhà động viên các em trong việc học hành. Với những hoàn cảnh khó khăn, cô phối hợp với nhà trường để tìm cách giúp đỡ… Và điều đáng nói nhất, là giáo viên dạy Lịch sử - một môn học với những con số và sự kiện tưởng chừng khô khan nhưng cô Lý nhiều năm liền đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách dạy để biến môn học của mình thành những giờ dạy đầy sinh động, hấp dẫn, chứa rất nhiều điều thú vị, được học trò trong trường chờ đợi.
 
Nhằm đổi mới cách dạy, bên cạnh việc soạn bài, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng như cách giáo viên vẫn làm lâu nay thì cô Lý đã chịu khó đầu tư chăm chút cho từng bài dạy của mình bằng nhiều cách rất riêng.
 
Trước nhất với từng bài giảng, cô đã kỳ công sưu tập các hình ảnh minh họa hỗ trợ cho bài dạy của mình, tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Theo cô Lý, nếu như trước đây khi công nghệ thông tin chưa phát triển thì khó thực hiện được điều này, nhưng hiện nay đã dễ dàng hơn, ngay cả với giáo viên vùng sâu vì đã có máy tính và hệ thống kết nối mạng toàn cầu hỗ trợ.
 
Theo cô Lý, chẳng có bí quyết nào ngoài sự kiên trì và nhẫn nại, điều quan trọng là giáo viên có chịu làm, chịu đổi mới cách dạy của mình hay không.
 
Chẳng hạn dạy về bài học chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, cô đã vào mạng Internet để tìm hình ảnh về chiến thắng này; đó là hình ảnh bãi cọc gỗ ngoài thực địa hiện vẫn còn, ảnh cọc gỗ được vẽ trong các bảo tàng, hình ảnh thanh bình của con sông này hiện nay... để chiếu cho học sinh xem. Hay như chiến thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước thì theo cô có rất nhiều hình ảnh trên mạng, cô đã chọn những tấm hình đẹp có ý nghĩa, giàu  biểu cảm nhất để phục vụ bài giảng tại lớp. “Hầu hết các trường học hiện nay đều có nối mạng; có phòng nghe nhìn; các lớp học có máy tính, máy chiếu hỗ trợ rất thuận tiện cho việc dạy học cho học sinh. Chính những hình ảnh này là minh họa sinh động nhất cho các bài học mình dạy” - cô Lý nói. 
 
Một cách nữa để khiến giờ học lý thú mà cô Lý áp dụng là tìm câu chuyện dẫn dắt cho bài dạy Lịch sử của mình. Chẳng hạn, dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ, cô đã tìm các bài hát về chiến dịch này, như bài “Hò kéo pháo”, khi vào lớp cô cho các em nghe một đoạn bài hát này, giới thiệu sơ bộ về hoàn cảnh ra đời của bài hát để các em hiểu thêm về thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra và sau đó dẫn các em vào bài học chính. Kết thúc bài học, cô cho các em nghe trọn bài hát, sau bài học cô yêu cầu học sinh trong lớp tìm thêm các bài hát về chiến dịch này như là một hoạt động ngoại khóa.
 
Và một cách nữa để cô Lý kích thích tinh thần ham học, ham hiểu biết lịch sử của học sinh chính là liên hệ với thực tế. Dạy bất cứ bài học Lịch sử nào nếu có điều kiện cô cũng tìm cách liên hệ với thực tế, tìm hình ảnh thời điểm đó và hình ảnh thời điểm hiện nay để học sinh so sánh, tự rút ra những bài học cho mình. “Lịch sử không chỉ để thuộc lòng mà cốt yếu dạy sao cho các em hiểu và tự mình rút ra được bài học”. 
 
Và như một điều tất nhiên, những giờ dạy của cô đã tạo rất nhiều hứng thú cho học sinh, rất nhiều em sau giờ giảng với gợi ý của cô Lý đã tự tìm tòi đào sâu vào các bài học Lịch sử để tìm hiểu thêm. Nhiều học sinh trong trường chọn môn Lịch sử cho các hoạt động ngoại khóa. Năm học 2014 - 2015, trường vùng sâu THCS Đức Phổ đã tạo ngạc nhiên trong ngành Giáo dục huyện Cát Tiên khi có đến 4 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, trong đó có 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. Năm học 2015 - 2016, với sự bồi dưỡng của cô Lý, nhà trường cũng có 1 giải nhì cấp tỉnh trong môn Lịch sử và trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, trường tiếp tục có 1 học sinh đoạt giải ba học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh.
 
Với cô giáo trường vùng sâu này, niềm vui lớn nhất của mình là hàng  ngày được đến trường dạy học, thấy học sinh yêu và thích môn mình dạy. “Lịch sử thật ra có rất nhiều điều thú vị đáng học chứ không phải khô khan như nhiều người nghĩ đâu” - cô mỉm cười.   
 
VIẾT TRỌNG