Hợp tác xã của những người yếu thế

08:09, 25/09/2017

Dù thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, nhưng các chị khuyết tật, những phụ nữ DTTS đã phát huy thế mạnh tay nghề của mình để chung tay xây dựng các hợp tác xã đặc thù ngày càng phát triển.

Dù thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, nhưng các chị khuyết tật, những phụ nữ DTTS đã phát huy thế mạnh tay nghề của mình để chung tay xây dựng các hợp tác xã (HTX) đặc thù ngày càng phát triển.
 
Còn đó những trăn trở làm sao cho chị em theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị thất nghiệp trước cơn lốc công nghiệp hóa dệt thổ cẩm bằng máy. Ảnh: A.N
Còn đó những trăn trở làm sao cho chị em theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị thất nghiệp
trước cơn lốc công nghiệp hóa dệt thổ cẩm bằng máy. Ảnh: A.N

Vươn lên trong khó khăn
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX Vươn Lên khẳng định: “HTX là mái nhà chung của người khuyết tật (NKT). HTX thành lập với mong muốn giải quyết những khó khăn về việc làm, giúp cho NKT tự tin trong cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng”. Ban đầu chỉ có 15 hội viên là NKT đã thành lập HTX Vươn Lên. Sau 17 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã có 38 thành viên đều là NKT với ngành nghề gia công các mặt hàng len, sợi như: áo len, mũ len, khăn choàng… và tổ chức dịch vụ lắp ráp, kéo máy ngồi. HTX đã xây dựng được cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Với bề dày kinh nghiệm, HTX đã tham gia vào các chương trình, dự án dạy nghề như: Dự án Tây Ban Nha (dạy nghề cho NKT của Hội Chữ thập đỏ), chương trình dạy nghề của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đức Trọng, mở các lớp dạy nghề: kéo máy ngồi, móc len, ráp ling king (ráp sườn áo len), tin học văn phòng, kỹ thuật viên. Sau các khóa học, HTX liên hệ với các công ty, HTX khác cùng ngành nghề nhận gia công các mặt hàng thủ công, đến nay giải quyết việc làm ổn định cho 38 thành viên nữ là NKT.
 
Do đặc thù các thành viên đều là NKT, sức khỏe kém, di chuyển khó khăn nên HTX có phương án sản xuất không tập trung mà để các thành viên tự gia công tại nhà. HTX phân công 2 kỹ thuật viên chính phụ trách mẫu mã mang hàng đến nhà cho từng thành viên gia công, sau đó, quay lại thu gom và kiểm tra hàng. Tuy nhiên, khi HTX có mẫu mã mới và ký kết hợp đồng mới thì các thành viên cùng tập trung tại HTX để triển khai sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ sự kiên trì, chăm chỉ, tận tụy trong công việc, những thành viên NKT đã làm nên những sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng của đối tác đưa ra. 
 
Chị Hồng Hạnh cho biết: “HTX luôn khẳng định rằng tuy bản thân khuyết tật nhưng sản phẩm làm ra thì không bao giờ khuyết tật”. HTX luôn đặt ra mục tiêu tìm kiếm, ký kết đơn hàng liên tục để thành viên có hàng gia công sản xuất, nâng cao thu nhập, bởi một tháng không có đơn hàng đồng nghĩa với việc 38 thành viên NKT không có thu nhập. Chị Hồng Hạnh nhớ lại thời kỳ khó khăn vào những năm 2013 -2014, các đơn đặt hàng dệt len và ráp ling king bị giảm nhiều nên một số thành viên thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, các mặt hàng thú nhồi bông chưa tìm ra được đầu ra sản phẩm. Để khắc phục khó khăn, HTX đã đưa ra giải pháp tăng cường nguồn hàng gia công len móc, phải dạy nghề móc cho các thành viên trước đây chỉ biết làm nghề máy kéo, dệt len; tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua việc ký gửi các cửa hàng lưu niệm những loại sản phẩm thú nhồi bông bằng len. Bên cạnh đó, các thành viên của HTX còn làm thêm một số nghề như: sửa đồng hồ, điện tử, dịch vụ photocopy, kinh doanh trồng hoa… Một khó khăn hơn nữa là các thành viên đều là NKT nên nguồn vốn đóng góp vào HTX rất ít ỏi, chỉ mang tính chất xác lập tư cách thành viên, nên HTX muốn đầu tư thêm máy móc, nguyên vật liệu để tổ chức sản xuất thì không huy động được vốn, vì vậy không chủ động được vật tư mà phải phụ thuộc vào các đơn hàng gia công. Giữa bộn bề khó khăn đó, đúng như tên gọi Vươn Lên, các thành viên của HTX đã nỗ lực vượt qua thách thức, không ngừng vươn lên để duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống này, để có thu nhập cho gia đình, trang trải cuộc sống. Kết quả năm 2016, tổng doanh thu đạt 560 triệu đồng, thu nhập bình quân của mỗi thành viên tham gia HTX 1,2 triệu đồng/tháng.
 
Thổ cẩm Cát Tiên xuất ngoại
 
Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp dịch vụ Thổ cẩm Cát Tiên đã góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ vùng sâu, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật và chị em đồng bào DTTS trong vùng. Chị Lê Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT cho biết: “HTX ra đời với mục tiêu phục hồi, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Châu Mạ tại thị trấn Buôn Go - huyện Cát Tiên. Sau hơn 15 năm thành lập, HTX Thổ cẩm Cát Tiên đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho phần lớn phụ nữ Châu Mạ ở Buôn Go và phụ nữ xã Phù Mỹ. 
 
Với đặc thù 99% thành viên tham gia HTX là nữ vì thế HTX liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, đảm bảo yêu cầu tăng tỉ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của lao động nữ. Trong chương trình phối hợp này, HTX Thổ cẩm Cát Tiên đã tổ chức dạy nghề may, dệt tay, làm thú nhồi bông và các sản phẩm thủ công cho phụ nữ địa phương. Sau học nghề, các học viên được HTX cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhờ cách thức dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, trong thời gian qua, HTX Thổ cẩm Cát Tiên đã giúp cho 30 chị em có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, đã đào tạo hàng trăm học viên có thể tự tổ chức sản xuất với nghề dệt thổ cẩm.
 
Hiện nay, chỗ đứng của HTX Thổ cẩm Cát Tiên đã có thị trường trong nước, chủ yếu là những nơi cần hàng chất lượng cao. Chị Huệ chia sẻ: “Thực sự hơn 15 năm HTX đi lên rất gian nan vì ở Việt Nam mình chưa chú trọng vấn đề bảo vệ quyền sở hữu mà sản phẩm của mình giá trị thấp, không đến mấy trăm ngàn đồng/cái, do đó, dễ bị nhái mẫu mã khiến có lúc HTX không bán được hàng. Nhờ Liên minh HTX và Hội LHPN địa phương hỗ trợ, động viên đã giúp cho các lao động nữ trụ lại với HTX được đến ngày hôm nay. Hiện tại, HTX dự định trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài chứ không xuất khẩu qua trung gian như mấy năm trước nữa, chúng tôi đang xây dựng hình thức bán hàng quốc tế để đáp ứng yêu cầu xuất hàng ra nước ngoài, vì hiện chất lượng hàng thổ cẩm Cát Tiên được khách quốc tế ưa chuộng. Theo nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi phải kiên nhẫn để vượt qua khó khăn, ngay cả vải thổ cẩm bây giờ người ta cũng đưa lên để dệt máy, mà cứ 1 máy dệt thì bằng 100 người dệt tay của mình, do đó, chúng tôi đang suy nghĩ làm sao để trong thời đại công nghiệp hóa này, phụ nữ theo nghề này không bị thất nghiệp, nhất là phụ nữ khuyết tật.Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa ra những mẫu mã đặc biệt, có giá trị toàn cầu”. 
 
Các sản phẩm của HTX thổ cẩm Cát Tiên đều làm bằng tay đã xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Úc; trước đây cung cấp sang thị trường Thái Lan, Campuchia, Lào nhưng bây giờ các thị trường này không quá chú trọng chất lượng, chỉ cần hàng rẻ nên HTX đã chuyển sang sản xuất cung cấp cho thị trường khó tính hơn. Đó là các sản phẩm dệt tay được may lại thành túi xách và túi đựng ipad, búp bê dân tộc... Hiện tham gia sản xuất tại HTX Thổ cẩm Cát Tiên có hơn 50 người, trong đó tại chỗ có hơn 30 người đều là phụ nữ Châu Mạ và cơ sở tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là NKT. Các thành viên HTX được Hội LHPN hỗ trợ vay vốn sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, hội thi, phong trào cho chị em tham gia, tạo môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ nhau trong công việc, giúp chị em thoải mái tinh thần, tham gia sản xuất hiệu quả, đóng góp vào doanh thu của HTX ngày càng cao. Nhờ các hoạt động này, có khoảng 70% - 80% học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định, giúp chị em vươn lên thoát nghèo.
 
AN NHIÊN