Mong "con chữ" thay đổi cuộc đời con

08:09, 06/09/2017

Câu chuyện về gia đình hiếu học của chú Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1969) và cô Phạm Thị Hiền (sinh năm 1965) là niềm tự hào, cũng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hiếu học tại thôn La Bouye B, xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương.

30 năm chung sống, 8 đứa con và biết bao nhiêu những giấy khen học sinh, sinh viên khá, giỏi - đó là câu chuyện thú vị mà chúng tôi được nghe vào những ngày đầu năm học mới. Câu chuyện về gia đình hiếu học của chú Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1969) và cô Phạm Thị Hiền (sinh năm 1965) là niềm tự hào, cũng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hiếu học tại thôn La Bouye B, xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương.
 
Lò bánh tráng là nơi nuôi 8 đứa con của chú Hoàng, cô Hiền ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: V.Q
Lò bánh tráng là nơi nuôi 8 đứa con của chú Hoàng, cô Hiền ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: V.Q

Trong căn nhà nhỏ khang trang còn thơm mùi sơn mới, hai bố mẹ trang trọng dành nguyên gian trên để treo những tấm giấy khen của các con. Mỗi tờ giấy khen, dù đã ố màu theo thời gian của cô con gái đầu năm nay đã 30 tuổi, hay còn thơm mùi giấy mực mới của cậu trai út năm nay vừa lên lớp 9, đều được người mẹ đóng khung cẩn thận, và cha treo lên với tất cả những trân trọng, nâng niu.
 
Thà đói chứ không để con thất học
 
Trong câu chuyện với ông Phạm Ngọc Hậu - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn La Bouye B, gia đình của chú Hoàng và cô Hiền được nhắc đến nhiều lần, với lời tấm tắc: “Chắc cả huyện Đơn Dương chỉ có mỗi gia đình nhà này là dù đông con nhưng đứa nào cũng được ăn học đầy đủ. Mặc ai bỏ học, mặc ai đi làm sớm kiếm tiền, con cái nhà ông Hoàng dù khổ nhưng vẫn quyết tâm học đến nơi đến chốn”.
 
Lấy nhau từ năm 1987 với hai bàn tay trắng, đến giờ, cô chú vẫn bảo, mình vẫn không có tài sản gì quý giá ngoài 8 đứa con chăm ngoan, học hành giỏi giang. Và ánh mắt của người cha người mẹ đó vẫn lấp lánh niềm tự hào khi nhắc về những đứa con của mình, và cả tự hào về bản thân, khi trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, khi đã có những ngày ăn khoai ăn bắp thay cơm, thì cô chú vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc cho con nghỉ học giữa chừng.
 
Gặp cô chú lúc cả nhà đang tất bật nấu chè trôi nước để bán trong ngày lễ Vu Lan, cô Hiền bảo: “Cô tranh thủ làm thêm, kiếm thêm vài đồng cho tụi nhỏ mang đi”. Những đồng tiền để “tụi nhỏ” mang đi đó, được cô chú chắt chiu từ từng chén chè bán ngày rằm, từng đòn bánh chưng, bánh tét ngày tết. Cứ vậy mà từng bước, từng bước đưa từng đứa con đi trọn con đường học hành trong suốt 30 năm nay. Đều đặn 30 năm ròng rã, sáng sớm chú Hoàng kéo ngựa đi chở rau, chở giống, chở phân kiếm từng đồng tiền để đóng tiền học. Cô Hiền hàng ngày miệt mài từ 3h sáng đến 10h tối với lò tráng bánh ướt, bánh xèo kiếm tiền nuôi 10 miệng ăn.
 
Khổ cực có, vất vả có, vay mượn khắp nơi cũng có. Nhưng “Dù khó khăn đến đâu thì cô chú cũng cố gắng vươn lên, mong sau này con cái kiếm sống bằng trí óc chứ không phải bằng lao động chân tay nặng nhọc, vất vả vì thiếu cái chữ như cha mẹ chúng”.
 
Con thay mẹ thực hiện ước mơ
 
Cô Hiền nói rằng, mơ ước từ nhỏ của cô là được đi học, được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Nhưng rồi loạn lạc chiến tranh, rồi hoàn cảnh khó khăn, cô phải dừng lại việc học khi chỉ mới lên lớp Bảy và ước mơ đành gác lại từ đó trong tiếc nuối và day dứt.
 
Nhưng bây giờ, niềm tiếc nuối đó đã không còn, vì trong nhà của cô chú nay đã có đến 2 cô giáo. Cô con gái thứ 2 đang dạy học ở TP Bảo Lộc, và cô con gái thứ 5 đang là sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Đà Lạt. Cũng dịu dàng, cũng nhẹ nhàng và hiền lành như mẹ, Nguyễn Thị Diễm Hương (SN 1997) - cô giáo mầm non tương lai nói đùa rằng: “Em đang thay mẹ thực hiện giấc mơ. Em may mắn hơn mẹ vì có cơ hội theo đuổi giấc mơ, nên phải cố gắng thay cho cả phần của mẹ”.
 
Bây giờ, 4 chị đầu lần lượt ra trường, có công việc ổn định. Ngày lễ, nhìn 2 cô con gái đang là sinh viên về thăm nhà tráng bánh ướt, đổ bánh xèo thuần thục, nói chuyện hiền lành và vui vẻ - cô Hiền kể thêm, rằng con cái nhà cô không được đi chơi nhiều như chúng bạn đồng trang lứa, mà bao nhiêu năm nay vẫn cứ đều đặn nửa ngày đến trường, nửa ngày ở nhà phụ mẹ pha bột, tráng bánh.
 
Hai cậu con trai út cũng chăm ngoan và học giỏi không kém gì các cô chị, vì 6 chị đầu đã học hành đàng hoàng, nên 2 cậu trai út không có lý do gì lại thua kém chị. Vậy là 2 cậu dặn nhau cố gắng học hành, rồi phụ bố mẹ cắt cỏ cho bò, bổ củi nhóm bếp than, năm nào cũng có phần thưởng cuối năm học.
 
Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (SN 1999) - cô con gái thứ 6, vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Đà Lạt, vẫn nhớ những ngày buổi sáng đi học, trưa về cắt cỏ cho ngựa ăn rồi chiều đi học lại, và còn tranh thủ thời gian buổi tối để tập võ, tập văn nghệ. Chú Hoàng vẫn tỏ vẻ ngạc nhiên, pha lẫn tự hào khi khoe rằng: “Cả mấy chị em nó làm việc giúp cha mẹ suốt ngày, bận rộn vậy mà vẫn học giỏi được, hay lắm! Không có tiền đi học thêm mà vẫn là thủ khoa, á khoa, vẫn đạt học bổng, vẫn đạt điểm cao trong các kỳ thi khiến giáo viên nhiều lần gọi điện cho ba mẹ khen ngợi!”. Và có lẽ với những người cha người mẹ như chú Hoàng, cô Hiền, chỉ chừng đó là đủ. 
 
VIỆT QUỲNH