Một mai có còn tiếng chiêng…

09:09, 05/09/2017

Dù được đào tạo bài bản bởi những nghệ nhân nhưng những người trẻ thuộc đội cồng chiêng ở Thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm dường như chẳng còn mặn mà với âm thanh đặc trưng, đại diện cho văn hóa truyền thống của cha ông.

Dù được đào tạo bài bản bởi những nghệ nhân nhưng những người trẻ thuộc đội cồng chiêng ở Thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm dường như chẳng còn mặn mà với âm thanh đặc trưng, đại diện cho văn hóa truyền thống của cha ông.
 
Bước lên thềm căn nhà nhỏ, chúng tôi - những vị khách từ phương xa nghe từng tiếng chiêng vang lên đứt đoạn, ngay sau đó là cảm giác vô cùng thích thú khi ngắm nhìn những đứa trẻ lên ba, lên năm ngồi cạnh ông đùa nghịch với bộ chiêng sáu đang được bày ra giữa nhà. Trái ngược với cảm xúc ấy là hình ảnh ông K’Mành (72 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn nhìn ra ngoài màn đêm giữa trời mưa, buông tiếng thở dài: “Hôm nay chắc cũng không đủ người đến tập”.
 
Trong khi ngồi đợi các thành viên khác đến để tập lại bài cho buổi biểu diễn sắp tới, ông K’Mành lắc đầu bảo rằng ông tiếc lắm những ngày xưa khi cả đội cồng chiêng ở độ tuổi ông cùng ăn, cùng tập luyện hăng say, đám trẻ ngày nay làm sao sánh kịp. Dành hơn hai phần ba cuộc đời gắn bó với tiếng cồng chiêng, ông là người trực tiếp “đứng lớp” dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ cách đây 3 năm. Khi còn là già làng, ông đã hào hứng triệu tâp đội biểu diễu, cùng đoàn đi tham gia khắp các liên hoan lớn nhỏ. Căn nhà nhỏ của ông cũng là địa điểm mọi người lui tới tập luyện. Đến khi ngã bệnh, không còn đủ sức khỏe thì ông luôn ôm nỗi niềm không biết mai này khi mình mất đi, ai trong số những người trẻ trong thôn còn giữ đươc tiếng chiêng truyền thống của người K’Ho.
 
Ông K’Tư, Đội trưởng đội cồng chiêng Thôn 15 cho biết, lớp học cấp giấy chứng nhận về cồng chiêng được mở từ năm 2014, với 30 thành viên, trong đó có phân nửa là những thanh niên trong độ tuổi từ 14 - 20 tuổi. Khi có thông báo mở lớp, chỉ nhìn vào số lượng người đăng ký học, ông và các nghệ nhân đã có hy vọng về sự lớn mạnh của đội chiêng sau này. Thế mà chỉ sau vài năm, những đứa trẻ lớn lên, mối lo mưu sinh hằng ngày dường như đã lấy mất đi niềm say mê tiếng chiêng của cha ông.
 
“Bọn trẻ bây giờ phải đi làm thuê, làm việc gia đình, không có nhiều thời gian để tập luyện biểu diễn cồng chiêng nữa. Đến cái chữ học trên trường, ghi chép cẩn thận như vậy mà không đọc lại còn quên nói gì đến cồng chiêng. Học cái này làm sao mà ghi chép được, phải tự ghi nhớ trong đầu từng điệu, từng nhịp; không tập luyện thường xuyên thì làm sao nhớ nổi, làm sao đánh hay được”, già K’Tư buồn bã.
 
Cũng như những nghệ nhân trong làng, già K’Tư gắn bó với tiếng chiêng khi còn là chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Khi đó những lễ hội truyền thống trong làng còn nhiều, ông K’Tư cũng từ đó mà đam mê từng nhịp điệu cồng chiêng và nuôi trong mình ước mơ gìn giữ truyền thống cha ông, sau này truyền dạy cho con cái. Ông bảo, là người đứng đầu phụ trách đội cồng chiêng hiện tại, ông đã phải ái ngại biết bao khi mỗi lần đi tập hợp các thành viên lại nghe loáng thoáng câu hỏi “đi đánh cồng chiêng vậy có được gì không?”.
 
“Cái thời đội chiêng và đội xoang cùng đi thi, đi biểu diễn ở ngoài huyện và các xã bạn vui biết bao nhiêu. Chỉ cách đây vài năm thôi, mỗi dịp lễ, tết thì già có, trẻ có cùng tham gia biểu diễn và cổ vũ. Có lần ông ấy (ông K’Tư) đang bị đau ruột thừa nhưng vẫn cố gắng hết sức để biểu diễn cho xong bài. Thi xong thì hai vợ chồng lập tức bắt xe ra Bảo Lộc cho ông ấy nhập viện mà không kịp chờ công bố kết quả. Rồi sau đó cả đội đem bằng khen vào bệnh viện báo tin giành giải nhất, dù có đang đau nhưng ai cũng vui mừng”, bà Ka Them, vợ ông tiếp lời chồng.
 
Sau khóa học, đội cồng chiêng đã có quy định mỗi tháng tập trung “ôn bài” vào một ngày chủ nhật trong tháng. Những tưởng đơn giản, ấy vậy mà cũng không thể thực hiện được. Đến nay chỉ còn khoảng 12 người thường xuyên tham gia tập luyện, gặp gỡ. Dù cũng đạt được nhiều thành tích nhưng năm ngoái, vì không còn đủ người tập luyện mà đội cồng chiêng Thôn 15 cũng đã không góp mặt trong cuộc thi cồng chiêng truyền thống do huyện tổ chức.
 
Trong số 4 người đến tập ngày hôm ấy, có em K’Thình (17 tuổi), người trẻ nhất còn cùng với cha anh đi biểu diễn cồng chiêng. Em chỉ cười và trả lời đơn giản rằng mỗi tiếng chiêng vang lên, em thấy mình thích. Và mỗi lần biểu diễn, là mỗi lần em hồi hộp bởi không biết có “nhớ bài” để mà đánh cho đúng, cho hay hay không, vây thôi. Nhìn cách em căng thẳng trong mỗi lần đưa tay đánh chiêng, cảm thấy ở em một sự học hỏi nghiêm túc. Tiếc là thế hệ của K’Thình, không còn mấy ai mặn mà. 
 
Chia tay đội cồng chiêng, trong chúng tôi vẫn in hằn câu hỏi của bà Ka Them: “Tre già thì sẽ có măng mọc, còn ngọn lửa thì đâu có cách nào cháy mãi được đâu. Nếu như không có người duy trì thì văn hóa, thì truyền thống người dân tộc mình sẽ đi về đâu?”.
 
HỒNG THẮM