Những đổi thay từ VNEN cấp trung học cơ sở

08:09, 19/09/2017

Trong khi không ít địa phương trên cả nước dừng triển khai mô hình trường học mới (VNEN) cấp trung học cơ sở và có những bàn cãi xoay quanh VNEN, thì Lâm Ðồng lại thực hiện mô hình này khá tốt. Có thể nói, tại Lâm Ðồng, VNEN cấp THCS đang phát huy hiệu quả, thực sự tạo môi trường học tập chủ động, sáng tạo cho học sinh. 

Trong khi không ít địa phương trên cả nước dừng triển khai mô hình trường học mới (VNEN) cấp trung học cơ sở (THCS) và có những bàn cãi xoay quanh VNEN, thì Lâm Ðồng lại thực hiện mô hình này khá tốt. Có thể nói, tại Lâm Ðồng, VNEN cấp THCS đang phát huy hiệu quả, thực sự tạo môi trường học tập chủ động, sáng tạo cho học sinh. 
 
Mô hình VNEN triển khai ở Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm) khá hiệu quả. Ảnh: T.H
Mô hình VNEN triển khai ở Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm) khá hiệu quả. Ảnh: T.H

Bức tranh đầy đủ về VNEN
 
Về Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm) trong những ngày đầu năm học mới 2017 - 2018, một tiết học theo mô hình VNEN không chỉ có thầy và trò, mà còn có sự tham dự của nhiều phụ huynh. Người đứng trên bục giảng không ai khác chính là thầy Hiệu trưởng Văn Đức Phương. Thầy giới thiệu, đây là tiết dạy mẫu về VNEN để phụ huynh hiểu và yên tâm cho con theo học. Cách đây 3 năm, khi trường bắt đầu triển khai thực hiện mô hình VNEN (từ năm học 2015 - 2016), trong tiết dạy mẫu, thầy Phương dạy theo hai phương pháp: cách truyền thống và theo mô hình VNEN để phụ huynh so sánh. Kết thúc tiết dạy, đa số phụ huynh đồng tình và ủng hộ việc nhà trường thực hiện giảng dạy theo mô hình VNEN. 
 
Thầy Phương cho biết, ngay từ lần đầu được tập huấn triển khai mô hình VNEN, bản thân thầy cũng phân vân, lo lắng. Do vậy, thầy đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu; sau khi đã nắm rõ, thầy bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. “Trước tiên, tôi tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong từng bộ môn để giáo viên chia sẻ, nắm bắt những khó khăn trong quá trình giảng dạy theo VNEN. Đồng thời, xây dựng phương án tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh để họ nắm rõ những nét thay đổi đặc trưng của mô hình này và vai trò của phụ huynh đối với tập thể lớp trong mô hình trường học mới. Cùng với đó là tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm lớp về quy cách tổ chức hoạt động của Hội đồng tự quản; tập huấn cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và thư ký về quy cách điều hành tổ chức lớp học VNEN”, thầy Phương chia sẻ. 
 
“Kết quả, chính tôi cũng bất ngờ, học sinh năng động, sáng tạo và mạnh dạn hơn trong học tập và sinh hoạt. Trong từng tiết học, học sinh biết cách tự học, tự trình bày ý kiến của mình. Giáo viên nhà trường thì không còn bỡ ngỡ như trước đây, biết cách dạy, cách quản lý lớp học, biết cách thiết kế bài học sao cho phát huy tính tích cực, năng động sáng tạo của học sinh; 100% giáo viên thấy rõ những nét hay đặc trưng nổi bật của mô hình trường học mới. Về phía phụ huynh thì tin tưởng tuyệt đối và đồng tình ủng hộ nhà trường trong việc triển khai mô hình VNEN, tích cực tham gia các hoạt động của lớp và thấy rõ trách nhiệm của gia đình đối với con em”, thầy Phương tâm đắc. 
 
Là trường nằm trên xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bảo Lâm, với 20% học sinh DTTS, Trường THCS Quang Trung bắt đầu triển khai mô hình VNEN từ năm học 2015 - 2016. Đến năm học 2017 - 2018 này, tất cả khối 6, 7, 8 đều áp dụng đồng bộ mô hình này với tổng số 20/26 lớp. Kết quả rèn luyện của học sinh trong 2 năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017 thực hiện VNEN, phẩm chất đạt 100%, năng lực đạt 98,6%, chưa đạt chỉ là 1,4%. 
 
Khi nói về mô hình VNEN cấp THCS, thầy Nguyễn Quốc Túy - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận xét: “Trường THCS Quang Trung là bức tranh đầy đủ nhất về mô hình trường học mới”. 
 
VNEN phù hợp với phần lớn các trường vùng sâu, vùng xa
 
Lâm Đồng là địa phương mà giáo dục còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện khá thành công mô hình VNEN cấp THCS. Lý giải điều này, thầy Nguyễn Quốc Túy cho rằng, mô hình VNEN phù hợp với phần lớn các trường vùng sâu, vùng xa. Bởi mục tiêu của VNEN là dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện cho học sinh sự tự tin trước đám đông, có sự tương tác trong nhóm và giữa các nhóm với giáo viên, giúp phát hiện học sinh còn hạn chế để bồi dưỡng thêm, phù hợp với lớp học có sĩ số thấp.
 
Tại Lâm Ðồng, địa phương triển khai rộng rãi và thực hiện tốt mô hình VNEN không phải ở vùng thuận lợi mà chủ yếu ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Bảo Lâm, Lâm Hà, Ðơn Dương…
 
Trong khi đó, hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc mỗi địa phương chỉ duy nhất một trường chủ động triển khai mô hình này (trên tinh thần các trường tự nguyện đăng ký thực hiện).
 
Trường THCS Gung Ré (Di Linh) là trường đầu tiên trên địa bàn huyện triển khai dạy học theo mô hình VNEN. Với hơn 60% học sinh DTTS, ngay từ khi đăng ký, cả Phòng Giáo dục Di Linh và Phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT đều băn khoăn: liệu có thực hiện được ở một trường vùng sâu, vùng xa này không? Tuy nhiên, qua một năm triển khai, Trường THCS Gung Ré chứng minh được hiệu quả khi học sinh năng động, kết quả học tập và rèn luyện tốt hơn; giáo viên nhập cuộc nhanh chóng và phụ huynh đồng tình ủng hộ. Rồi đến năm học 2016 - 2017, lần đầu tiên Di Linh có học sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh thuộc Trường THCS Gung Ré, sự tin tưởng càng được nhân lên. 
 
Dừng triển khai ở những nơi chưa đủ điều kiện
 
Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh triển khai dạy học theo mô hình VNEN đối với lớp 6 tại 18 trường THCS, THCS&THPT với 47 lớp và 1.387 học sinh. Đến năm học 2016 - 2017, triển khai đối với lớp 6, 7 tại 26 trường với 113 lớp và 3.247 học sinh. Năm học 2017 - 2018 tiếp tục triển khai ở các lớp 6, 7 và 8 tại 23 trường với 134 lớp và 3.811 học sinh. 
 
Theo thầy Nguyễn Quốc Túy, tuy triển khai tốt mô hình VNEN nhưng không vì vậy mà ngành Giáo dục mở rộng ồ ạt. Ngay đầu năm học mới 2017 - 2018, Sở GDĐT đã yêu cầu các phòng giáo dục rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình VNEN đạt chất lượng và hiệu quả. Theo đó, đã có 3 trường (tại Lạc Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh) dừng triển khai vì chưa đủ điều kiện. Một trong những nguyên nhân khiến các trường này không triển khai tiếp VNEN là do học sinh ở trên các địa bàn khó khăn, khó mua được sách VNEN vì điều kiện kinh tế mà phải học sách photocoppy không đảm bảo yêu cầu giáo dục. 
 
Như vậy, toàn tỉnh có 2 địa phương hiện không thực hiện mô hình VNEN là Lạc Dương và Đạ Huoai (chỉ triển khai trong năm đầu tiên) vì chưa đảm bảo các điều kiện. Một số trường vì không đủ giáo viên và cơ sở vật chất cũng chỉ tiếp tục lớp 7 từ lớp 6 năm ngoái lên mà không mở rộng thêm lớp 6 mới.
 
Chủ động triển khai
 
Tuy số trường THCS triển khai VNEN năm học này giảm so với năm học trước, nhưng việc triển khai ở Lâm Đồng được đánh giá là có hiệu quả, không gặp khó khăn, vướng mắc. Theo thầy Túy, thuận lợi lớn nhất là hệ thống văn bản chỉ đạo từ Sở GDĐT đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trách nhiệm, tận tâm, tích cực tìm hiểu và chủ động thực hiện. 
 
Không những vậy, ngay từ năm học đầu tiên triển khai mô hình VNEN cấp THCS, Sở GDĐT đã tổ chức nhiều hội nghị tại các địa phương để những trường tham dự trao đổi, tìm ra phương pháp áp dụng phù hợp với trường mình. Sau đó, những trường có kinh nghiệm triển khai cho các trường khác. Sở cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên. Qua đó, các trường đáp ứng cơ sở vật chất, nhân lực thì tự nguyện đăng ký áp dụng. Và một trong những thành công của các trường THCS thực hiện VNEN là người cán bộ quản lý đóng vai trò “đầu tàu” nắm vững VNEN và thực sự tâm huyết với VNEN để chỉ đạo giáo viên thực hiện. Đồng thời, công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, giáo viên và trong quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với phụ huynh học sinh được quan tâm để có sự đồng thuận cao cũng góp phần vào thành công ấy.

Cô Võ Thị Kim Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Gung Ré (Di Linh): Nhờ VNEN mà học sinh không còn bỏ học”
 
Từ năm học 2015 - 2016, khi trường triển khai VNEN ở khối 6 thì khối này hoàn toàn không có học sinh nghỉ học, trong khi các khối 7, 8, 9 vẫn có tình trạng này. Đến năm học tiếp theo, trường triển khai đến khối 7 và khối 6 mới thì 2 khối này cũng không có học sinh nào bỏ học. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên; tỷ lệ học sinh yếu giảm dần, học sinh khá, giỏi tăng lên. Đặc biệt, năm học vừa rồi, trường có 1 trong 2 học sinh của huyện đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh trước đây cho con đi học ở những trường khác giờ lại xin chuyển về trường và xin vào học lớp VNEN.
 
Cô Phạm Thị Mỹ Trâm - Trường THCS Nguyễn Ðình Chiểu (Ðà Lạt), giáo viên cốt cán VNEN của tỉnh: “Tạo đà cho giáo viên dạy theo chương trình giáo dục tổng thể”
 
Là giáo viên duy nhất bộ môn Vật lý được cử đi tập huấn ở Bộ GDĐT về mô hình VNEN, tuy là giáo viên lớn tuổi nhưng tôi rất tâm đắc với mô hình này. Khi học theo VNEN, học sinh nhanh nhẹn, sáng tạo hơn, việc học cũng không nặng về kiến thức mà các em chủ động trong tiếp thu bài. Giáo viên thì đòi hỏi phải có sự thay đổi, tích cực trong cách thiết kế bài dạy sao cho phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh. Đó cũng là đà để giáo viên bước đầu thử nghiệm chương trình giáo dục tổng thể, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.   
 
Anh Nguyễn Văn Hóa - Phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Hà (Lâm Hà): “Con tôi năng động hơn”
 
Khi con học chương trình VNEN, cháu rất thích đi học, về nhà cháu chủ động học bài, nhiều khi rủ cả bố mẹ cùng tham gia thảo luận một vấn đề nào đó trong nội dung học. Cháu cũng tự tin hơn trong giao tiếp. Với vai trò là nhóm trưởng, tôi thấy cháu có trách nhiệm hơn khi chủ động chuẩn bị những đồ dùng phục vụ cho việc học tập của nhóm. Kết quả học tập của cháu cũng cao hơn những năm học trước.
 
Thầy Dương Trí Táo - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Ðạ Sar (Lạc Dương): “Phải đảm bảo các điều kiện mới nên triển khai VNEN”
 
Trường THCS&THPT Đạ Sar triển khai mô hình VNEN từ năm học 2015 - 2016, tuy nhiên, đến năm học 2017 - 2018 này, trường dừng lại không thực hiện nữa. Nguyên nhân là do trường có hơn 98% học sinh DTTS, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên việc mua sách VNEN gặp nhiều trở ngại. Trước đây, học sinh mới lên lớp 6 có thể mượn sách của anh, chị học năm trước, nhưng giờ học theo VNEN phải mua sách VNEN mới, giá thành cũng đắt so với thu nhập của bà con, nhiều gia đình không có khả năng mua sách mới cho con. Cùng với đó, do bà con DTTS chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em nên học theo VNEN nhiều khi có bài tập về nhà cần sự hỗ trợ, thảo luận của phụ huynh cũng gặp khó khăn. 
T.H

TUẤN HƯƠNG