Ðể ngăn ngừa bạo lực gia đình

08:10, 06/10/2017

Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến giáo dục con trẻ trong từng gia đình.

Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến giáo dục con trẻ trong từng gia đình.
 
Trẻ em trong gia đình cần được thương yêu, chăm sóc, được học hành. Ảnh: G.K
Trẻ em trong gia đình cần được thương yêu, chăm sóc, được học hành. Ảnh: G.K

“Tảng băng ngầm”
 
Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 414 vụ bạo lực gia đình, tăng 18 vụ so với năm 2015, trong đó bạo lực với người già 26 vụ, bạo lực với trẻ em 28 vụ, còn lại là bạo lực với phụ nữ. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 225 vụ, trong đó bạo lực với người già 9 vụ, bạo lực với trẻ em 18 vụ, nhiều nhất vẫn là bạo lực với phụ nữ 198 vụ. 
 
Các hình thức bạo lực trong 6 tháng đầu năm nay cũng được ngành chức năng thống kê rõ: bạo lực thân thể 164 vụ, cụ thể là các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập gây tổn hại đến sức khỏe...; bạo lực tinh thần 50 vụ, bao gồm chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý...; bạo lực kinh tế 9 vụ như bắt làm việc quá sức, cấm chi tiêu tối thiểu...
 
Có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Đó có thể do rượu, những người chồng say rượu về hành hung vợ con; đó có thể là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, bí bách về tiền bạc, nợ nần chồng chất, không có việc làm, ức chế về tâm lý; đó có thể là do hạn chế về trình độ văn hóa, người chồng gia trưởng coi thường vợ con; đó có thể là các ông bố bà mẹ đánh con theo kiểu bạo hành nhưng khi hỏi đến lại bảo rằng đang giáo dục con cái “đến nơi đến chốn” hay “thương cho roi cho vọt”...
 
Một hình thức khác của bạo lực gia đình là bạo lực tình dục. Đến nay ngành chức năng vẫn chưa ghi nhận được, đơn giản vì điều này như một “vùng cấm”, nạn nhân đến nay vẫn e ngại không dám tố giác người gây bạo lực nên rất khó thu thập thông tin.
 
Tuy nhiên, như ông Trần Trường San, Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, con số thống kê được ngành chức năng ghi nhận trên vẫn chưa phản ảnh hết thực trạng về bạo lực gia đình đang diễn ra trong cộng đồng hiện nay. Nói một cách khác, đây chỉ là phần nổi của một “tảng băng ngầm”, trong đó rất nhiều người là đối tượng bị bạo hành không khai báo cho đơn vị chức trách biết. 
 
Mặc dù nhà nước trong những năm gần đây ban hành nhiều văn bản về phòng chống bạo lực gia đình như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…, phần nào đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội nhưng như ông San nhận xét, những văn bản này khách quan mà nói vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi, chưa có những chuyển biến tích cực, thậm chí tình trạng này dần trở thành một hiện tượng nổi cộm trong xã hội.
 
Phòng ngừa là chính
 
Nhiều giải pháp được Sở VHTTDL Lâm Đồng - ngành chủ quản, phối hợp với các đơn vị chức năng khác như Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Mặt trận các cấp cùng các đoàn thể triển khai trong nhiều năm nay.
 
Nguyên tắc chính theo ông San, vẫn xem phòng ngừa là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp tư vấn, hòa giải đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức cấp cơ sở trong phòng chống bạo lực gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; nạn nhân cần được bảo vệ; giúp đỡ kịp thời, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ.
 
Trước mắt, các cấp chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác truyền thông, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình hiện đang được cấp cơ sở phát triển;  lồng ghép công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng sẽ góp phần không nhỏ trong hạn chế bạo lực gia đình với nguyên nhân từ những khó khăn về kinh tế.
 
Ngành văn hóa trong thời gian đến theo ông San cũng phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa; trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không tệ nạn cờ bạc, ma túy trong việc công nhận gia đình văn hóa. Ngành chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng, vai trò của họ hàng, dòng họ để làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình từ ban đầu ngay ở cấp cơ sở. 
 
Và một điều quan trọng nữa chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, coi đây là trách nhiệm chung của mọi gia đình và cả cộng đồng. 
 
Ông San cũng nhấn mạnh rằng trong khi hòa giải ở cơ sở, các cơ quan, tổ chức cần lưu ý không tiến hành hòa giải mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên gia đình trong những trường hợp vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại yêu cầu không xử lý theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, khi phát hiện sự việc nghiêm trọng, xét thấy các hành vi có dấu hiệu hình sự thì nên chuyển sự việc cho cơ quan chức năng xem xét. 
 
GIA KHÁNH