Cánh chim Chơ Lang vẫy gọi mùa xuân

08:10, 05/10/2017

Về tìm hiểu tình hình triển khai năm học mới ở Lạc Dương, một huyện có 26.000 nhân khẩu, trong đó 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, tôi được giới thiệu làm việc với Tiến sĩ Cil Duin - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lang Bian từ năm 2007...

Về tìm hiểu tình hình triển khai năm học mới ở Lạc Dương, một huyện có 26.000 nhân khẩu, trong đó 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, tôi được giới thiệu làm việc với Tiến sĩ Cil Duin - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lang Bian từ năm 2007 và được bổ nhiệm Phó Phòng GD&ĐT huyện vào tháng 7/2016. Cứ ngỡ sẽ gặp một quan chức ắt phải ngoài ngũ tuần, đạo mạo và bệ vệ lắm, ai ngờ lại là chàng trai trẻ có vầng trán cao, đôi mắt màu nâu rộng mở, sáng tự tin tiếp chuyện. Với giọng ấm áp, Cil Duin rành rọt cho tôi biết: Từ cuối năm 2016, Lạc Dương đã được UBND tỉnh công nhận kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (trong đó phổ cập giáo dục mầm non được duy trì, tiểu học đạt cấp độ 2, THCS đạt cấp độ 1). Năm học 2016-2017, huyện có 23 trường thuộc các bậc học, với 5.783 em học sinh từ mầm non đến THCS (tăng 411 em so với năm học trước). Phòng GD&ĐT tập trung chỉ đạo các trường có những giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng học sinh khá, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học. Kết quả cuối năm toàn ngành duy trì sĩ số học sinh bậc mầm non 100%, THCS 99,37%; chất lượng học sinh nâng lên. 
 
Cil Duin khi sang Trung Quốc làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Quản lý học
Cil Duin khi sang Trung Quốc làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Quản lý học

Đối với một huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, vấn đề duy trì sĩ số học sinh chắc luôn nan giải? Trước băn khoăn của tôi, Cil Duin chậm rãi trả lời: - Năm học này, mầm non và tiểu học thì tốt, nhưng ở bậc THCS và THPT vẫn còn khoảng 1,5% học sinh chưa tới trường.
 
- Vì sao các em không tới trường?
 
Cil Duin như trút nỗi niềm trăn trở: - Nếu ngày xưa, đời sống người K’Ho, Chil… bị ràng buộc bởi tập quán du canh, tự cung tự cấp và những phong tục lạc hậu thì đã đành. Nhưng hiện nay, vùng đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, nhiều xã đã cán đích nông thôn mới, thế nhưng nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong buôn, làng vẫn nặng suy nghĩ đã học lên thì phải làm “ông nọ bà kia” chứ chưa nghĩ rằng học trước hết là cho mình. Trong khi đó, việc không ít con em học xong cao đẳng, đại học mà loay hoay không xin được việc làm trong cơ quan nhà nước, đã tác động xấu tới sự học lên… Chả bù cho cha em, ngày xưa chỉ học tới lớp 3 nhưng ông luôn quan tâm nhắc nhở em phải học, nếu không Cil Duin chẳng nhận nổi tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) khi ở tuổi U 40…
 
Thấy câu chuyện “có vấn đề” theo cách nói của dân báo chí, tôi gợi chuyện và được biết: Cil Duin là con thứ 7, sinh năm 1976 trong gia đình có 9 người con. Không chỉ riêng thôn Bon Dơng 1 xưa thuộc xã Lát (huyện Lạc Dương) nay trở thành một Khu phố thuộc thị trấn Lạc Dương mà cả huyện nói chung cách đây hơn 40 năm còn vất vả, lam lũ lắm. Gia đình Cil Duin chỉ có mấy sào lúa 1 vụ, mưu sinh chủ yếu bằng vào rừng kiếm lâm sản phụ mang ra Đà Lạt bán nên không riêng ngày giáp hạt mà cái đói theo đuổi thường niên. Hồi ấy, Lạc Dương còn là điểm “nóng” Fulro quấy phá, nhiều đồng bào nghe lời xấu của chúng xuyên tạc chế độ, xúi giục chống phá cách mạng. Cil Duin có người anh con bác theo Fulro vào rừng đến năm 1984 mới nhận ra sự lầm lạc, ra đầu thú, nhận sự khoan hồng để làm lại cuộc đời. Bọn Fulro hăm dọa, o ép mọi người không cho con em đi học “cái chữ” Bác Hồ… Vì thế, lũ trẻ ở lứa tuổi Cil Duin chỉ bập bõm mấy từ “a, b, c…”, chưa quen tiếng Kinh nên chữ được chữ mất. Thầy cô giáo hỏi điều gì thì lắc đầu quầy quậy, luôn miệng trả lời “Ơ git” (Không biết). “Cái chữ” chỉ thực sự đến với Cil Duin ở tuổi 11. Thời tiểu học cứ lặp đi lặp lại “thời khóa biểu”: Sáng học, chiều chăn trâu hay ngược lại. Đến năm học lớp 5 với dự tính đỡ đần việc nhà, Cil Duin lén nghỉ học một tuần nhưng “bạp” (ba) biết và kịp thời khuyên giải phải học để “ấm vào thân”, hãy noi gương anh thứ 5 là Cil Đoa đang theo học trung học sư phạm trên Đà Lạt, mai mốt sẽ là thầy giáo biết nhiều cái chữ, hiểu nhiều chuyện đời. Sáng sau ba ân cần dắt con đến gặp cô giáo chủ nhiệm để xin cho Cil Duin tiếp tục vào lớp. Cảm động trước tấm lòng của “bạp” nên từ đó Cil Duin thầm hứa sẽ không bỏ học, phải rành rọt tiếng Kinh để tiếp thu bài giảng, đạt kết quả học tập tốt. 
 
Kể đến đây, giọng Cil Duin chùng xuống, ngẹn ngào: - Anh biết không, mỗi khi nghĩ về cha em lại nghĩ mình phải: Học, học mãi, học nữa. Có học mới làm tốt công tác chuyên môn. Ra trường, đi công tác, em càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình...”. Chỉ tiếc là ba không được mỉm cười mãn nguyện lúc em trở về với tấm bằng tiến sĩ… Hai tuần trước ngày sang nước ngoài để học chính thức, các bác sĩ phát hiện ba bị bệnh ung thư máu, nên em dùng dằng nhủ có trình độ cao học cũng được rồi, phải ở lại chăm sóc ba. Ba biết chuyện, ông buồn lắm, bàn tay run run nắm chặt tay em và nói con là niềm tự hào của cả thị trấn và cả huyện vì đã có ai học nhiều bằng đâu, phải đi học tiếp không được bỏ ngang. À, nhân tiện nói về học tiếng Trung thì quả là khó anh ạ, nhất là viết ngôn ngữ tượng hình này. Khi ra học tiếng Trung 3 tháng ở Quảng Ninh (Việt Nam), 5 tháng ở Quảng Tây nước bạn em chuyên tâm học hành, mạnh dạn giao tiếp để thông thạo ngoại ngữ mới. Ở Bắc Kinh, em là người Việt Nam duy nhất làm luận án tiến sĩ với đề tài “Ảnh hưởng của yếu tố tổ chức nhà trường đối với việc đổi mới dạy học của giáo viên” bằng tiếng Trung, là một trong những nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đúng thời hạn 3 năm (thực tế có người kéo tới 4-5 năm) và đạt kết quả ưu tú. Sang Trung Quốc học gần 1 năm nghe tin ba yếu, em về thăm được 5 ngày thì ba mất ở tuổi ngoài 80…   
 
Chia sẻ nỗi buồn với Cil Duin rồi tôi thán phục: - Gia cảnh khó khăn vậy mà lấy được bằng tiến sĩ thì anh quả có ý chí học hành!
 
Ánh mắt ngời sáng sự thông minh, khuôn mặt ngăm ngăm rạng rỡ nụ cười hiền hậu, Cil Duin nhỏ nhẹ: - Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số thì chúng em cũng khó học hành tới nơi tới chốn. Năm em vào học cấp 3 ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh, cả mấy xã quanh thị trấn chỉ có 5 đứa nhập học. Chăm chỉ học nên em cũng vài lần đi thi học sinh giỏi Lý, Toán… Hồi lớp 12, cháu Cil Yêl con bà chị đầu mất bởi mắc bệnh hiểm nghèo, đau đớn khiến em ấp ủ sẽ trở thành bác sĩ để sau có điều kiện chữa bệnh cho người thân, làng xóm. Cũng do hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp mà học y khoa phải tới 7 năm nên đành thi vào Sư phạm. Năm 2002, tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm Huế, được phân công về dạy tại Trường THPT Lang Bian ngay thị trấn huyện… Những năm đầu đi dạy, thực tế không như những gì mình đã nghĩ, em lại phải đối mặt với hiện tượng học sinh bỏ học. Em nhớ mãi khi làm chủ nhiệm lớp 10A3, trò Bon Dơng Jula (nhà ở xã Đa Sa, cách huyện trên 10 cây), có học lực rất tốt, nhất là các môn tự nhiên thế mà bỏ học. Tiếc cho trò “leo cây gần đến lúc hái quả” lại bỏ giữa chừng, em phóng xe tìm tới nhà trò thì Jula đang lên rẫy. Chờ từ trưa đến tối muộn trò mới về, tâm sự với gia đình và khuyên giải Jula đến khuya mọi người và Jula mới thuận việc tiếp tục học hành. Sáng sớm sau, hai thầy trò hớn hở chở nhau về trường… Sau này Jula trở thành bác sĩ trên bệnh viện tỉnh, gặp lại trò thường nhắc lại chuyện xưa… Lẽ ra phải sau 5-7 năm công tác mới được thi cao học nhưng với khát vọng phải học lên để trở thành tấm gương tiêu biểu, vận động con em đồng bào dân tộc noi theo nên em tha thiết đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo trường. Năm 2005 có nhiều sự kiện trọng đại trong đời em: Thi đậu đầu vào cao học Khoa Lịch sử Đại học Đà Lạt, vinh dự được kết nạp Đảng và được cô giáo Kră Jãn Bril dạy cùng trường “bắt chồng” theo chế độ mẫu hệ của người K’Ho.  
 
- Hay quá, đúng là “tam hỉ lâm môn”! Mà này, bà xã thuộc dòng họ già làng - nhạc sĩ Krã Jãn K’plin, Krã Jãn K’Dick… là những thủ lĩnh các đội cồng chiêng nổi tiếng dưới chân núi Lang Bian phải không? Chắc hát hay, múa giỏi…!
 
Cil Duin hoan hỉ: - Đúng vậy, cô ấy “bắt” em cũng vì mê tiếng ghi-ta không đến nỗi tồi của em đấy.
 
- Cháu lớn Cil Duin năm nay học lớp mấy rồi. 
 
Nở nụ cười tràn trề hạnh phúc, Cil Duin khoe: - Cháu gái đầu học lớp 6 tên Krã Jãn Druil, cháu trai kế mới 5 tuổi đang học lớp lá!
 
- Xin chúc mừng hạnh phúc gia đình “bạp” Druil! Thời gian tới, tiến sĩ có dự định gì lớn lao? 
 
- Công tác chuyên môn ở Phòng và trách nhiệm đại biểu HĐND tỉnh chồng chất nhiều việc phải làm nhưng em có kế hoạch phấn đấu cùng với các cộng sự sớm biên soạn hoàn tất từ điển tiếng K’Ho Lạch, sau tính làm từ điển K’Ho - Việt và tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng K’Ho cho cán bộ, giáo viên trong huyện…   
 
- Là Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X (nhiệm kỳ 2017-2022), thời gian qua, Cil Duin đã làm gì để nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cử tri để các cấp, các ngành trong huyện, trên tỉnh quan tâm giải quyết? 
 
Gương mặt toát lên vẻ cương nghị với những đường nét cổ điển - phảng phất diện mạo các dũng sĩ trong thần thoại Hy Lạp - vốn là đặc trưng của hầu hết đàn ông dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, Cil Duin phấn chấn: - Công tác trong lĩnh vực “trồng người” nên em am hiểu và đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở của bà con mình. Mặt khác, do gần gũi nên đồng bào cũng sẵn sàng chia sẻ và chân tình nói điều mình đang nghĩ, đang lo cho đứa con của buôn làng đang làm Thư ký Đoàn đại biểu HĐND tỉnh tại huyện nhà. Do vậy, em có điều kiện nắm bắt, kịp thời phản ánh tâm tư đồng bào mong muốn được Nhà nước hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa hoặc phản ánh những bất cập trong xây dựng nông thôn mới, chính sách nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Nói để anh mừng, mình không chỉ nói được mà còn phải làm giỏi thì đồng bào mới tin. Không thể lý thuyết suông, phải làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” hay “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”… Vì vậy, tháng 4 vừa qua, vợ chồng em mượn 2 sào (2.000 m 2) vườn của bà ngoại, vay ngân hàng 450 triệu đồng và mượn thêm bạn bè để đầu tư làm nhà lưới nhà kính trồng hoa hồng. Đến nay, vườn hồng cho cắt cành 2 ngày 1 lượt, mỗi lượt khoảng 1.500 - 2.000 bông/sào, giá bán cho thương lái gần 1.000 đồng/cành… Thấy mô hình có hiệu quả nên đã có nhiều bà con đến vườn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để chuyển sang trồng hoa hồng… Chia sẻ với ngành giáo dục, em kiến nghị các cấp, các ngành chi trả kịp thời chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số. Em cũng từng đề xuất với các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của việc đưa con em đến trường; có cơ chế, chính sách đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn nhằm khuyến khích tài năng trong học sinh dân tộc thiểu số…  
 
Chia tay Cil Duin và rời thị trấn Lạc Dương đang trong quá trình đô thị hóa trở thành một trung tâm huyện lỵ khang trang, trù phú xứng đáng với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong tôi cảm nhận sâu sắc sự đổi thay tốt đẹp dưới đỉnh núi Lang Bian huyền thoại. Đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm để vươn lên thoát đói nghèo, lạc hậu vây bủa đã ngàn năm nơi đây. Trong tâm tưởng ấy, tâm trí chợt bập bùng âm hưởng tiết tấu lúc trầm hùng thao thiết, lúc rộn ràng vui tươi của âm điệu cồng chiêng khi diễn tấu nhạc phẩm “Hoa Lang Bian” của nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng sáng tác về cuộc sống đang hứa hẹn những điều tốt đẹp trên mảnh đất này. Tác phẩm được nhiều người say mê nghe, hát trong mấy chục năm qua và đặc biệt rất biểu cảm qua giọng hát mượt mà, trữ tình của Bonneur Trinh là sơn nữ dưới chân núi Mẹ Lang Bian, là ca sĩ được mến mộ tại thành phố Hồ Chí Minh:   
 
Em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Lang Bian. 
Sông Krông Nô xanh màu mắt em quê hương buôn làng Kon Đố. 
Em yêu quý núi rừng buôn làng của em. 
Chim Chơ Lang hát chào mùa xuân như nói buôn làng em đó. 
Ôi Lang Bian qua rồi thương đau hôm nay hoa nở khắp lối. 
Vui quanh bếp lửa hồng hát khúc tâm tình. 
 
Cuộc sống mới sinh ra những người con ưu tú của núi rừng có văn hóa, tri thức và có khát vọng cống hiến cho cuộc đời như Cil Duin - người K’Ho Lạch làm tiến sĩ đầu tiên ở huyện Lạc Dương và có lẽ hiện cũng duy nhất đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Lâm Đồng, tôi thầm tin rằng họ sẽ là những “cánh chim” Chơ Lang (chim Chơ Rao mạnh mẽ, thông minh nhất của đại ngàn Tây Nguyên) vẫy gọi mùa xuân luôn xanh thắm mãi núi rừng Lang Bian.
 
Bút ký: NGUYỄN THANH ÐẠM