Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng

08:10, 06/10/2017

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Ðồng, với diện tích 63.938 ha, có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. 

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Ðồng, với diện tích 63.938 ha, có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. 
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14, đơn vị tỉnh Lâm Đồng tiến hành khảo sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: N.Thu
Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14, đơn vị tỉnh Lâm Đồng tiến hành khảo sát việc chấp hành pháp luật
về quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: N.Thu

Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhiều năm qua, Ban Giám đốc và tập thể Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp rất hiệu quả. Trước hết phải kể tới công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, đã triển khai giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích trên 60.272 ha, trong đó phân theo lưu vực: Đồng Nai là 24.790 ha, Sêrêpôk là 35.482 ha, số hộ dân tham gia nhận khoán là 1.535 hộ và 6 đơn vị tập thể.
 
Về công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng cũng được Ban Giám đốc và các phòng ban, đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã thực hiện tổng số 24.130 ngày công tuần tra, thu giữ 430 dây bẫy thú các loại, giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 28.461 m 2. Phát  hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 7 vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, phá rừng trái pháp luật là 3 vụ, 1 vụ khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp, gây thiệt hại 12.021 m 2 rừng, 0,088 m 3 gỗ Pơmu. Xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước 14,3 triệu đồng.
 
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Ban Quản lý, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chú trọng, đã thành lập ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, phân công cán bộ, viên chức và các tổ nhận khoán trực cháy 24/24 giờ tại văn phòng và văn phòng hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm cùng một số khu vực trọng điểm. Chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ và đã đạt được kết quả tốt trong công tác phòng chống cháy rừng.
 
Chương trình nghiên cứu khoa học cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bi doup - Núi Bà quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các dự án nghiên cứu khoa học được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên rừng. 
 
Cụ thể, trong năm 2017, đã tổ chức thành công Chương trình ICTHER Field School lần thứ 3 tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với sự hỗ trợ của Trường Ðại học Columbia Hoa Kỳ. 
 
Thực hiện các hạng mục thuộc đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh đó là “Ứng dụng công nghệ địa viễn thám để quản lý tài nguyên thiên nhiên Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang”. Tiếp tục thực hiện các hoạt động thuộc đề tài của Bộ Khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang” với Viện sinh thái học miền Nam.
 
Để góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền luôn được Ban Giám đốc, tập thể Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quan tâm thực hiện. Cụ thể, thực hiện tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và thiên nhiên thông qua việc diễn giải môi trường cho trên 1.500 lượt du khách và học sinh, sinh viên đến tham quan. Thiết kế ấn phẩm truyền thông như túi đựng rác, nâng cấp clip giáo dục môi trường, bảo tồn thiên nhiên để ngày càng hấp dẫn du khách hơn.
 
Trao đổi về những nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn tới, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết: Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp tốt hơn nữa với các ban, ngành, địa phương, các vùng giáp ranh để ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt những khu vực giáp ranh. Chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát những vùng trọng điểm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên, vận động tuyên truyền quần chúng nhân dân tham gia tố giác những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Làm tốt công tác phục hồi sinh thái, triển khai trồng dặm rừng trồng thay thế và nhiều giải pháp khác nhằm thực hiện tốt vai trò quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. 
 
NGUYỆT THU