Xây dựng xã hội học tập, con đường tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

08:10, 02/10/2017

Xây dựng xã hội học tập, được Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng đề ra, phải xây dựng XHHT để tạo điều kiện đi vào kinh tế tri thức. 

Xây dựng xã hội học tập (XHHT), được Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng đề ra, phải xây dựng XHHT để tạo điều kiện đi vào kinh tế tri thức. Triển khai chủ trương đó, ngày 18/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/2015/QÐ-TTg về xây dựng XHHT giai đoạn 2015-2020. Ðây là giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp xây dựng, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng XHHT.
 
Một tiết học tại Trường Tiểu học Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà). Ảnh: Phan Nhân
Một tiết học tại Trường Tiểu học Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà). Ảnh: Phan Nhân

Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 89/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020. Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, trong đó giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện.
 
Với việc thực hiện Đề án 281, công tác khuyến học khuyến tài do Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo đã chuyển qua một giai đoạn mới. Nhân dịp kỷ niệm 21 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2017), Hội Khuyến học Lâm Đồng giới thiệu đôi nét về khái niệm XHHT và một số nước trên thế giới đã thực hiện thành công.
 
Khái niệm XHHT xuất hiện trên sách báo vào những năm 70 của thế kỷ XX . Một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm này là Donal Alan Schoon khi ông bàn đến giáo dục công lập và tư thục trong một xã hội thay đổi nhanh chóng và lớn lao (1). Cuốn sách “Learning to be” (Học để tồn tại - Học để làm người) đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi có tính chất toàn cầu, và qua đó người ta đi sâu vào nội hàm của 2 khái niệm “Học suốt đời” và “Xã hội học tập”.
 
Năm 1996, Jacques Delors đã viết một báo cáo của Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI với cái tên “Leaning; The Treasure Within” (Học tập; một kho báu tiềm ẩn) để trình UNESCO (2). Đây là một tuyên ngôn về giáo dục thế kỷ XXI, trong đó, nêu rõ thế giới hiện tại của chúng ta đang chịu sự chi phối của xu thế toàn cầu hóa. Mặt tích cực, mặt lợi ích của xu thế này là giao lưu mở rộng, khoa học và công nghệ phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế đạt tới mức mà lịch sử phát triển nhân loại chưa bao giờ chứng kiến. Song, mặt hạn chế cũng phân tích đến như phân phối các lợi ích còn xa mới đạt đến sự công bằng, sự gia tăng tình trạng thiếu việc làm, sự thải loại một nhóm người ra khỏi quyền thụ hưởng lợi ích của tiến bộ xã hội, những mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển, sự bất bình đẳng và sự bất công trong hưởng thụ giáo dục.
 
Về XHHT trong tương lai, Inam AL Mufti (người Jordan, chuyên gia về tình hình phụ nữ) cho rằng, phải đầu tư vào tài năng con người, luận điểm của ông là:
 
- Mở rộng những cơ hội giáo dục chính là việc thực hiện sứ mạng của UNESCO nhằm thực hiện “giáo dục cho mọi người”. Việc tập trung giải quyết nhu cầu đến trường chưa đủ mà phải tập trung vào sự ưu tiên đầu tư cho chất lượng giáo dục.
 
- Sự quá tải giáo dục đã dẫn đến sự bất cập về năng lực bảo đảm tính hợp lý về tranh thẩm bình đẳng trong giáo dục.
 
- Bỏ đi những cơ hội giáo dục thích hợp đối với những sinh viên xuất sắc cũng chính là sự tước bỏ đi của xã hội những nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất mà nhờ đó xã hội sẽ phát triển thực sự hiệu quả.
 
Chất lượng của giáo dục nhà trường luôn là trọng tâm của việc xây dựng XHHT. Isao Amagi (3) đã nêu 3 chính sách về chất lượng giáo dục: Nâng cao chất lượng giáo viên, thiết kế và phát triển chương trình học tập, cải tiến công tác quản lý trường học. Cụ thể là: 
 
- Nâng cao chất lượng giáo viên:
 
+ Mặt bằng kiến thức trước khi phục vụ của giáo viên cần nâng lên cấp đại học. Nhiều nước phát triển đã có những khóa học sau đại học cho giáo viên.
 
+ Tuyển dụng giáo viên và bố trí họ phải bảo đảm sự cân đối công bằng giữa các khu vực, giữa các giáo viên có kinh nghiệm và ít kinh nghiệm...
 
+ Đào tạo tại chức cần coi như một phương thức học tập suốt đời.
 
+ Lương của giáo viên phải có tác dụng thu hút người giỏi tham gia ngành sư phạm.
 
- Thiết kế và phát triển chương trình học tập:
 
+ Thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa... phải đầu tư cùng lúc với phát triển chương trình học tập.
 
+ Các thành tựu của các lĩnh vực khoa học phải đưa vào chương trình dạy học.
 
- Cải tiến công tác quản lý trường học:
 
+ Nâng cao chất lượng làm việc của hiệu trưởng và đề cao sự đoàn kết giữa hiệu trưởng và giáo viên.
 
+ Xây dựng văn hóa trường học.
 
Dưới góc độ triết học và xã hội học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cuối thế kỷ XX, trong xu thế phát triển kinh tế tri thức, giáo dục phải thu hút không chỉ trẻ em mà còn tất cả người lớn vào học tập, đồng thời gia tăng vai trò của giáo dục đại học trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trong xã hội đó, tại gia giáo dục (đưa giáo dục về từng gia đình) là một xu thế, làm thay đổi nền sản xuất hàng hóa, nền văn hóa đại chúng và cả nền giáo dục phổ thông. Tại gia hóa giáo dục gắn bó hữu cơ với thông tin giáo dục, áp dụng rộng rãi các phương pháp học với tự học từ xa trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông mới nhất. Trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, XHHT luôn hướng tới đào tạo con người vừa có trình độ KHKT và tinh thần khoa học vừa có tố chất văn hóa và tinh thần nhân văn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn minh loài người. Cho nên, xây dựng XHHT, về thực chất, là một cuộc cách mạng giáo dục, bởi phải khắc phục mục tiêu đào tạo con người phục vụ kinh tế công nghiệp với những khiếm khuyết đã bộc lộ...
 
Sự thịnh vượng của một quốc gia nói riêng và ở cấp độ toàn cầu nói chung phụ thuộc vào trình độ tri thức và tay nghề của cư dân. Những tri thức cần để vận hành nền kinh tế mới phức tạp hơn nhiều so với nền kinh tế công nghiệp, do vậy, nền giáo dục cho dù chính quy hay không chính quy đều phải cung cấp những kỹ năng để điều hành có hiệu quả nền kinh tế. Trên thực tế, những tiến bộ của công nghệ đang tiếp tục làm thay đổi hình thái, bản chất và tính phức tạp của các tiến trình kinh tế. Tính phức tạp đang gia tăng, buộc lực lượng lao động phải được định hướng thiên về mặt kỹ thuật.
 
Bước sang thế kỷ XXI, xã hội công nghiệp đi dần tới điểm kết thúc, những kỹ năng và năng lực cần cho xã hội ấy đang mất dần ý nghĩa trước đây của nó. Xã hội hậu công nghiệp được thay thế bởi nền kinh tế tri thức, đó là năng lực hành động, là khả năng cho một cái gì đó vận động. Tri thức có giá trị không phải do tính chân lý tuyệt đối, tính khách quan và tính phản ánh đầy đủ hiện thực, mà vì hình thức tri thức là cái của tính chất vĩnh cửu, ở mức độ lớn hơn so với các hình thức khác, tạo ra khả năng mới cho hành động mà các cá nhân, các hãng kinh doanh và các quốc gia làm chủ và sử dụng.
 
Ở nước ta, các nhà khoa học đã nghiên cứu kinh tế tri thức theo một hệ thống chuyên đề và nói chung một luận điểm là phải cải cách giáo dục trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực do nền kinh tế tri thức đặt ra, đó là:
 
- Mục tiêu của cuộc cách mạng giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và khả năng học hỏi không ngừng trong suốt cuộc đời. Hệ thống giáo dục hiện nay không thể thực hiện được mục tiêu này.
 
- Hiện đại hóa hệ thống giáo trình để đào tạo được những kỹ năng cơ bản (nhất là kỹ năng sử dụng máy tính và internet) và khả năng suy nghĩ sáng tạo để thích ứng với yêu cầu của những công việc luôn thay đổi.
 
- Mở rộng và nâng cấp chất lượng mạng lưới dạy và học ngoại ngữ (chú trọng tiếng Anh), coi đây là công cụ cần cho mọi người trong điều kiện hội nhập quốc tế.
 
- Bảo đảm cho mọi người trong công việc tiếp cận và hưởng thụ nền giáo dục cơ sở và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận với giáo dục đại học. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng CSVN lần thứ IX đã nêu luận điểm “công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn; nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển KT-XH, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”. Do vậy, phải xây dựng xã hội học tập, thực hiện học tập suốt đời trong nhân dân, hệ thống giáo dục nước ta phải được cơ cấu lại, đổi mới và hoàn thiện theo tinh thần nghị quyết.

(1). Schon, D.A (1973) là một chính trị gia, một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các lý thuyết và thực hành của học tập chuyên nghiệp trong giáo dục thế kỷ XX.
(2). Jacques Delors, nguyên Chủ tịch Hội đồng châu Âu, 1985-1995. Công trình được Nhà xuất bản UNESCO công bố tháng 4/1996.
(3). Isao Amagi, người Nhật Bản, nhà giáo dục, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản; Chủ tịch Quỹ Nhật Bản về sự trao đổi về giáo dục - BABA...
 
NGƯT NGUYỄN XUÂN NGỌC
Chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Ðồng