Người dân là nội tại giữ và phát triển rừng bền vững (bài 1)

08:11, 28/11/2018

Tỉnh Lâm Ðồng thuộc Nam Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt vì diện tích rừng rất lớn và là đầu nguồn của hệ thống sông Ðồng Nai, sông Mê Kông. Tỉnh có 43 dân tộc anh em sinh sống, với hơn 1,28 triệu người; trong đó, DTTS chiếm hơn 24% và hầu hết cư trú trong rừng, gần rừng. 

[links(right)] Tính đặc thù về văn hóa và định cư sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) rất hiệu quả. Đây cũng là sự hướng đến của Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Quyền tiếp cận và hưởng lợi từ rừng của người dân sẽ tạo niềm tin về chính sách cải thiện sinh kế và bảo vệ tài nguyên rừng trước biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Ở Lâm Đồng, hướng đi tiến bộ trên đã thu hoạch được nhiều kết quả và kinh nghiệm có thể nhất trong cả nước, nhờ đi đầu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Chương trình UN-REDD.   
 
Giao rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ 
 
Tỉnh Lâm Ðồng thuộc Nam Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt vì diện tích rừng rất lớn và là đầu nguồn của hệ thống sông Ðồng Nai, sông Mê Kông. Tỉnh có 43 dân tộc anh em sinh sống, với hơn 1,28 triệu người; trong đó, DTTS chiếm hơn 24% và hầu hết cư trú trong rừng, gần rừng. 
 
Các hộ đồng bào DTTS huyện Đức Trọng tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: M.Đ
Các hộ đồng bào DTTS huyện Đức Trọng tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: M.Đ

Từ giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
 
Ngày 22/11, Phó Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, ông Bon Yo Soan cung cấp, đồng bào DTTS của Lâm Đồng là 70.656 hộ, 314.104 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 24,03% dân số của tỉnh, và hầu hết định cư gần rừng. Trong đó, dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm số lượng lớn nhất, bao gồm dân tộc K’Ho 12%, dân tộc Mạ 2,5%, dân tộc Churu 1,5%,... Vì vậy, tỉnh đã chủ trương giao rừng để đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ (QLBV) và phục hồi; trước hết là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tiến sĩ Phạm S cho chúng tôi biết, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng (BVR) ở Lâm Đồng là 430.780 ha/17.987 hộ; trong đó, đồng bào DTTS 14.037 hộ. Việc giao rừng bảo vệ, phục hồi cho đồng bào DTTS ở Lâm Đồng chủ yếu thông qua triển khai chính sách chi trả DVMTR của Nhà nước và Chương trình UN-REDD do Liên Hợp quốc tài trợ. 
 
Lâm Đồng và tỉnh Sơn La là hai tỉnh đầu tiên được Chính phủ chọn thí điểm chính sách chi trả DVMTR, từ năm 2008. Theo Quỹ BV&PTR ngày 23/11 cung cấp, hàng năm, số hộ dân được khoán BVR khoảng 16.000 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 70%. Riêng năm 2017, có 78% đồng bào DTTS trong tổng 16.114 hộ được khoán BVR. Năm 2018, tại thời điểm ngày 9/11, tổng diện tích có hồ sơ chi trả DVMTR toàn tỉnh (bao gồm chủ rừng nhà nước, chủ rừng ngoài nhà nước và chủ rừng hộ gia đình, cộng đồng) gần 373.841 ha; trong đó, diện tích khoán BVR gần 353.892 ha và diện tích tự QLBV gần 19.949 ha; diện tích thực hiện đạt 98,3% so với kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt. Trong số này, đồng bào DTTS có 12.435 hộ tham gia QLBVR, chiếm hơn 78,2%. Đáng ghi nhận là mô hình khoán BVR cho cộng đồng dân cư thôn (triển khai tại bốn huyện gồm Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh và Bảo Lâm) với 100% là đồng bào người DTTS, gồm 348 hộ, tổng diện tích gần 1.552 ha và họ đã thực hiện đạt tới 99,8% so với kế hoạch phê duyệt. 
 
Với Chương trình UN-REDD (Giảm phát thải từ nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng), Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam (một trong chín quốc gia) được chọn thí điểm triển khai giai đoạn 1. Theo đó, hai huyện Lâm Hà và Di Linh triển khai trong 3 năm (từ tháng 9/2009 đến 9/2012) với 78 cuộc tham vấn cộng đồng, 5.500 người tham gia. Với thành quả này, từ năm 2011-2020, Lâm Đồng tiếp tục là một trong sáu tỉnh của Việt Nam được chọn triển khai giai đoạn 2 Chương trình REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng). Điều phối viên UN-REDD Lâm Đồng, ông Lê Văn Trung cho chúng tôi biết, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 26 thôn và xã triển khai hành động REDD+ cấp cơ sở (SiRAP), tổng số dân tham gia 55.065 người; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 57%; tổng diện tích rừng được khoán bảo vệ gần 63.796 ha và 315 ha rừng trồng mới. Từ năm 2016 đến nay, có 3 SiRAP thuộc ba Ban quản lý rừng là Lán Tranh, Nam Ban và Tân Thượng đồng thời được thụ hưởng từ chia sẻ lợi ích (gồm 19 xã, 142.875 người dân; trong đó, 31% đồng bào DTTS; tổng diện tích rừng khoán bảo vệ 8.100 ha và 150 ha rừng trồng mới). 
 
Ðến nhiều tác động tích cực mang lại
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S khẳng định với chúng tôi về hiệu quả thông qua giao khoán BVR cho người dân có năm tác động lớn. Đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng, họ thấy được trách nhiệm QLBVR, trách nhiệm với xã hội. Thứ hai, đạt được mục tiêu về đa dạng sinh học. “Lâm Đồng là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao và nhiều mô hình hay được các tổ chức quốc tế ghi nhận, chia sẻ tại các hội thảo khoa học trong nước cũng như quốc tế để nhân rộng ra tại Việt Nam và các quốc gia khác. Ví dụ như khai thác các cây dược liệu quý; gắn sinh kế để tạo cảnh quan môi trường, từ đó phát triển du lịch cộng đồng; lồng ghép triển khai các chương trình, dự án như REDD+, phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh.v.v…”, ông Phạm S nhấn mạnh. Thông qua QLBVR còn gắn được mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc gốc Tây Nguyên và các dân tộc từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Nhờ vậy, an ninh trật tự tốt, giao thông nông thôn phát triển và không xảy ra tranh chấp lớn. Bản thân giao khoán BVR là môi trường sản xuất phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào DTTS. Tiến sĩ Phạm S cho rằng: “Đã là đồng bào DTTS là sống gần rừng, nếu chúng ta cách li họ, không giao khoán rừng cho họ thì họ sẽ đi đâu. Cái gì phù hợp với mặt sinh học, mặt bản năng thì tiếp tục phát huy”. Và cuối cùng, giao khoán BVR cho các hộ DTTS đã góp phần thu nhập bằng nhiều hình thức, trong đó lợi dụng sinh thái rừng để trồng một số cây phù hợp mà vẫn đảm bảo được độ che phủ rừng; thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR;…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống nhanh hơn so với các tỉnh Tây Nguyên.
 
Để chứng minh những đánh giá trên của ông Phạm S, chúng tôi dẫn một số số liệu. Độ che phủ rừng năm 2014 của Lâm Đồng đạt tỉ lệ 52,5%; năm 2016 tăng 53,1%; năm 2017 tăng 53,6%. Ngày 23/11/2018, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Huy cho biết: Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018 và so cùng kỳ năm 2017, Lâm Đồng đã giảm cả ba tiêu chí: số vụ vi phạm (13%); diện tích thiệt hại do phá rừng (29%) và lâm sản thiệt hại (6%). Toàn tỉnh đã trồng được 435.370 ha rừng, đạt hơn 77% so kế hoạch. Vì vậy tỉ lệ che phủ rừng 2018 sẽ đạt 54% như mục tiêu và tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong các tỉnh Tây Nguyên. 
 
Những số liệu trên cho thấy, cam kết giữ được rừng của ông Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” đang có tính thuyết phục và cần được khích lệ.
 
Sự đa dạng về các loài thực vật, động vật hoang dã ở tỉnh Lâm Đồng rất cao, đóng góp tỷ lệ lớn trong danh lục của cả nước. Các hệ sinh thái trên cạn đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm; trong đó, 131 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; 45 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN 2012 và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Đã ghi nhận 85 loài thú; 686 loài côn trùng; 301 loài chim; 102 loài bò sát - lưỡng cư; 111 loài cá thuộc 20 họ; trong đó rất nhiều loài quý hiếm, hạn chế khai thác thương mại...
 
Về thu nhập thông qua BVR, chỉ tính chính sách chi trả DVMTR, tổng số tiền đã chi trả cho các hộ dân từ năm 2011-2018 là trên 1.213 tỷ đồng; trong đó, khoảng 2/3 chi cho đồng bào DTTS. Riêng năm 2017, tổng chi hơn 185 tỷ đồng và năm 2018 ước chi khoảng 238 tỷ đồng; trong đó 78% thuộc về đồng bào DTTS. Với mức chi trả 500.000 đồng và 600.000 đồng/ha/năm, diện tích khoán bình quân từ 25-30 ha/hộ, mỗi hộ nhận BVR đã có thêm thu nhập bình quân 14,6 triệu đồng/năm/hộ, chiếm khoảng 14,8% tổng thu nhập của gia đình trong năm. Khoản tiền này họ sử dụng chủ yếu các việc như chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình; chi phí học hành cho con cái; mua phân bón, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi phục vụ công tác tuần tra BVR... 
 
Cung cấp cây giống cho đồng bào DTTS huyện Đạ Tẻh trồng rừng xen canh. Ảnh: M.Đ
Cung cấp cây giống cho đồng bào DTTS huyện Đạ Tẻh trồng rừng xen canh. Ảnh: M.Đ

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lâm Đồng Ngô Hữu Hay, đầu năm 2016, tỉnh Lâm Đồng có 6,67% hộ nghèo và 5,12% hộ cận nghèo; tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn mặt bằng chung của cả nước và thấp nhất trong các tỉnh Tây Nguyên. Đầu năm 2016, đồng bào DTTS Lâm Đồng có 12.479 hộ nghèo (tỉ lệ 19,10% so với tổng số hộ đồng bào DTTS), cuối năm 2017 giảm còn 8.027 hộ, bằng 11,56%; và năm 2018 tiếp tục giảm.
 
Một minh chứng cụ thể hơn. Lâm Đồng có huyện Đam Rông là địa bàn khó khăn, phức tạp về quản lý, BVR vì rừng giáp ranh nhiều huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn; 74,4% dân số là đồng bào DTTS và đang xếp huyện nghèo của cả nước. Đam Rông có 85.800 ha đất tự nhiên; trong đó, có rừng hơn 55.350 ha (rừng tự nhiên gần 49.372 ha, rừng trồng hơn 7.104 ha). Mức độ thực hiện theo kế hoạch diện tích cung ứng dịch vụ chi trả môi trường rừng đạt từ 96,9% đến 100%. Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, ông Liêng Hót Ha Hai cho biết, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên của huyện có 8.311 hộ với 37.740 nhân khẩu; trong đó, có 2.062 hộ được nhận khoán BVR với hơn 38.555 ha. Ông Ha Hai khẳng định: Việc giao khoán BVR đã giúp các hộ đồng bào tăng khá về thu nhập, họ thấy rõ lợi ích từ rừng mang lại. Từ đó đã nâng cao ý thức và hiệu quả BVR trong cộng đồng, nhất là bà con ở xen trong rừng và đất lâm nghiệp. Tiến độ giảm nghèo rất nhanh (cuối năm 2016 là 38,21%; cuối năm 2017 là 21,47% và 2018 còn 19,9%).  

Bài 2: Trân trọng những điểm sáng giữ rừng
 
MINH ÐẠO