Ðổi mới, trách nhiệm

08:04, 17/04/2019

Với tinh thần "Ðoàn kết, đổi mới, sâu sát, trách nhiệm", 5 năm qua (2014 - 2019), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cát Tiên đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, xây dựng Cát Tiên ngày càng phát triển bền vững...

Với tinh thần “Ðoàn kết, đổi mới, sâu sát, trách nhiệm”, 5 năm qua (2014 - 2019), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện Cát Tiên đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, xây dựng Cát Tiên ngày càng phát triển bền vững. Phóng viên Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn ông Dương Hùng Cường - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Cát Tiên.
 
Đại hội đại biểu MTTQ cấp xã, thị trấn trong huyện Cát Tiên đã được tổ chức chu đáo, thành công. Ảnh: N.Thu
Đại hội đại biểu MTTQ cấp xã, thị trấn trong huyện Cát Tiên đã được tổ chức chu đáo, thành công. Ảnh: N.Thu
 
PV: Thưa ông, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng còn nhiều khó khăn, thách thức; song 5 năm qua, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, củng cố phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, UBMTTQVN huyện đã gặt hái những thành tựu cơ bản nào?
 
Ông Dương Hùng Cường - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Cát Tiên: Trong 5 năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Đến hết năm 2018, toàn huyện có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, phát huy; Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, đồng thuận với các chủ trương, định hướng phát triển của địa phương.
 
Trong 5 năm qua, tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân trong huyện cơ bản ổn định; Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết; tin tưởng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thuận trong các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương. Đồng thời, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương và của Mặt trận Tổ quốc.
 
Nhân dân quan tâm nhiều và hưởng ứng tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cũng như công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức và tinh gọn bộ máy; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; hưởng ứng tích cực việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo luôn được MTTQVN các cấp trên địa bàn và các tổ chức thành viên chủ động thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, qui định mới của Đảng, Nhà nước; đồng thời duy trì thường xuyên công tác vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
 
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được tổ chức triển khai sâu rộng. Nội dung và hình thức vận động sáng tạo, sát với đặc điểm khu dân cư, góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động nguồn lực và tinh thần tự quản của Nhân dân để xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh ở địa phương. Thông qua cuộc vận động đã có nhiều mô hình mới được xây dựng và nhân rộng. Hàng năm, Quỹ “Vì người nghèo” của MTTQ được phát động đến các tầng lớp nhân dân, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả trong 5 năm qua đã vận động được 4.160 triệu đồng, trong đó thu tại địa bàn hơn 1.294 triệu đồng đã đóng góp tích cực vào chương trình an sinh xã hội ở địa phương.
 
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục triển khai sâu rộng. MTTQVN các cấp đã phối hợp tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Mặt khác, phối hợp với UBND huyện, các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Cuộc vận động đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò doanh nhân Việt Nam, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, văn hóa tiêu dùng trong Nhân dân.
 
Công tác giám sát và phản biện xã hội được Ủy ban MTTQVN từ huyện đến cơ sở và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện đi vào nề nếp. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức 138 cuộc giám sát, nội dung giám sát được lựa chọn từ những vấn đề Nhân dân quan tâm, được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể, đã tổ chức các hội nghị phản biện các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp xã và huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm và một số dự thảo nghị quyết, kế hoạch chuyên đề của các cấp ủy và chính quyền. UBMTTQVN huyện tham gia cùng với Thường trực HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan liên quan để thực hiện việc kiểm tra, giám sát chương trình đề ra. Công tác phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo kịp thời, đúng quy định, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp kéo dài.
 
Bộ máy chuyên trách của cơ quan UBMTTQVN được xây dựng theo hướng ngày càng tinh gọn và hiệu quả. Ban Thường trực UBMTTQVN từng cấp cơ bản đảm bảo về số lượng, từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa về chuyên môn, có tâm huyết với công việc. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã cơ bản phát huy tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ. 
 
PV: Bên cạnh những thành tựu đạt được, UBMTTQVN huyện khóa VII cũng xác định còn nhiều tồn tại, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới là gì, thưa ông?
 
Ông Dương Hùng Cường - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Cát Tiên: Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, tập thể Ban Thường trực UBMTTQ huyện cũng như cả hệ thống từ huyện đến cơ sở đã thẳng thắn nhìn nhận về nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN từ huyện đến cơ sở đôi lúc, đôi nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu. Phương thức phối hợp thống nhất hành động ở một số tổ chức thành viên chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số kiến nghị, đề xuất của Nhân dân với Đảng, chính quyền chưa được MTTQVN các cấp tham mưu giải quyết kịp thời. Trong đó, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém do một số cấp ủy đảng chưa quan tâm toàn diện đến công tác Mặt trận, nhất là những nhiệm vụ mới. Một số cán bộ Mặt trận chưa quán triệt sâu sắc quan điểm và chủ trương của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ; trình độ, năng lực và tính năng động, sáng tạo còn hạn chế, do đó ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 
Từ nhận định trên, chúng tôi đã rút ra được bốn bài học kinh nghiệm sâu sắc: 
 
Một là: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công của công tác Mặt trận. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, những người làm công tác Mặt trận cần phải thấu suốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò của Mặt trận thì mới cùng làm, cùng chịu trách nhiệm và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn công tác. 
 
Hai là: Mọi hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Mặt trận phải thật sự phát huy vai trò là người đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
Ba là: Tiếp tục phát huy vị trí, vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ, sự phối hợp thống nhất hành động của các thành viên bằng những nhiệm vụ, phần việc cụ thể. Lấy kết quả để làm cơ sở đánh giá vai trò của các tổ chức thành viên. 
 
Bốn là: Không ngừng nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ Mặt trận, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu Ủy ban Mặt trận các cấp. Phát huy vai trò Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
 
Với tinh thần “Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ, sâu sát cơ sở, xây dựng huyện Cát Tiên phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu MTTQVN huyện Cát Tiên khóa mới xác định mục tiêu, nhiệm vụ và Chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 - 2024 đó là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng huyện Cát Tiên phát triển bền vững.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Một số kết quả trong nhiệm kỳ 2014 - 2019
 
* Trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQVN các cấp từ Trung ương đến huyện khen thưởng 96 tập thể, 81 cá nhân; công nhận 5 mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tôn vinh 91 nhân tố điển hình, gương người tốt, việc tốt.
 
* Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức 138 cuộc giám sát, nội dung giám sát được lựa chọn từ những vấn đề Nhân dân quan tâm, được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các lĩnh vực được giám sát, gồm: An toàn thực phẩm; chế độ chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách đối với người có công; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại các trường mầm non; rà soát hộ nghèo và cận nghèo; đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; công tác huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn… nhận được sự đồng tình trong Nhân dân.
 
* Tổ chức 20 hội nghị tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội với 1.128 lượt cử tri tham dự và 150 ý kiến phát biểu; 20 hội nghị tiếp xúc với Đại biểu HĐND tỉnh với 2.711 lượt cử tri tham dự và 526 ý kiến tham gia; 220 hội nghị tiếp xúc với Đại biểu HĐND huyện với 7.166 lượt cử tri tham dự và 1.187 ý kiến tham gia. Ý kiến phát biểu của cử tri và Nhân dân tập trung các lĩnh vực như: giao thông, thủy lợi, an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường, chế độ chính sách, vật tư nông nghiệp và một số lĩnh vực khác…
 
HÀ NGUYỆT 
 
NGUYỆT THU (Thực hiện)