Những người "canh" nắng gió giữa trùng khơi

02:04, 16/04/2019

Thời còn học sinh tôi cứ nhớ mãi tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long khi viết về công việc của người làm khí tượng, ngày đêm thầm lặng để cống hiến cho đất nước. Ðể rồi hôm nay, vượt trùng dương đến với vạn lý Trường Sa, cái cảm xúc ấy lại một lần nữa ùa về…

Thời còn học sinh tôi cứ nhớ mãi tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long khi viết về công việc của người làm khí tượng, ngày đêm thầm lặng để cống hiến cho đất nước. Ðể rồi hôm nay, vượt trùng dương đến với vạn lý Trường Sa, cái cảm xúc ấy lại một lần nữa ùa về…
 
Thực hiện lấy thông số về nhiệt độ và độ ẩm không khí ở Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa. Ảnh: Đ.Tú
Thực hiện lấy thông số về nhiệt độ và độ ẩm không khí ở Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa. Ảnh: Đ.Tú
 
Biển cả bao la, để nắng mưa không còn là chuyện của trời, mà phải có tính dự đoán, dự báo để tàu thuyền, con người chủ động ứng phó trước thiên nhiên trong không gian sinh tồn nơi biển dã. Trách nhiệm đó được những con người không quản ngày đêm làm công tác khí tượng - hải văn nơi Trường Sa thân yêu. 
 
Anh Hoàng Văn Xuân (1978) quê ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã 3 đợt tình nguyện làm công tác khí tượng - hải văn tại Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa (Trạm). Anh tâm sự từ đáy lòng rằng: Mỗi chuyến công tác tại biển, đảo khi trở về nhà là nhớ biển ngay. Cái cảm giác lâng lâng của sóng gió lại trào về, nằm nhà lại không yên, lại muốn tiếp tục vượt sóng gió ra với ngàn khơi. Vậy là đi tiếp, đi tiếp để “canh” nắng, canh “gió”, “đo” nước trời… cho quần đảo thân thương.
Tác giả Nguyễn Thành Long trong “Lặng lẽ Sa Pa” đã mô tả sâu sắc công việc “bắt mạch” trời đất khi để nhân vật nghĩ về tình cảm nghề nghiệp đó là: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được”; nên “Công việc của cháu gian khổ thế đấy nhưng cắt bỏ nó đi thì cháu buồn đến chết mất” và rằng “Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”. 
 
Ở đó là Sa Pa, nơi mù sương tuyết của đất nước, còn giữa ngàn khơi muôn trùng sóng gió, bão táp Trường Sa cũng làm công việc ấy, chắc hẳn anh Xuân cũng có cùng suy nghĩ về nghiệp như nhân vật “Lặng lẽ Sa Pa” kia. Anh Xuân bảo: Cái nghề này gắn chặt với mình rồi, về nằm nhà vài ngày là nhớ ngay. Nhớ công việc, nhớ biển, nhớ đồng nghiệp, nhớ quân và dân trên đảo nhỏ thân thương.
 
Theo anh em làm công tác khí tượng, hải văn trên đảo Trường Sa phân tích: Công việc của anh em ở đây cơ bản giống đất liền về phần khí tượng, điểm khác biệt chính là hải văn, nghĩa là đo sóng biển, thủy triều, nước dâng, dòng chảy lớp mặt biển và một số yếu tố và hiện tượng hải văn khác. Nói về những khó khăn của công việc, anh Nguyễn Sao Trương (SN 1993) cho biết rằng, lúc xảy ra những cơn bão là lúc anh em Trạm phải làm việc cao độ, đối mặt với nguy hiểm vì giữa bão tố mình phải theo dõi 24/24 rồi 30 phút phải điện báo tình hình thời tiết một lần. Tôi mường tượng nhớ lại anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” phải dậy lúc 1 giờ đêm, khi bên ngoài rét đến lúc vào lại không ngủ được, anh tường trình lại: “Cái lặng im lúc đó thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”. Đó là Sa Pa được bao bọc trong đất liền, còn ở giữa biển cả thì những cơn bão không có gì có thể cản lại sức mạnh của nó, sức mạnh của thiên nhiên, ấy vậy và hình ảnh một người phải trực đêm để theo dõi bão thì cũng đủ hiểu sự khắc nghiệt của công việc này giữa trùng khơi biển dã.
 
Anh Trương khẳng định, sức mạnh tuổi trẻ của mình bằng tinh thần và trách nhiệm, làm việc tận tụy, cống hiến một phần nhỏ bé cho Trường Sa, cho quân và dân trên đảo. Sau mỗi cơn bão hay những đợt thời tiết cực đoan mà thấy đảo nhỏ bình yên và những tàu thuyền ngư dân đánh bắt trên vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc an toàn là niềm vui sướng, cảm giác hạnh phúc không chỉ riêng anh mà tất thảy anh em ở Trạm. 
 
Khó khăn về công việc, đối mặt với nguy hiểm đến từ thiên nhiên nhưng những thành viên của Trạm đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời cập nhật thông tin khí tượng - hải văn để phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu cũng như sản xuất của người dân. Có thể nói rằng, những người làm công tác khí tượng - hải văn ở Trường Sa là những con người lặng lẽ. Nhưng sự lặng lẽ của họ sẽ là những thông tin vô cùng quý báu đến với quân và dân trên những bản tin dự báo thời tiết phục vụ việc quân, việc nước và ngành hải sản của quê hương. 
 
ÐỨC TÚ