Thầy cô giúp nhau tự học tiếng Anh

08:04, 19/04/2019

Cứ đều đặn 2 tiếng mỗi tuần, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Ðan Phượng 2 (xã Ðan Phượng, huyện Lâm Hà) lại cùng giúp nhau bổ sung kiến thức ngoại ngữ bởi một lý do đơn giản: Ðể hiểu học sinh của mình đang học những gì.

Cứ đều đặn 2 tiếng mỗi tuần, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Ðan Phượng 2 (xã Ðan Phượng, huyện Lâm Hà) lại cùng giúp nhau bổ sung kiến thức ngoại ngữ bởi một lý do đơn giản: Ðể hiểu học sinh của mình đang học những gì.
 
Thầy Nguyễn Văn Thịnh (bìa phải) hướng dẫn các thầy cô thực hành giao tiếp
Thầy Nguyễn Văn Thịnh (bìa phải) hướng dẫn các thầy cô thực hành giao tiếp
 
Lớp học bắt đầu từ đầu năm học 2018 - 2019. Đứng trên bục giảng trong lớp học đặc biệt này là thầy Nguyễn Văn Thịnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Theo thầy Thịnh, đây chỉ tạm gọi là lớp học thôi chứ thực chất không có giáo viên và cũng chẳng có học sinh. Các thầy cô cùng sinh hoạt, trao đổi chuyên môn và bổ sung kiến thức tiếng Anh cơ bản, để hiểu học sinh của mình đang học những gì.
 
“Những ngày đầu mọi người cứ dè dặt, không ai dám phát biểu vì ngại ngùng. Nhưng bây giờ thì đây là giây phút được mong chờ nhất mỗi tuần, ai cũng vui vẻ, đôi lúc còn giúp vơi đi những mệt nhọc trong công tác và cuộc sống”, thầy Nguyễn Văn Lượng (giáo viên Lịch sử, Địa lý) chia sẻ. 
 
Tại Trường Tiểu học Đan Phượng 2, thầy Lượng hiện là giáo viên lớn tuổi nhất. Thầy Lượng kể về những thiệt thòi của thế hệ mình bởi những ngày đầu sau giải phóng, để tìm kiếm một giáo viên dạy ngoại ngữ không phải là điều dễ dàng. Rồi thầy cũng tự học bằng cách đọc sách báo, tiếp xúc với người nước ngoài… nhưng lại yếu về tự vựng, phát âm sai. Vậy nên ngay khi có chủ trương mở lớp học để các thầy cô giúp nhau tự học tiếng Anh, thầy Lượng bỏ qua những ngại ngùng về tuổi tác mà mạnh dạn tham gia. “Mình ở tuổi này rồi, học được đến đâu thì học, thậm chí học đi học lại cũng được. Nhưng học cái nào phải chắc cái đó, để thành thói quen, có thể giao tiếp căn bản. Về sau gặp người nước ngoài hay có cơ hội đi du lịch thì chí ít cũng biết nói vài câu hỏi đường, nhờ giúp đỡ cũng dễ dàng hơn”, thầy Lượng tâm sự.
 
Cứ thế mỗi buổi học, các thầy cô được rèn luyện cách phát âm, khả năng giao tiếp, bổ sung thêm vốn từ mới... Bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như: What’s your name? Where are you from? What’s your job?... Có người ấp úng, có người nhanh nhảu và điều quan trọng là mỗi giờ học luôn tràn ngập tiếng cười. Tiếng cười nói vô tư như xóa tan khoảng cách về tuổi tác, trình độ. Như cô Phan Thị Thiệp, kế toán đã về hưu, hằng tuần cũng đều đặn trở lại trường tham gia lớp học cũng để tìm lại niềm vui bên những người đồng nghiệp cũ.
 
Trong lớp học, ngoài thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Thịnh là người dạy chính thì còn có thêm 2 giáo viên tiếng Anh của trường hỗ trợ. Theo thầy Thịnh, đây là dự định mà thầy đã ấp ủ từ lâu nhưng đến nay mới có dịp để triển khai. Thầy Thịnh chia sẻ: “Chương trình rất cần thiết nhưng ở trường, ngoài giáo viên chuyên ngành thì còn lại các thầy cô hầu như không có thói quen và kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Trong trường hợp dự giờ thì thầy cô cũng chỉ nhận xét về phương pháp dạy chứ xét về nội dung thì không nhiều người có thể để đưa ra đánh giá chuẩn xác”.
 
 “Mình bắt đầu từ những thứ đơn giản, như câu chào hỏi nhau hằng ngày trong cuộc sống. Mọi người sẽ cảm thấy hữu ích hơn khi ở nhà có thể kèm con cái học, rèn luyện giao tiếp với chúng. Hay như ở trường, học sinh biết các thầy cô đang học thêm tiếng Anh, mỗi lần lên lớp hay tan trường đều nói “hello teacher, goodbye teacher”, nghe vậy thôi chúng tôi có động lực để tiếp tục cố gắng”, thầy Thịnh cho biết thêm.
 
Bà Đoàn Ánh Hương - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Lâm Hà cho biết, theo yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học thì phải có hiểu biết về ngoại ngữ, tuy nhiên do môi trường công việc không thường xuyên sử dụng nên không có cơ hội để giáo viên áp dụng vào thực tiễn. 
 
“Mô hình này rất hay và Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ có chủ trương nhân rộng trong thời gian tới. Nguyện vọng của thầy cô là tự bồi dưỡng học tập để phần nào đó nâng cao kiến thức của bản thân. Đây cũng là điển hình trong Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Vượt qua khó khăn về mặt thời gian, tuổi tác, chúng tôi rất trân trọng tinh thầy tự học, ham học hỏi của các thầy cô” - bà Hương nhận xét.
 
Tất cả thầy cô quan niệm mỗi giờ học là những phút giây sẻ chia cùng nhau, cùng nhau tự hoàn thiện, bổ sung kiến thức. Giáo trình cũng là những bài giảng tự soạn, được sưu tầm trên internet, bám sát chương trình tiếng Anh ở bậc tiểu học. Không có đánh giá thi đua nên ai cũng cởi mở, người biết giúp người chưa biết sửa sai, giúp nhau cùng tiến bộ.
 
HỒNG THẮM