Ðại học Ðà Lạt đào tạo ngành giáo dục tiểu học chuẩn CDIO

07:06, 11/06/2019

Lần đầu tiên, ở Lâm Ðồng chính thức đào tạo ngành giáo dục tiểu học (GDTH) trình độ cử nhân, hệ chính quy mà không theo hình thức liên kết. Ðó là kỳ tuyển sinh năm 2019 tại Trường Ðại học Ðà Lạt (ÐHÐL), phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục - Ðào tạo (GD&ÐT) về việc đầu tư, củng cố...

Lần đầu tiên, ở Lâm Ðồng chính thức đào tạo ngành giáo dục tiểu học (GDTH) trình độ cử nhân, hệ chính quy mà không theo hình thức liên kết. Ðó là kỳ tuyển sinh năm 2019 tại Trường Ðại học Ðà Lạt (ÐHÐL), phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục - Ðào tạo (GD&ÐT) về việc đầu tư, củng cố và phát triển Khoa Sư phạm Trường ÐHÐL tại Thông báo số 813/TB-BGDÐT, ngày 27/10/2017 và Nghị quyết số 13/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Ðồng về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo Lâm Ðồng, ngày 18/5/2018.
 
Hội thảo khoa học hoàn thiện chương trình giáo dục tiểu học tại Đại học Đà Lạt. Ảnh: M.Đ
Hội thảo khoa học hoàn thiện chương trình giáo dục tiểu học tại Đại học Đà Lạt. Ảnh: M.Đ
 
PGS, TS Phù Chí Hòa, Trưởng Khoa Sư phạm (ĐHĐL) vừa cho tôi biết một tin vui, đó là số lượng thí sinh đăng ký vào ngành GDTH năm học 2019-2020 của nhà trường có tỷ lệ 1 chọi 10, cao nhất trong các ngành đào tạo. Nhiều năm trước, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, ĐHĐL đã mở ngành GDTH hệ vừa học vừa làm như là giải pháp tình thế, từ năm nay, ngành này được đào tạo theo chuẩn đầu ra CDIO. CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), có nghĩa là hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. 
 
Để hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo này, ĐHĐL vừa tổ chức thành công hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân, bao gồm lãnh đạo ĐHĐL, lãnh đạo Sở GD&ĐT Lâm Đồng, CĐSP Đà Lạt, Phòng GD&ĐT, các phòng, khoa chuyên môn của ĐHĐL và Sở GD&ĐT Lâm Đồng, hiệu trưởng và giáo viên tiêu biểu các trường tiểu học... PGS, TS Phù Chí Hòa đã đưa đến hội thảo những cơ sở khoa học để xây dựng chương trình, tổng quan chương trình, nêu bật những nét chính về mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình và giới thiệu chương trình GDTH mới nằm trong chương trình giáo dục tổng thể. ThS. Nguyễn Hữu Tân (Trưởng Khoa Công tác Xã hội, ĐHĐL) báo cáo tóm tắt chi tiết dự thảo xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành GDTH của Trường và những nét đặc sắc của chương trình. Trên cơ sở đó, Hội thảo thảo luận về cấu trúc chương trình, cấu trúc môn học, phân bổ thời gian, các mô tả môn học, kinh nghiệm quản lý và dạy học tiểu học với nhiều ý kiến tham luận, những đề xuất giá trị của các đại biểu là nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý.
 
Chương trình giáo dục đại học ngành GDTH của ÐHÐL được xây dựng trên cơ sở tham khảo khung chương trình chuyên ngành GDTH, chương trình của các trường ÐHSP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế và ÐH Vinh,... Ban biên soạn cũng tham khảo những nét đặc sắc từ các chương trình của Singapore, Hoa Kỳ, Canada, và quan tâm đặc biệt đến chương trình GDTH mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ÐT công bố tháng 12/2018. 
 
Chương trình bao gồm 130 tín chỉ, chia làm hai khối: Khối kiến thức đại cương dành cho các ngành đào tạo trình độ ĐH, gồm các học phần khoa học lí luận chính trị, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, khoa học tự nhiên và xã hội. Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp gồm các học phần kiến thức cơ sở, kiến thức ngành và kiến thức bổ trợ. Trong đó, có các học phần cơ bản về giáo dục học, tâm lý học, phương pháp nghiên cứu trong giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục. Sinh viên tiếp nhận và rèn luyện kỹ năng qua các phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, quản lý trường lớp, ứng dụng công nghệ, kỹ năng giao tiếp. Sinh viên sẽ trưởng thành vững vàng qua các đợt thực tập thực tế, các học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và thực hiện khóa luận. Trong khối kiến thức và kĩ năng chuyên ngành, có những học phần mở, tự chọn, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cập nhật kiến thức, phát triển nghề nghiệp và kĩ năng chuyên môn, có thể trở thành các chuyên gia giáo dục sau khi ra trường hoặc học tiếp lên các trình độ cao hơn. 
 
Chương trình GDTH này cũng dành nhiều sự quan tâm cho các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm với các đợt thực tập trải nghiệm trường học, thực tập trợ giảng, thực tập dạy học là các học phần thực tập thực tế ở trường tiểu học. Từ việc được trải nghiệm và thực hành nghề thường xuyên nên sau khi ra trường sinh viên sẽ tiếp cận và thích ứng nhanh với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học. Có thể ghi nhận được, đây là một chương trình đào tạo đảm bảo tính khoa học, hiện đại, chú trọng thực hành, có tính linh hoạt, luôn cập nhật nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát triển năng lực nghề nghiệp, nâng cao khả năng sáng tạo và làm việc chất lượng sau khi tốt nghiệp.
 
Theo lãnh đạo ĐHĐL, từ năm học 2019-2020, ĐHĐL sẽ tuyển sinh khóa 1, đối tượng tuyển sinh thực hiện theo quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT và nhà trường. Theo đó, quy trình đào tạo, thang điểm và điều kiện tốt nghiệp cũng thực hiện theo qui định về đào tạo ĐH, CĐ theo học chế tín chỉ của Trường ĐHĐL. Sau 4 năm đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành GDTH bao gồm 12 chuẩn, trong đó 5 chuẩn đầu ra đầu tiên ứng với giáo dục đại cương và 7 chuẩn đầu ra còn lại ứng với giáo dục chuyên nghiệp. Một cách tổng quát, sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo ngành GDTH sẽ thể hiện được các năng lực mô tả trong các chuẩn đầu ra bao gồm: Phẩm chất chính trị và đạo đức; Hiểu biết cơ bản về khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; Giao tiếp và làm việc hiệu quả trong các nhóm chuyên môn và đa ngành; Kỹ năng sử dụng tiếng Anh ở trình độ bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; Có khả năng sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng vào các công việc giao tiếp, tìm kiếm thông tin, soạn thảo văn bản, tính toán, trình bày và hỗ trợ chuyên môn. Đối với chuẩn đầu ra giáo dục chuyên nghiệp: Năng lực tìm hiểu người học và môi trường giáo dục; Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực giao tiếp; Năng lực đánh giá học sinh; Năng lực nghiên cứu khoa học; Đạo đức nghề nghiệp. 
 
MINH ÐẠO