Vượt khó để nuôi dạy trẻ ở Đưng K'Nớ

06:09, 27/09/2019

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác giáo dục nhưng các cô giáo ở Trường Mầm non Đưng K'Nớ (Lạc Dương) vẫn luôn tận tâm, tận lực để học trò vùng sâu, vùng xa có được "mỗi ngày đến trường là một niềm vui".

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác giáo dục nhưng các cô giáo ở Trường Mầm non Đưng K’Nớ (Lạc Dương) vẫn luôn tận tâm, tận lực để học trò vùng sâu, vùng xa có được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
 
Giáo viên cùng nhân viên vận chuyển thức ăn cho con trẻ vì không có bếp ăn tập trung. Ảnh: Đ.Tú
Giáo viên cùng nhân viên vận chuyển thức ăn cho con trẻ vì không có bếp ăn tập trung. Ảnh: Đ.Tú
 
Đưng K’Nớ mùa này mưa rừng quyện khí núi. Hai bên đường một số địa điểm vẫn còn nguy cơ sạt lở, bùn đất vẫn còn nhão nhoẹt trên đường vào trường. Trường Mầm non Đưng K’Nớ có 4 điểm: điểm Lán Tranh (thôn Lán Tranh), điểm Đưng Trang (thôn Đưng Trang), điểm Trường cũ, điểm Trường chính (Thôn 2). Chính sự phân tán của các điểm trường dẫn đến công tác giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.
 
Tại điểm Trường cũ, tôi gặp cô giáo Cill Múp GLiêm (sinh năm 1994); vượt hơn 10 km đường đang sạt lở để từ điểm Đưng Trang ra trung tâm của xã để cùng các giáo viên khác thực hiện việc kiểm tra về chiều cao và cân nặng của trẻ. Tại điểm Đưng Trang, cô giáo Cill Múp GLiêm vừa đứng lớp và kiêm luôn nấu ăn cho trẻ. Bằng tình yêu trẻ, cô xung phong vào điểm trường khó khăn nhất của xã để làm công tác giáo dục, nuôi dạy thế hệ mầm non.
 
Theo cô kể, bà con ở thôn Đưng Trang đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên sự quan tâm, đầu tư cho con trẻ còn hạn chế.
 
Nhiều năm trước, có những con em của gia đình khó khăn, không có tiền để cho trẻ bán trú nên phải tự mang cơm đi. Đến bữa cơm, trẻ đưa cơm ra ăn thì chỉ là cơm trắng, giáo viên nhìn vậy rưng rưng nước mắt, rồi tự động san sẻ phần thức ăn của mình cho trẻ.
 
Bước vào năm học mới, cô Cill Múp GLiêm đi đến từng nhà để vận động trẻ đến trường, làm công tác tuyên truyền cho phụ huynh rằng gia đình nhất định phải cho con đi học, không mang theo con cái đi làm nương rẫy. Vì nếu con em theo cha mẹ lên rẫy thì vừa ảnh hưởng đến học tập, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vì căn bản các em tuổi còn quá nhỏ nếu lên nương thì cũng không làm việc gì và phải đối mặt với sương rừng, khí núi, muỗi vắt... Với mục đích cải thiện bữa ăn cho con trẻ vùng khó, cô giáo Cill Múp GLiêm tận dụng mảnh vườn nhỏ để trồng rau xanh, đi vận động phụ huynh ủng hộ thêm thức ăn để con em mình có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, no ấm trong những ngày mưa bão.
 
Hiện nay, toàn Trường Mầm non xã Đưng K’Nớ có 219 trẻ, với 7 lớp học và 21 giáo viên, cán bộ, nhân viên. Chị Trần Thị Kim Tuyến quê ở Hà Tĩnh, lập gia đình với người địa phương Đưng K’Nớ, đã 4 năm nay chị làm nhiệm vụ lo từng bữa ăn cho con trẻ ở hai điểm Trường cũ và Trường chính. Theo chị thì điều khó khăn nhất khi lo bữa cơm cho trẻ chính là việc giá cả tăng vì phải vận chuyển đường xa, mặt khác bếp ăn của hai điểm trường đặt ở Điểm trường cũ nên sau khi nấu nướng, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải cùng nhau đẩy xe thức ăn đi đến điểm Trường chính. Theo chị Tuyến, khi trời nắng non còn dễ vận chuyển, hễ mưa gió là các cô phải phủ bạt, áo mưa lên xe để nước mưa không rơi vào thức ăn, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm cho con trẻ.
 
Cô giáo Cil Múp Brỡn đã công tác tại trường hơn 8 năm nay, là người ở thị trấn Lạc Dương nên cô phải ở lại nhà công vụ của giáo viên để giảng dạy vì việc đi lại rất khó khăn. Theo cô Cil Múp Brỡn, đa số giáo viên ở đây là người địa phương khác đến công tác tại Đưng K’Nớ nên phải ở lại nhà công vụ. Nhưng với 4 phòng ở đã xuống cấp, nằm chênh vênh bên núi nên nguy cơ sạt lở rất cao. Đợt mưa lũ vừa rồi, bùn đất đã “trườn” từ trên núi xuống vào phòng ở chừng ngang đầu gối. Các giáo viên cùng nhân viên, dân quân tự vệ phải lao động liên tục trong cả tuần để chuyển lượng bùn ra khỏi phòng ở.
 
Dù vậy, theo cô Cil Múp Brỡn, bằng tình yêu trẻ và cái duyên với giáo dục mầm non nên các cô luôn cố gắng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều giáo viên tâm sự rằng vì cung đường để vào xã Đưng K’Nớ hay xảy ra sạt lở vào mùa mưa nên rất nguy hiểm khi đi lại, trong đợt mưa lũ vừa rồi nhiều giáo viên vừa chạy xe máy vừa thầm cầu mong cho đồng nghiệp của mình, ngay chính bản thân mình và các con trẻ an toàn trong mưa bão. Hay, cũng có lúc 3, 4 cô giáo hợp sức nhau lại nhấc bổng một chiếc xe máy để vượt qua những quãng bùn đất đã ken dày trên đường đi. 
 
Còn riêng với cô giáo Cill Múp GLiêm, khó khăn nhất trong việc giảng dạy tại điểm Đưng Trang chính là đường sá đi lại quá khó khăn; phần thứ hai chính là việc thông tin liên lạc, vì muốn liên lạc với bên ngoài, giáo viên phải đi “bắt” sóng. Và việc không có Internet là một trở ngại trong công tác giảng dạy, báo cáo nhiệm vụ, kế hoạch học tập. Nhiều lúc giáo viên cắm điểm trường không liên lạc được với bên ngoài nên cứ theo kế hoạch mà tự ra trung tâm xã để họp. 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nông - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đưng K’Nớ cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá đi lại khó khăn nhưng bằng tình yêu con trẻ, các giáo viên cùng nhân viên tại trường luôn nỗ lực hết mình. Khắc phục khó khăn, vượt khó để làm sao các trẻ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa này có một môi trường giáo dục tốt nhất, đảm bảo phát triển về thể chất, trí tuệ.
 
ĐỨC TÚ