3 học trò "quan sát" sóng âm bằng niềm say mê

06:10, 02/10/2019

Lần đầu tiên đến với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, 3 học sinh chuyên Lý Trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt liên tục "gặt hái" được nhiều giải thưởng từ sự tìm tòi học hỏi và say mê sáng tạo.

Lần đầu tiên đến với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, 3 học sinh chuyên Lý Trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt liên tục “gặt hái” được nhiều giải thưởng từ sự tìm tòi học hỏi và say mê sáng tạo.
 
Từ niềm say mê sáng tạo, Minh Anh, Nguyên Thảo và Ngọc Trung đã nghiên cứu ra bộ thí nghiệm quan sát hình ảnh sóng âm đoạt nhiều giải thưởng khoa học. Ảnh: T.Hương
Từ niềm say mê sáng tạo, Minh Anh, Nguyên Thảo và Ngọc Trung đã nghiên cứu ra bộ thí nghiệm quan sát hình ảnh sóng âm đoạt nhiều giải thưởng khoa học. Ảnh: T.Hương
 
“Bắt tay” làm khoa học
 
3 học sinh Nguyễn Nguyên Thảo, Nguyễn Ngọc Trung - cùng lớp 12 Lý và Lã Thành Minh Anh - 11 Lý là những học sinh sáng trí, nhanh nhẹn - (như lời thầy giáo hướng dẫn, cũng là giáo viên dạy bộ môn Vật lí Trường THPT chuyên Thăng Long - Lê Thanh Hải nhận xét). Cả 3 nhanh chóng trở thành “bộ ba ăn ý” khi cùng bắt tay thực hiện đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm 2019.
 
Để có thể phối hợp ăn ý, Nguyên Thảo, Ngọc Trung và Minh Anh cũng từng có những bất đồng, những cuộc cãi vã nho nhỏ… Nhưng chính niềm say mê nghiên cứu khoa học đã kéo cả 3 xích lại gần nhau hơn. 3 bạn đến với lĩnh vực khoa học hết sức mới mẻ khi Nguyên Thảo và Ngọc Trung đang là học sinh lớp 11 Lý, còn Minh Anh mới bước chân vào lớp 10 Lý. 
 
Với đề tài “Bộ thí nghiệm quan sát hình ảnh của sóng âm”, 3 cô cậu học trò chuyên Lý miệt mài thực hiện trong thời gian gần 4 tháng. “Khó khăn lớn nhất của chúng em khi thực hiện đề tài lúc đầu là kỹ năng làm việc nhóm, sau đó là làm sao để tìm ra được chất liệu phù hợp với bộ sản phẩm. Quá trình để ra bộ sản phẩm mất khá nhiều thời gian khiến có lúc chúng em cũng nản. Nhưng nghĩ đến ngày được tận mắt nhìn thấy âm thanh - thứ tưởng chừng chỉ nghe được bằng tai khiến chúng em có động lực để hoàn thành đề tài”, Nguyên Thảo chia sẻ.
 
Ngày được nhìn thấy âm thanh “nhảy múa” qua bộ thí nghiệm quan sát hình ảnh sóng âm rồi cũng đến trong niềm vui khôn xiết của 3 cô cậu học trò cùng thầy giáo hướng dẫn. Từng hình ảnh đặc trưng của mỗi sóng âm như hình ô van, hình đường sóng... đã chứng minh được niềm tin của thầy và trò về âm thanh không chỉ nghe bằng tai mà còn nhìn thấy bằng mắt. Đề tài này đã đoạt giải tư Cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Sau đó, 3 bạn đã chỉnh sửa thêm về mặt hình thức để tăng tính thẩm mỹ khi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng và đã đoạt giải ba. Khi được chọn tham gia dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2019, trước sự yêu cầu khắt khe của hội đồng tuyển chọn, tuy có chút áp lực nhưng vì niềm say mê, cả nhóm tiếp tục sáng tạo, đầu tư về mặt nội dung, quay thêm nhiều video clip minh họa để hoàn thiện đề tài và xuất sắc giành giải nhất. 
 
Khơi dậy niềm đam mê khoa học
 
Ngoài niềm vui khi hoàn thành sản phẩm sau thời gian dài mày mò, nghiên cứu và đoạt các giải thưởng, đối với Nguyên Thảo, Ngọc Trung, Minh Anh, thành quả lớn nhất gặt hái được là sự hiểu biết về khoa học. “Lúc đầu em chưa biết gì về âm li (amply), nhưng khi làm đề tài em được phân công đi tìm các âm li cũ để về lắp ráp sản phẩm, sau nhiều buổi ngồi miệt mài ở các tiệm điện tử cũ, vừa xem, vừa hỏi, em đã biết được cấu tạo của nó và giờ sử dụng rất thành thạo”, Ngọc Trung cười khoe. 
 
Còn đối với cô em Minh Anh thì cho rằng: “Khi thực hiện đề tài, từ những vật liệu dễ tìm, gần gũi trong thực tế, chúng em đã biết cách kết hợp để làm ra một bộ sản phẩm có thể hiện đưa kiến thức lý thuyết được học ứng dụng vào đời sống. Qua đó, giúp chúng em thêm hiểu rõ những gì mình học và thêm yêu khoa học”.
 
Hài lòng với kết quả của nhóm học sinh mà mình trực tiếp hướng dẫn, thầy Lê Thanh Hải đánh giá: “Bộ thí nghiệm hoàn toàn có thể dùng để hỗ trợ dạy học môn Vật lí trong tiết học về sóng âm, giúp tăng cường khả năng tư duy, kích thích sự sáng tạo của học sinh khi học môn này. Đồng thời, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn. Qua đó, tạo hứng thú cho các em khi học môn Vật lí, đặc biệt khơi dậy niềm đam mê khoa học và chế tạo của các em. Điều này cũng phù hợp với xu thế hiện nay khi dạy học theo định hướng STEM - kỹ thuật, bên cạnh lý thuyết tăng tính ứng dụng trong thực tế, giúp học sinh chủ động, tích cực trong việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn”.
 
TUẤN HƯƠNG