Chăm sóc mắt phòng chống mù lòa

06:10, 31/10/2019

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng...

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tuy nhiên, việc vận động người dân hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vẫn gặp khó khăn, từ năm 2017 đến 9 tháng đầu năm 2019, có 297 ca hiến giác mạc, một lượng giác mạc hiến tặng quá ít ỏi so với số người bị các bệnh lý giác mạc chờ được ghép. Trong khi 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
 
Chăm sóc mắt miễn phí cho bà con DTTS huyện Đam Rông. Ảnh: D.Hiền
Chăm sóc mắt miễn phí cho bà con DTTS huyện Đam Rông. Ảnh: D.Hiền
 
Ưu tiên chăm sóc “cửa sổ tâm hồn”
 
Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2019 với chủ đề “Hãy ưu tiên chăm sóc đôi mắt của bạn”, Chương trình Phòng chống mù lòa - Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức truyền thông, khám và tư vấn điều trị các bệnh về mắt, cấp thuốc (8.500 viên Ginko Biloba) miễn phí cho 294 người dân vùng khó khăn, đồng bào DTTS tại Trạm Y tế xã Đạ Knàng và Trạm Y tế xã Phi Liêng (huyện Đam Rông).
 
Năm 2018, Chương trình cũng tổ chức “Ngày Thị giác thế giới” khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 217 người dân tại Trạm Y tế xã Đạ Rsal và Trạm Y tế xã Liêng Srônh (Đam Rông) và truyền thông trực tiếp về bệnh võng mạc tiểu đường trong các đợt khám.
 
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. Có 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này). 
 
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Chiếm 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...
 
Công tác phòng chống mù lòa xuất hiện những thách thức mới như tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường, bệnh glôcôm cũng ngày càng tăng cao... Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15 - 20% ở học sinh nông thôn, 30 - 40% ở học sinh thành thị. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Tuy nhiên, việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù lòa hiện đang gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí...
 
Cần quan tâm đúng mức phòng chống mù lòa
 
BS chuyên khoa mắt Nguyễn Thị Hiến, quản lý Chương trình Phòng chống mù lòa tỉnh cho biết: Do kinh phí Trung ương không có, kinh phí địa phương quá ít (72 triệu đồng/năm 2019) nên việc khám chữa bệnh, cấp thuốc tại cộng đồng, truyền thông chăm sóc mắt phòng chống mù lòa triển khai chưa được rộng khắp, trong khi các chỉ tiêu chuyên môn hàng năm rất cao. 
 
Cụ thể, năm 2018, tổng số khám chữa bệnh mắt toàn tỉnh 230.606 người. Tổng số mổ đục thủy tinh thể 1.225 ca (đạt 122,5% kế hoạch), trong đó, số bệnh nhân mổ từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt, Bệnh viện II Lâm Đồng, các Trung tâm Y tế Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và Cát Tiên là 541 ca. Khám sàng lọc tật khúc xạ cho 185.324 lượt học sinh (trong đó, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh khám và cấp đơn kính cho 782 em tại 3 trường THCS ở Đức Trọng và Bảo Lộc). Số học sinh phát hiện mắc tật khúc xạ là 8.239 em. Số bệnh nhân tiểu đường được khám mắt là 694 bệnh nhân.
 
Triển khai kế hoạch Phòng chống mù lòa giai đoạn 2017 - 2020 tại Lâm Đồng, để phát triển nguồn nhân lực, chương trình đã tổ chức tập huấn cho 224 cán bộ y tế cơ sở tại Bảo Lộc, Đơn Dương và Đức Trọng về công tác truyền thông chăm sóc mắt ban đầu tại cơ sở. Các trung tâm y tế huyện, thành phố lồng ghép khám sàng lọc bệnh đục thủy tinh thể và gửi chuyển tuyến phẫu thuật đúng theo quy định. Triển khai hoạt động khám, chữa bệnh về mắt tại 12 huyện, thành phố và 147 xã, phường (đạt 115% ). Tổng số học sinh khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ đạt 80,3% (vượt chỉ tiêu kế hoạch giao). Triển khai khám sàng lọc bệnh võng mạc tiểu đường cho các bệnh nhân tiểu đường đang được quản lý theo chương trình đái đường trên địa bàn toàn tỉnh vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Chương trình Phòng chống mù lòa của tỉnh đã khám mắt 188.000/200.000 ca chỉ tiêu cả năm (đạt gần 94%); mổ đục thủy tinh thể 901/1.200 ca chỉ tiêu năm 2019 (đạt 75%); khám mắt cho bệnh nhân bị tiểu đường 1.417/3.405 bệnh nhân chỉ tiêu năm 2019 (đạt 41,6%). Trong đó, mổ từ thiện do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người Tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh phối hợp mổ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, các Trung tâm Y tế Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên là 645 ca.
 
Để thực hiện tốt Chương trình Phòng chống mù lòa của tỉnh, trong thời gian tới cần có sự quan tâm đầu tư nguồn lực đúng mức cho các hoạt động chuyên môn như: Xây dựng các dịch vụ khám chuyên khoa triển khai trong giai đoạn tới, duy trì công tác khám bệnh, thực hiện các thủ thuật, tư vấn tại phòng khám Khu Điều trị Phong Di Linh. Triển khai công tác chỉ đạo tuyến, phối hợp với ngành Giáo dục triển khai khám khúc xạ cho học sinh các trường cấp I, II; tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình Phòng chống mù lòa tuyến huyện, thành phố; giám sát chuyên môn kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể từ thiện theo quy định của chương trình. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về chăm sóc mắt toàn diện, truyền thông trực tiếp tại phòng khám trung tâm và các đợt khám tật khúc xạ học sinh trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe và cấp thuốc miễn phí nhân Ngày Thị giác thế giới hàng năm.
 
AN NHIÊN