Mơ Lọn - Tổ dân phố giàu đẹp của người dân tộc thiểu số

06:10, 25/10/2019

Tổ dân phố Mơ Lọn nằm ở trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, có 2 dân tộc chính là K'Ho và Chu Ru với 308 hộ và 1.446 khẩu đang sinh sống. Tổ dân phố được chia làm 4 cụm, trong đó 3 cụm là người K'Ho, 1 cụm còn lại là người Chu Ru sinh sống với số lượng khoảng 68 hộ.

Tổ dân phố Mơ Lọn nằm ở trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, có 2 dân tộc chính là K’Ho và Chu Ru với 308 hộ và 1.446 khẩu đang sinh sống. Tổ dân phố được chia làm 4 cụm, trong đó 3 cụm là người K’Ho, 1 cụm còn lại là người Chu Ru sinh sống với số lượng khoảng 68 hộ.
 
Mơ Lọn đói nghèo và lạc hậu ngày nào nay đã đổi thay mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Kết quả của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng quyết tâm của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vì thế hệ tương lai và vì quê hương giàu đẹp. 
 
Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế
 
Trước đây, ở Mơ Lọn, hộ nghèo chiếm khoảng 40%, bà con hầu hết sinh sống bằng nghề chuyên canh lúa nước với tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất lúa rất thấp, nạn đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Trước tình hình này, cấp ủy và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân thị trấn Thạnh Mỹ đã mở nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, chọn giống chất lượng, năng suất cao. Qua các lớp tập huấn, lãnh đạo tổ dân phố phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ở Mơ Lọn chuyển đổi diện tích trồng lúa nước kém năng suất sang trồng các loại rau thương phẩm. Cùng với một số chính sách ưu đãi cho vay sản xuất để phát triển kinh tế từ ngân hàng chính sách, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ dân phố Mơ Lọn đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư trồng rau màu theo hướng công nghệ cao bằng phương pháp phủ bạt, làm nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới phun tự động và đầu tư máy móc nông cụ sản xuất… 
 
Năng suất lao động từ đó tăng rõ rệt, đời sống kinh tế của bà con trong tổ dân phố cũng được nâng lên, số hộ có kinh tế khá ngày càng tăng, giảm hộ nghèo, không còn hộ đói.
 
Điều đáng trân trọng là các già làng, những bà con trí thức trong thôn và một số người có uy tín trong tổ dân phố luôn đồng hành cùng với chính quyền địa phương và tổ dân phố gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng; tích cực hưởng ứng các Nghị quyết của huyện về tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh” ở khu dân cư. Theo UBND thị trấn Thạnh Mỹ, ở Mơ Lọn có 4 con hẻm do bà con tự đứng ra đóng góp để làm đường bê tông. Cùng với việc hưởng ứng cuộc kêu gọi chỉnh trang, nâng cấp đường làng, ngõ xóm; bà con trong tổ dân phố với đa số là người dân tộc thiểu số cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Để bảo vệ môi trường bền vững, tổ dân phố cùng với người dân đã thực hiện ký cam kết thu gom xử lý rác thải tại nhà, không xả rác ngoài đường, bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà, xa khu dân cư…
 
Gìn giữ bản sắc dân tộc
 
Có một giai đoạn, do những khó khăn về kinh tế, dân trí thời điểm đó của hầu hết bà con trong tổ dân phố cũng còn thấp, nên bà con trong thôn không mấy quan tâm đến việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong giới trẻ. Hầu hết các bạn trẻ không biết chơi cồng chiêng, không biết múa các điệu múa truyền thống, không biết dệt thổ cẩm… Trước thực trạng đó, thời gian qua, cán bộ tổ dân phố cùng với các già làng đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục con em trong tổ dân phố để nâng cao nhận thức cho họ, đặc biệt là trong lớp trẻ để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của địa phương và dân tộc mình. Đến nay, Mơ Lọn có nhiều bà con biết chơi các nhạc cụ truyền thống, ca hát và múa các điệu múa aria truyền thống, biết dệt thổ cẩm để dùng và bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Song song với việc gìn giữ nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống, bà con thông qua các buổi tuyên truyền, vận động do các cấp tổ chức cũng đã nâng cao nhận thức của bản thân, chủ động và vận động người thân, họ hàng xóa bỏ những tập tục lạc hậu như tục thách cưới, nạn tảo hôn, ma chay. Các tập tục như lễ xây mộ, lễ bỏ mả vốn được tổ chức tiệc tùng rất rình rang, kéo dài và gây tốn kém cũng được bà con rút ngắn và tiết kiệm hơn. Đặc biệt, tục lấy con cô, con cậu cận huyết thống đến nay ở Mơ Lọn cũng đã bị hủy bỏ hoàn toàn. 
 
Ro Da Nai Linh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Mơ Lọn, một người rất có uy tín ở thôn, có lẽ là một trong những người có công rất lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cũng như làm cầu nối giữa chính quyền và người dân trong công tác tuyên truyền và vận động các hộ gia đình, dòng họ trong tổ dân phố đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng nông thôn mới song song với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người dân tộc thiểu số. 
 
Có thể nói rằng, làm được việc này ở một tổ dân phố của người dân tộc thiểu số lại nằm ngay giữa trung tâm huyện nông thôn mới không hề là điều đơn giản một chút nào, thế nhưng bà con tổ dân phố Mơ Lọn đã làm được. Hy vọng rằng, bà con nhân dân ở Mơ Lọn sẽ không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ dân phố xanh, sạch, đẹp mà trong tương lai, sẽ đoàn kết đưa Mơ Lọn trở thành một buôn làng văn hóa, giàu đẹp, điển hình kiểu mẫu; là địa điểm hấp dẫn người dân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, về mô hình làm ăn phát triển kinh tế hiện đại, hòa nhập nhưng không hòa tan.
 
NGUYỄN NGHĨA