Những vấn đề phụ nữ đặc biệt quan tâm

06:10, 28/10/2019

Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại biểu phụ nữ Lâm Đồng năm 2019 với sự tham dự của 1.000 đại biểu từ tỉnh đến cơ sở, dưới sự chủ trì của các đồng chí...

Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại biểu phụ nữ Lâm Đồng năm 2019 với sự tham dự của 1.000 đại biểu từ tỉnh đến cơ sở, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Lệ - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Từ hội nghị này, phản ánh những vấn đề phụ nữ đặc biệt quan tâm hiện nay tại địa phương. 
 
Tại buổi đối thoại, đại biểu phụ nữ trong tỉnh từ đầu cầu Hội trường Tỉnh ủy cho đến các điểm cầu của 12 huyện, thành phố đã đặt ra 15 câu hỏi xoay quanh 4 nhóm vấn đề chính về: Chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp; đào tạo nghề nông thôn; công tác cán bộ nữ và phong trào phụ nữ; các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
 
Trực tuyến đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại biểu phụ nữ tại đầu cầu Hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: A.Nhiên
Trực tuyến đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại biểu phụ nữ tại đầu cầu Hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: A.Nhiên
 
Đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 
 
Đặc biệt, nhiều câu hỏi tập trung vào nhóm chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp (đại biểu Hội Phụ nữ Đà Lạt, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh). Các câu hỏi được đưa ra như: Tỉnh có chính sách gì riêng biệt để hỗ trợ phụ nữ, phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng đồng bào DTTS trong việc phát triển kinh tế? Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài một số hợp tác xã, các hộ, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì đa phần người dân đang tự chủ động trong việc gieo trồng nên tình trạng cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra ồ ạt không tiêu thụ được, bị thương lái ép giá... Đồng thời, tình trạng hàng nông sản kém chất lượng được các thương lái tuồn vào lấy nhãn mác của địa phương diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của Nhân dân, tỉnh đã có giải pháp cụ thể gì để tháo gỡ tình trạng này? Tỉnh có cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ phụ nữ nói chung, phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ tạm cư, phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng...) nói riêng, được tiếp cận các chương trình nâng cao năng lực, nguồn vốn để khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng? Để giúp phụ nữ làm nông nghiệp yên tâm phát triển kinh tế theo mô hình liên kết hợp tác, tỉnh có giải pháp, cơ chế chính sách nào để giúp người nông dân nói chung và phụ nữ làm nông nghiệp nói riêng, tiếp cận được các thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch như rau, hoa, nấm...? 
 
Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng đã trả lời các nội dung này như sau: Trước hết, trong chủ trương chung phát triển nông nghiệp, Trung ương có Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, Lâm Đồng qua nhiều nhiệm kỳ đã đề ra nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025. Xuyên suốt những chính sách, chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp có nội dung định hướng quy hoạch, nâng cao chất lượng sản xuất, xây dựng quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại...
 
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 104/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng và Nghị quyết số 112/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh. 
 
Gần đây nhất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1551 ngày 18/7/2019 phê duyệt đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023 với 5 nội dung: Tập huấn và nâng cao năng lực các chuỗi liên kết; xây dựng, nâng cấp các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; xúc tiến thương mại và thiết lập các thông tin thị trường; xây dựng tiêu chí sản phẩm và phát triển thương hiệu nông sản; truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Với đề án này, tỉnh dự kiến thực hiện 270 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 51% gần 140 tỷ đồng và nguồn vốn khác của doanh nghiệp, HTX, nông dân khoảng 130 tỷ đồng. 
 
Cũng theo ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, các chính sách của tỉnh thực hiện hỗ trợ nông dân, trong đó có phụ nữ để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tiếp cận thị trường tiêu thụ. 
 
Với chức năng của mình, ngoài việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách chung, Sở Công thương tỉnh thực hiện việc hỗ trợ, làm đầu mối, xâu kết các cơ sở sản xuất, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức đưa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tham gia những hội chợ ngoài tỉnh, các nội dung kết nối giao thương và đến từng địa bàn, khu vực cụ thể với từng đối tượng khách hàng cụ thể; làm việc với các chợ đầu mối lớn như: chợ Dầu Giây, chợ đầu mối Bình Điền... để đưa các hộ nông dân tiếp cận ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm... Thời gian qua, từ chủ trương đến chính sách cụ thể, cách tổ chức thực hiện các hoạt động, tỉnh chú trọng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng sản phẩm và những hoạt động này đã triển khai liên tục trong nhiều năm, có tác dụng tích cực trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt xây dựng thương hiệu. “Hiện nay, chúng ta xây dựng 21 thương hiệu đã được chứng nhận, đặc biệt là là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Các sản phẩm nào sản xuất uy tín, khi chúng tôi đưa đi giới thiệu các sản phẩm trên thị trường thì được thị trường chấp nhận, đặc biệt là các siêu thị, ví dụ như sầu riêng Đạ Huoai đã trở thành thương hiệu tốt và được thị trường đón nhận”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh khẳng định.
 
Bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em
 
Bên cạnh các vấn đề đại biểu phụ nữ quan tâm về lĩnh vực chính sách phát triển kinh tế thì có nhiều ý kiến của đại biểu Hội Phụ nữ Đơn Dương, Di Linh, Cát Tiên, Công an tỉnh nêu bức xúc liên quan đến thực trạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đó là, theo số liệu của Công an tỉnh từ cuối năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 105 vụ xâm hại trẻ em với 121 đối tượng; bạo lực, lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, thậm chí người thân trong gia đình cũng bạo lực và lạm dụng trẻ; các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu trên 18 tuổi, phần lớn là làm nông hoặc không có nghề nghiệp, trong đó 90% đối tượng phạm tội lần đầu. Các vụ xâm hại trẻ em đã gây ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng, gây tổn hại không nhỏ đến sự phát triển về thể chất, sức khỏe, tâm lý của trẻ; gây ra nỗi đau cho gia đình nạn nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương. Để khắc phục và hạn chế tình trạng trên, tỉnh đã có giải pháp gì? 
 
 Trong những năm qua, bạo lực học đường đã và đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Khi mà mạng xã hội phát triển thì những vụ việc học sinh đánh nhau hội đồng và được quay clip tung lên mạng ngày càng nhiều. Không chỉ ở các địa phương khác mà ở tỉnh ta cũng đã có rất nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra ở cả 3 cấp học. Vậy thời gian tới, lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo như thế nào để hạn chế tình trạng trên? Làm thế nào để tạo điều kiện cho các em ở mọi lứa tuổi được vui chơi, giải trí lành mạnh ngay tại địa phương? 
 
Hiện nay, có rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại các hàng quán, chợ nông thôn, đặc biệt tại các cổng trường học, bệnh viện... đa số đều có nhãn mác đầy đủ. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng mặc dù có nhãn mác, thông tin nhưng lại có chứa chất gây nghiện, hóa chất cấm, chất độc hại ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh. Để phân biệt hàng đảm bảo chất lượng an toàn với hàng hóa có nguy cơ là rất khó đối với trẻ em, người dân, vậy cơ quan chuyên môn của Nhà nước có trách nhiệm như thế nào đối với vấn đề này? Xóa bỏ việc bán hàng rong trước các cổng trường là trách nhiệm của ai, làm sao để triệt để vấn đề này để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho trẻ em?
 
Hiện nay, tình trạng trẻ em đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường tiểu học, trung học cơ sở bị tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước cũng đã xảy ra ở các địa phương, với nhiều vụ thương tâm. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh có chủ trương, chính sách, giải pháp gì để quản lý, chăm sóc bảo vệ trẻ em ngoài giờ lên lớp? 
 
Những câu hỏi đặt ra đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại yêu cầu từng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời trực tiếp ngay tại hội nghị. Cơ bản các nội dung trả lời thẳng thắn, nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới, đáp ứng được nguyện vọng thỏa đáng của các đại biểu phụ nữ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và các thành viên trong gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh.
 
AN NHIÊN