Nỗ lực vươn lên của một xã đặc biệt khó khăn

05:10, 22/10/2019

Đa Quyn trong ký ức của tôi những năm đầu thành lập là nơi có những con đường đất sình lầy vào mùa mưa; mùa khô thì bụi mù mịt đến nỗi chỉ cần một chiếc xe máy cà tàng nào đó chạy nhẹ qua thôi đã khiến người phía sau không nhìn thấy rõ đường;...

Đa Quyn trong ký ức của tôi những năm đầu thành lập là nơi có những con đường đất sình lầy vào mùa mưa; mùa khô thì bụi mù mịt đến nỗi chỉ cần một chiếc xe máy cà tàng nào đó chạy nhẹ qua thôi đã khiến người phía sau không nhìn thấy rõ đường; là nơi những căn nhà tạm bợ nằm thưa thớt sâu trong những khu rẫy cằn cỗi; nơi người dân thiếu cả nước sinh hoạt lẫn nước tưới mỗi mùa khô. Thật bất ngờ khi trở lại Đa Quyn vào thời điểm này, một vùng đất mới hoàn toàn. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới thật sự là đòn bẩy cực mạnh giúp Đa Quyn “lột xác” và đổi thay ngoạn mục.
 
Sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền
 
Năm 2009, Đa Quyn được tách ra từ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng và là một xã nghèo nhất huyện, trình độ dân trí thấp, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ hộ nghèo trên 48%, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng đến nay, bộ mặt kinh tế, xã hội của xã đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đường giao thông, hệ thống điện, trường học, cơ sở hạ tầng được dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2018.
 
Xã hiện có cơ sở hạ tầng khá khang trang, giao thông đi lại thuận tiện quanh năm, khác hoàn toàn với ngày trước thường xuyên bị cô lập chia cắt vào mùa mưa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm gần đây, bà con nhân dân trong xã đã thay đổi nhận thức rất lớn trong việc tự chủ, tự lập và đoàn kết đồng lòng để phát triển kinh tế gia đình cũng như chung tay phát triển cơ sở hạ tầng. Nhân dân trong xã hưởng ứng rất nhiệt tình chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động và triển khai tại địa phương. 
 
Với sự quyết tâm của chính quyền xã và sự hưởng ứng đồng lòng của bà con nhân dân, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng năm 2011 lên trên 35,8 triệu đồng năm 2018. 
 
Cùng đó, hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất, trao đổi hàng hóa từ đường lộ đến đường thôn xóm, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của người dân địa phương. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học cũng được chú trọng. Mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Duy trì xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. 
 
Theo báo cáo của UBND xã, với nhiều nỗ lực và các biện pháp thực hiện khá đồng bộ thời gian qua, đời sống của Nhân dân một thời là một vùng nghèo nhất của huyện, luôn là nỗi lo lắng của huyện, nay đã dần ổn định và có chiều hướng đi lên rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm gấp 7 lần (còn 6,89%), trong khi đó năm 2010, tỷ lệ này là 48,1%.
 
Đoàn kết tạo nên thành công
 
Không chỉ đổi thay về kinh tế và cơ sở hạ tầng, từ một xã đặc biệt khó khăn, với sự nỗ lực vươn lên và phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng với tinh thần đoàn kết một lòng, Nhân dân các dân tộc xã Đa Quyn đã cùng với chính quyền xã chung tay thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, một trong những nội dung vô cùng quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 
 
Để triển khai tốt chương trình này ở một xã có tới trên 80% là người dân tộc thiểu số, Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chính đã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện phát động, trực tiếp xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp trọng tâm để xây dựng, tập hợp mối đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn, từ đó tiếp tục vận động Nhân dân thống nhất ý chí và hành động, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng xóa đói giảm nghèo. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế có lẽ là phong trào được các hộ gia đình hưởng ứng tích cực nhất. Nhiều mô hình được triển khai tại địa phương đã phát huy hiệu quả như mô hình sản xuất rau theo hướng công nghệ cao, mô hình giúp nhau vượt khó vươn lên như Tổ hùn vốn, Quỹ Nghĩa tình đồng đội của các hội đoàn thể chính trị - xã hội. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển này đã giúp nhiều hộ gia đình hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tại địa phương ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong vượt khó vươn lên thoát nghèo và hỗ trợ những hộ gia đình khác cùng thoát nghèo như hộ ông Ya Thuyên, dân tộc Chu Ru ở thôn Ma Bó; ông Y Păm A Yun, dân tộc Ê Đê ở thôn Chơ Rung; ông Cil Phi Criêu Ha Chưn, người dân tộc K’Ho, ở thôn Chơ Ré…
 
Không chỉ tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, chương trình phát triển kinh tế, bà con trong thôn cũng tích cực tham gia đóng góp ngày công lắp điện thắp sáng đường quê, chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh, nhằm góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã, nâng cao đời sống văn hóa cho con em. Các hoạt động hỗ trợ, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế cũng như phong trào từ thiện nhân đạo ở xã cũng ngày càng phát triển và lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng để giúp đỡ người nghèo, người neo đơn…
 
Một trong những yếu tố quan trọng để đưa Đa Quyn thoát nghèo và đạt được những đổi thay vượt bậc như hôm nay, theo chia sẻ của lãnh đạo UBND xã Đa Quyn, đó chính là nhờ chính quyền các cấp và bà con nhân dân đã tạo dựng được niềm tin, đồng lòng, đoàn kết. Đoàn kết được xem là yếu tố then chốt, quan trọng, là đòn bẩy giúp xã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch, cũng như các chương trình từ lớn đến nhỏ triển khai đến bà con các dân tộc trong xã suốt thời gian qua và đã đưa Đa Quyn thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới và khoác lên mình chiếc áo ấm no, xanh đẹp như hôm nay.
 
NGUYỄN NGHĨA