Thêm bậc học mới cho lớp học tình thương Don Bosco

06:10, 29/10/2019

Để đáp ứng nhu cầu học sinh của các lớp học tình thương ngày càng tăng, nhà dòng Don Bosco - Đà Lạt đã cho xây thêm các phòng học mới, tăng cường trang thiết bị dạy học, đồng thời mở thêm lớp 6 ở một chi nhánh.

Để đáp ứng nhu cầu học sinh của các lớp học tình thương ngày càng tăng, nhà dòng Don Bosco - Đà Lạt đã cho xây thêm các phòng học mới, tăng cường trang thiết bị dạy học, đồng thời mở thêm lớp 6 ở một chi nhánh.
 
Học sinh lớp 6 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục La San - Đà Lạt.
Học sinh lớp 6 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục La San - Đà Lạt.
 
Học sinh ngày càng tăng
 
Mang chiếc cặp học sinh với sách vở nặng trĩu trên vai cùng chiếc áo đồng phục mới của trường, Nguyễn Ngọc Quý là một trong những học sinh mới của lớp 5 trong lớp học linh hoạt (hay lớp tình thương) tại Nhà dòng Don Bosco - Phường 2, Đà Lạt.
 
Năm nay 12 tuổi, Quý cho biết, gia đình mình người quê Bình Định, em cùng ba mẹ đã phải đi nhiều nơi cho cuộc mưu sinh, chẳng nơi nào đủ ở lâu để em được đến lớp học bình thường như mọi bạn bè đồng lứa, tại Đà Lạt này em phải hằng ngày đến với lớp học linh hoạt này.
 
Quý kể ba em làm thợ hồ, cả nhà vào đây thuê phòng trọ, ngày ngày đi làm, trước đây mẹ nhận vé số về cho Quý với em gái đi bán thêm ngoài giờ học, giờ mẹ đang mang bầu nên không đi bán nữa, chỉ còn 2 anh em đi, mỗi ngày học 1 buổi, Quý cùng em bán 1 buổi. Em gái của Quý cũng học ở đây. “Đi học rất vui, có nhiều bạn, thầy cô trên lớp rất thương chúng em. Dù khó khăn thế nào em hứa cũng cố gắng học thật giỏi, lớn lên em muốn được làm ở ngân hàng, kiếm thật nhiều tiền để ba mẹ đỡ khổ” - Quý ao ước.
 
Mỗi em nơi đây đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả như đều chung nhau ở sự từng trải, nhẫn nhịn và chịu đựng. Hằng ngày ngoài giờ đến lớp, hầu hết phải phụ giúp cha mẹ mưu sinh, gánh nặng về kinh tế không chỉ đè nặng lên đôi vai của người lớn mà các em cũng phải bươn chải với đời. Cuộc sống khó khăn khiến các em như chai lỳ với cuộc sống; thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí thiếu cả tình yêu thương gia đình.
 
Trong lớp học năm nay còn có không ít những trường hợp mồ côi hoàn toàn. Như Tăng Thanh Vi chẳng hạn, năm nay đã 17 tuổi nhưng mới vào học lớp 5. Vi cho biết, khi sinh ra em đã bị bỏ rơi, được nhà dòng nuôi dưỡng, trước kia cũng đi học nhưng rồi bỏ dở, mới học lại từ tháng 8 năm nay. “Ngoài giờ học em còn phụ trách dạy giáo lý ở nhà dòng, em đi học để biết thêm chữ, sau này em chỉ mong được đi tu hoặc bán đồ trên mạng” - Vi mong muốn.
 
Hình thành từ năm 2003, sau 16 năm hoạt động dưới sự quản lý của UBND Phường 2, Đà Lạt, các lớp học tại nhà dòng Don Bosco nơi đây theo linh mục Dương Quốc Huy - Hiệu trưởng, đã ngày càng đông lên nhanh chóng. Nếu như cách đây 2 năm, toàn bộ chỉ chừng trên 80 học sinh thì năm học này đã lên đến 130 học sinh, trung bình mỗi năm các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ chừng 20 học sinh nhưng năm nay lớp 1 tăng vọt, lên đến 44 học sinh. 
 
Thêm bậc học mới 
 
Linh mục Nguyễn Tùng Lâm - Phụ trách quản lý lớp học cho biết học sinh ở đây được ghép lớp theo khả năng, trình độ chứ không theo độ tuổi. Nói cách khác, lớp học không giới hạn tuổi, các em từ 6 tuổi trở lên có thể bắt đầu học. Nhà dòng lâu nay đã liên kết với Tiểu học Trưng Vương trên địa bàn để thực hiện chương trình của trường theo chuẩn chung của học sinh tiểu học bình thường. 
 
Bên cạnh kiến thức cơ bản, học sinh trong trường theo linh mục Lâm, còn được dạy thêm kỹ thuật nấu ăn, các kỹ năng sống để tự chăm sóc bản thân. Thứ bảy cuối tuần nhà dòng thường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động thể dục thể thao để các em vui chơi, hòa nhập hơn. 
 
Đặc biệt, trong năm học này, trường có 20 học sinh dân tộc thiểu số trong các lớp học, cùng đó trường cũng nhận cả học sinh khiếm thị, thiểu năng. “Điều này đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải có nhiều nỗ lực, kiên nhẫn hơn mới có thể dạy cho tất cả các em được” - linh mục Lâm cho biết.
 
Điểm thuận lợi lâu nay là tất cả sách vở, quần áo, đồ dùng học tập của các em đều được nhà dòng vận động các cấp chính quyền, các nhà dòng, nhà chùa, nhà hảo tâm tại Đà Lạt và nhiều nơi trong nước tài trợ. Riêng chi phí vận hành mỗi tháng cho các lớp học này khoảng 20 triệu đồng do nhà dòng tự lo. 
 
Trước việc học sinh ngày càng tăng, và cũng từ nhu cầu phát triển, nhà dòng Don Bosco gần đây đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây một cơ sở mới tại đây. Theo linh mục Dương Quốc Huy - Hiệu trưởng, khu nhà mới này khởi công từ tháng 5/2018, đến khoảng tháng 5/2020 sẽ hoàn thành, bao gồm một phần trong đó là các phòng học khang trang dành cho các lớp linh hoạt, có phòng sinh hoạt chung cho giới trẻ.
 
Cùng đó, nhà dòng Don Bosco đã liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục La San cũng trên địa bàn Đà Lạt để mở thêm một lớp 6 (do từ trước đến nay chỉ mở lớp đến hết bậc tiểu học mà thôi). Lớp 6 này ban đầu có 16 học sinh chuyển từ nhà dòng Don Bosco sang, đến nay đã có thêm 8 học sinh nữa theo học, trong đó có cả các học sinh thiểu năng. 
 
Cũng giống như lớp học bên Don Bosco, hầu hết học sinh ở lớp 6 mới này đều có hoàn cảnh khó khăn nên sách vở, quần áo, đồ dùng học tập đều được vận động tài trợ; học sinh theo chương trình lớp 6 trung học cơ sở bình thường, mỗi môn đều có 1 giáo viên đứng lớp, tổng cộng dạy cho lớp có 9 giáo viên, gồm 3 giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 6 giáo viên tình nguyện của nhà dòng. 
 
Điều đáng nói, dù là lớp học tình thương nhưng cơ sở học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục La San này được đầu tư rất tốt, phòng học rộng rãi, có các trang thiết bị như máy chiếu, truyền hình phục vụ học tập, có phòng học Anh văn riêng, phòng học Tin học nhiều máy tính cho học sinh. Cơ sở còn cung cấp chỗ ở nội trú cho 4 học sinh xa nhà.
 
Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh - Giáo vụ lớp học tình thương La San, trong năm học đến, nếu có học sinh, Trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp 7, 8, 9 trong bậc trung học cơ sở.
 
Ngoài các cơ sở tại Đà Lạt, nhà dòng Don Bosco cho biết lâu nay còn mở lớp học tình thương tương tự tại Ba Thôn, Quận 12, TP HCM và mở Trung cấp nghề Tân Hà ở thành phố Bảo Lộc, để các em lớp tình thương khi học xong cấp 2 nếu không muốn học tiếp thì có thể đến đây học một nghề để kiếm sống, trở thành người có ích cho xã hội. 
 
GIA KHÁNH - NGỌC BÍCH