Tiếp tục một chặng đường mới (Bài 3)

05:10, 11/10/2019

Không phải vô cớ mà Bình Thạnh là xã thứ 2 của Đức Trọng về đích nông thôn mới (NTM) từ năm 2014 (chỉ sau Tân Hội, là một trong 11 xã điểm của Trung ương)...

[links()]
Chính quyền cần giúp người dân thoát khỏi “vỏ kén” an toàn
 
Không phải vô cớ mà Bình Thạnh là xã thứ 2 của Đức Trọng về đích nông thôn mới (NTM) từ năm 2014 (chỉ sau Tân Hội, là một trong 11 xã điểm của Trung ương). Ở Bình Thạnh hội tụ tất cả các yếu tố cần và đủ để giúp xã có thể trở thành trung tâm cụm điểm của huyện ở khu vực phía bắc. Tuy nhiên, sự “bằng lòng” ở mức an toàn từ bộ máy chính quyền cơ sở và cả từ phía người dân đã khiến cho tiềm năng rất lớn của xã này luôn thu mình trong lớp “vỏ kén”.
 
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là những gì ngắn gọn nhất để đúc kết về Bình Thạnh. Với lợi thế về khí hậu ôn hòa, đất đai thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi phát triển, thời vụ canh tác có thể sản xuất quanh năm; không những thế, xã còn có nguồn lao động dồi dào, chịu khó làm ăn và tiếp cận nhanh với thị trường, sớm biết áp dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh việc nằm dọc hai bên Quốc lộ 27 thuận lợi cho thông thương, Bình Thạnh còn là xã có quy mô trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm lớn (không chỉ của huyện Đức Trọng) và là vùng trồng dâu nuôi tằm có diện tích gần như phủ kín đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi nhắc tới Bình Thạnh, rất nhiều người vẫn không mấy ấn tượng và thực sự biết rõ thế mạnh của xã nằm ở đâu.
 
Đường làng, ngõ xóm ở Bình Thạnh ngày càng được người dân chăm chút bằng cây xanh và hoa.
Đường làng, ngõ xóm ở Bình Thạnh ngày càng được người dân chăm chút bằng cây xanh và hoa.
 
Quy mô sản xuất, chăn nuôi lớn nhưng còn thiếu sự liên kết
 
Với khoảng 7.300 nhân khẩu, trong tổng diện tích đất tự nhiên trên 1.600 héc ta, được phân bố thành 4 thôn, người dân theo đạo Công giáo chiếm tới trên 98%, có thể nói Bình Thạnh là một xã có quy mô nhỏ cả về dân số lẫn diện tích của huyện Đức Trọng. 
 
Nhưng tỷ lệ nghịch với những con số trên, Bình Thạnh lại là một xã có tiềm lực kinh tế mạnh cũng như đời sống người dân ở mức khá cao, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm (cao gấp 1,71 lần so với năm 2014 khi xã vừa mới về đích NTM) và tỷ lệ hộ nghèo chỉ 0,85%. Bình Thạnh luôn là xã nằm trong top dẫn đầu của huyện Đức Trọng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nền tảng cho sự ổn định đó là một nền sản xuất được đánh giá là có tổ chức quy mô và chuyên nghiệp. Dân số ít, địa bàn nhỏ nhưng cả xã có tới 28 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhỏ. Trong đó, có những trang trại chăn nuôi heo, gà lên đến vài trăm ngàn con. Không những thế, ngoài những diện tích hoa màu và cà phê truyền thống (như một thói quen canh tác, chậm hoặc không muốn chuyển đổi, chủ yếu từ tâm lý sản xuất của người dân), xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi trên 300 héc ta để trồng dâu nuôi tằm. Những con số này cực kỳ ấn tượng so với mặt bằng chung của các xã trong tỉnh. Chính những yếu tố trên, đã giúp cho người dân có được sự thay đổi về đời sống mạnh mẽ kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM.
 
Sự thích nghi nhanh với thị trường, với xu hướng sản xuất hiện đại đã giúp cho nhiều người dân ở Bình Thạnh có được sự ổn định về thu nhập và mạnh dạn mở rộng đầu tư quy mô sản xuất chăn nuôi.
 
Trang trại nuôi heo thịt của ông Lê Tấn là một điển hình. Đã từng có thời điểm, trang trại của ông có tổng số đàn lên tới 6.000 con và đã từng là mô hình giành được sự quan tâm cũng như ngưỡng mộ của người dân cũng như các cấp chính quyền trong tỉnh, khi là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm mỗi khi về Bình Thạnh. Dù chịu rất nhiều thiệt hại trong sự tàn phá nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, nhưng với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, ông đã nhanh nhạy chấp nhận giảm đàn để chuyển sang chăn nuôi gà thịt.
 
Hay như hộ ông Nguyễn Công Khanh (thôn Thanh Bình 1), để tránh các rủi ro trong chăn nuôi trước những diễn biến bất ngờ, khó lường và xuất hiện ngày càng nhiều của các loại dịch, ông đã đầu tư 5 trại gà đẻ trại lạnh theo quy mô khép kín, với hệ thống hiện đại nhất của thế giới trong tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, mỗi tháng trừ chi phí gia đình ông thu lãi 500 đến 600 triệu đồng.
 
Tương tự, nhưng ở trong lĩnh vực sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng công nghệ cao là mô hình của gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy (thôn Kim Phát). Từ những diện tích nhà lưới với một, hai sào thử nghiệm trồng các loại rau, củ trên nền đất ruộng có độ nhiễm phèn cao, ông đã quyết định dồn hết vốn liếng để mở trang trại gần 1 héc ta nhà kính trồng ớt sừng, ớt chuông, dưa lưới trên giá thể theo hướng công nghệ cao, hoàn toàn tự động trong việc tưới bón bằng công nghệ của Israel. Với diện tích đó, cùng khoảng 5, 6 nhân công thường trực để cắt tỉa lá, cành và thu hoạch, công việc chính của ông với trang trại được gói gọn trong chiếc smartphone với app chuyên dụng. Chuỗi sản xuất khép kín đó, còn được ông hoàn thiện bằng việc ký kết bao tiêu sản phẩm với những công ty lớn để bảo đảm cho đầu ra ổn định. Chính điều này đã giúp cho gia đình ông có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
Chưa tính hàng trăm diện tích đất ruộng lúa cho thu nhập thấp, đã được rất nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển sang trồng dâu đem lại thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng cho người dân nơi đây.
 
Tuy nhiên, trong bức tranh đầy màu sắc tươi sáng ấy lại vẫn còn thiếu những điểm nhấn để có thể kỳ vọng hơn nữa. Dù quy mô sản xuất, chăn nuôi mà nhiều gia đình riêng lẻ tạo ra thực sự ấn tượng nhưng sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ lại vẫn còn thiếu. Cả xã hiện tại mới có 2 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động (HTX Thanh Bình 1 và HTX - DVTH Bình Thạnh) và được chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn hoạt động cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả.
 
Thực trạng sản xuất chăn nuôi của xã sẽ dẫn tới nhiều rủi ro khi nguồn cung bị cắt và thị trường xảy ra biến động. Hơn thế, sự hỗ trợ và liên kết trong sản xuất giữa các hộ dân không mang đến tính bền vững và thiếu chiều sâu mỗi khi xảy ra sự cố. Và đặc biệt, môi trường sản xuất của xã sẽ thiếu đi tính cạnh tranh, sự bảo hộ cần thiết. Vì sự riêng rẽ nên các sản phẩm nông nghiệp của xã cũng sẽ khó tiến tới được việc tạo ra thương hiệu bảo đảm trên thị trường vốn ngày càng khắt khe và yêu cầu nhiều hơn về sự kiểm tín. 
 
Trước vấn đề này, ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh chia sẻ: “Người dân ở đây vẫn chưa mạnh dạn làm lớn, tư tưởng an toàn vẫn còn bị mang nặng, dù tiềm lực và sự chăm chỉ của người dân là không phải bàn cãi”.
 
Anh Nguyễn Xuân Thủy (người ngồi phía trong) thành công khi biến đất ruộng thành diện tích sản xuất công nghệ cao cho thu nhập tiền tỷ
Anh Nguyễn Xuân Thủy (người ngồi phía trong) thành công khi biến đất ruộng thành diện tích sản xuất công nghệ cao cho thu nhập tiền tỷ
 
Liệu có phải về đích trong năm 2019?
 
Bình Thạnh được chọn làm xã xây dựng NTM nâng cao của huyện Đức Trọng và hoàn thành trong năm 2019. Nhưng liệu địa phương có cần phải vội vàng gồng mình trong cuộc đua nước rút mà bỏ lại phía sau yếu tố bền vững. Câu trả lời là không! bởi xét trên một phương diện nào đó, Bình Thạnh vẫn đang “sở hữu” những lợi thế và nội lực phát triển mà rất ít các xã trong huyện có thể đem ra so sánh.
 
Đầu tiên, trong bộ tiêu chí của tỉnh đưa ra làm quy chuẩn để xây dựng NTM nâng cao, Bình Thạnh chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt. Điều đáng lưu tâm, đây lại là 3 tiêu chí hoàn toàn có thể hoàn thành dựa trên sự thay đổi của người dân cũng như sự vào cuộc tích cực, đòi hỏi sự sáng tạo và linh động của chính quyền cơ sở.
 
Về tiêu chí tổ chức sản xuất, phải có đủ 2 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhưng yêu cầu phải đạt được sự hiệu quả. Về số lượng thì Bình Thạnh đạt chuẩn, nhưng sự hiệu quả lại chưa. Tác động của chính quyền nhằm thay đổi tâm lý an toàn của người dân hoàn toàn là mấu chốt. Không khó để tìm câu trả lời. Cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía huyện để mang tính bảo đảm và sự ổn định về các sản phẩm của người dân thông qua các chương trình xúc tiến. Gần hơn là công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở tại địa phương.
 
Tiêu chí thứ hai về giáo dục, đào tạo mà Bình Thạnh chưa đạt nằm ở tổng số lao động qua đào tạo mới chỉ đạt trên 45% (yêu cầu là từ 65%). Vấn đề này cũng không hề bị tác động bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào. Nắm bắt tâm lý, nhu cầu thực sự của lao động tại địa phương, thế mạnh là gì, thông qua đó tổ chức các lớp đào tạo bằng nhiều hình thức, nguồn khác nhau, sẽ không khó để Bình Thạnh có thể hoàn thành trong thời gian còn lại của năm 2019.
 
Cuối cùng là y tế, tiêu chí này cũng không nằm ngoài tác động nhằm thay đổi tâm lý, tư duy của người dân. Với trên 5.500/7.200 khẩu tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi đó yêu cầu phải đạt trên 90%, tiêu chí này hoàn toàn không phải là vấn đề mấu chốt. Theo ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã: “Dù đã rất nhiều cách, nhưng rất nhiều người dân vẫn không chịu tham gia BHYT. Một bộ phận người dân, chỉ thay đổi suy nghĩ khi có bệnh tật, còn lại vẫn rất thờ ơ với vấn đề này”.
 
Được biết, khi về đích đạt chuẩn NTM năm 2014, xã Bình Thạnh đã hoàn thành tiêu chí này, nhưng vài năm trở lại đây, với yêu cầu cao của NTM nâng cao, tiêu chí này lại bị sút giảm. Với mức thu nhập bình quân cao của người dân trong xã, gói BHYT cao nhất trong năm chỉ 700.000 đồng/người hoàn toàn không phải là vấn đề.
 
Bình Thạnh có thể đạt chuẩn NTM nâng cao nếu có được sự thay đổi từ chính suy nghĩ của người dân, đồng thời cần nhiều hơn nữa sự lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của người dân từ phía chính quền cơ sở. Giúp người dân thoát ra khỏi được “vỏ kén” an toàn, Bình Thạnh thực sự sẽ tạo ra chỗ đứng với tâm thế và dấu ấn riêng của mình trong “bản đồ” NTM nâng cao của cả Lâm Đồng.
 
(CÒN NỮA)
 
TUẤN LINH - HỒNG THẮM