Giảm nghèo trên nông thôn mới bền vững

05:11, 25/11/2019

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững luôn luôn là hai mục tiêu lớn của Lâm Ðồng, một tỉnh có đông cư dân sống bằng nông nghiệp...

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững luôn luôn là hai mục tiêu lớn của Lâm Đồng, một tỉnh có đông cư dân sống bằng nông nghiệp. Năm 2019, Lâm Đồng đang bước những bước vững chắc hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và nông thôn ngày càng ấm no, văn minh.
 
Phát triển trồng dâu nuôi tằm giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: D.Quỳnh
Phát triển trồng dâu nuôi tằm giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: D.Quỳnh
 
Giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu
 
Tính đến hết năm 2018, Lâm Đồng còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85% số hộ toàn tỉnh, hộ cận nghèo là 13.497 hộ, trong đó không ít là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. So với cùng kỳ 2017, cả tỉnh giảm 3.112 hộ nghèo, riêng huyện nghèo Đam Rông giảm 933 hộ. Ước hết năm 2019, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,85%, một tỷ lệ giảm đáng khích lệ. Hộ nghèo giảm là kết quả của hàng loạt sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và sự cố gắng vươn lên của mỗi gia đình. Lâm Đồng đã cấp trên 322 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và các hộ trong diện chính sách. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng khá thuận lợi để phát triển sản xuất. Hộ nghèo được vay hàng trăm tỷ đồng để cải thiện nhà cửa, phục vụ đời sống, đi xuất khẩu lao động cũng như đầu tư vào sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi. Cả cộng đồng tham gia hỗ trợ người nghèo trên nhiều mặt, từ luật pháp, sức khỏe đến giáo dục, kỹ thuật... Qua đó, giúp các hộ có điều kiện thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình. 
 
Với các địa phương như huyện nghèo Đam Rông, Chương trình 30a của nhà nước đã đến từng thôn, từng xã. Năm 2019, Nhà nước dành kinh phí trên 47 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 18 hạng mục công trình, trên 1,6 tỷ đồng duy tu bảo dưỡng 1 công trình chuyển tiếp. Nhà nước giao đất trồng rừng và giao khoán bảo vệ rừng cho Nhân dân, thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo cho bà con với số tiền xấp xỉ 8 tỷ đồng. Các mô hình kinh tế mới như trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn trái... đã giúp 804 hộ nghèo Đam Rông thoát nghèo; đồng thời bà con xung quanh cũng có cơ hội học hỏi, thay đổi cơ cấu cây trồng. 
 
Chương trình 135 dành cho 11 xã và 110 thôn đặc biệt khó khăn cũng được triển khai với nguồn kinh phí trên 42 tỷ đồng. Ngoài xây dựng 109 công trình đường giao thông, công trình nước phục vụ cư dân, nguồn vốn cũng hỗ trợ bà con mua phân bón, thuốc men, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc và chuyển giao khoa học kỹ thuật để cải thiện sản xuất. Có thể nói, sinh kế của nhiều hộ nghèo thay đổi không ít nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
 
Lâm Ðồng chú ý đặc biệt tới mục tiêu nâng cao mức sống của cư dân nông thôn. Việc tập trung đầu tư phát triển sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn năm 2018 đạt khoảng 37 triệu đồng/năm. Ngoài ra, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện, giúp nâng cao chất lượng sống của người nông dân.
 
Xây dựng nông thôn mới bền vững
 
Đánh giá của Chính phủ về chương trình xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng rất khả quan, đó là Lâm Đồng xây dựng NTM phù hợp với điều kiện địa phương, không nóng vội, không vượt quá sức người dân, thực sự hướng tới mục tiêu XD NTM bền vững. Dù gặp không ít khó khăn vì là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng những bước đi của Lâm Đồng hết sức vững chắc, lòng dân và ý Đảng cùng chung một mục tiêu vì nông thôn giàu, đẹp. 
 
Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016-2029 của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng đã hoàn thành 304 căn nhà ở cho hộ nghèo, đạt trên 57% kế hoạch . Trong đó, xây mới 250 căn và sửa chữa 54 căn, giúp hộ nghèo có mái ấm ổn định. Ước cuối năm 2019, Lâm Đồng sẽ hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. 

Chỉ từ năm 2016-2019, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt 31.951 tỷ đồng (tăng 11.210 tỷ đồng so với giai đoạn 2010 - 2015), trong đó, vốn ngân sách nhà nước 5.424 tỷ đồng, chiếm 16,98%, vốn tín dụng đạt dư nợ 25.077 tỷ đồng, chiếm 78,48%, vốn các tổ chức, doanh nghiệp là 447 tỷ đồng, chiếm 1,40% và huy đóng góp của cộng đồng dân cư đạt 1.003 tỷ đồng, chiếm 3,14%. Tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 90/116 xã (chiếm 77,6%) đạt chuẩn NTM; có 15 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 11 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18,07 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2020 có 109/116 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM, huyện Đức Trọng và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM chờ được Chính phủ công nhận. 
 
Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững vẫn là ưu tiên của Lâm Đồng trong tiến trình phát triển của địa phương và Lâm Đồng xác định, sẽ thực hiện hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, vận động sức vươn lên của cư dân và cộng đồng hướng tới một nông thôn Lâm Đồng văn minh, giàu đẹp.
 
DIỆP QUỲNH