Cô trò cùng ''biến'' rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích

06:11, 15/11/2019

Những vỏ nhựa, nắp chai nhựa, can nhựa, thùng sơn bỏ đi hay cả những thanh nhựa phế liệu... đều được "biến" thành những vật dụng có ích ngay trong trường học...

Những vỏ nhựa, nắp chai nhựa, can nhựa, thùng sơn bỏ đi hay cả những thanh nhựa phế liệu... đều được “biến” thành những vật dụng có ích ngay trong trường học. Ðây chính là “thông điệp” chống rác thải nhựa, bảo vệ mô trường thú vị của cô trò tại khắp các trường học trên địa bàn TP Bảo Lộc.
 
Cô và trò Trường TH Nguyễn Trãi chăm sóc vườn hoa làm từ sản phẩm nhựa tái chế. Ảnh: K.Phúc
Cô và trò Trường TH Nguyễn Trãi chăm sóc vườn hoa làm từ sản phẩm nhựa tái chế. Ảnh: K.Phúc
 
Làm mới rác thải
 
Trước vấn nạn của rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của con người. Những năm qua, khắp cả nước, đâu đâu triển khai các phong trào phòng, chống rác thải. Tại TP Bảo Lộc, phong trào “Chống rác thải nhưa” luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và được các ngành, các cấp cùng triển khai thực hiện. Trong đó, Ngành Giáo dục được xem là đơn vị đi đầu và thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”. Giờ đây, khi đến với các trường học từ mầm non, tiểu học (TH), THCS và THPT trên địa bàn TP Bảo Lộc, không khó để nhận ra sự thay đổi khi hầu đều khoác lên mình “chiếc áo mới”. Đó chính là những mảng xanh đầy hoa, cây cảnh từ khuôn viên nhà trường đến các phòng học đều được cô và trò các trường tạo nên từ chính những phế phẩm nhựa bỏ đi.
 
Đến với Trường TH Nguyễn Trãi, trước mắt chúng tôi là hàng trăm chậu hoa, với đầy đủ hình thù các con vật như gấu, mèo, ngựa, heo... Tất cả đều được bày biện thành những tiểu cảnh đẹp mắt, mát dịu từ hành lang đến các phòng học. Cái hay ở đây là hàng trăm chậu hoa tại trường đều được giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh chung sức, chung lòng gom góp các phế phẩm nhựa bỏ đi như chai, can, chậu, thùng sơn, sọt rác nhựa... để chế tác tạo thành. Không những vậy, nhiều đồ dùng học tập như thước kẻ, hộp đựng bút hay nhiều vật dụng trò chơi hữu ích cũng được làm từ các phế phẩm nhựa.
 
Ðến nay toàn trường đã có gần 1.000 chậu hoa, cây cảnh được cô, trò và phụ huynh cùng chung tay tái chế từ các phế phẩm nhựa. Theo cô Vũ Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trãi  
 
Nhờ vậy, từ khuôn viên, hành lang đến các lớp học đều được khoác thêm “áo mới” xanh - sạch và đẹp hơn. “Ngay từ đầu năm học mới 2019 - 2020, hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa” của địa phương và ngành phát động, Nhà trường đã bắt tay làm ngay, với khẩu hiệu “thay áo cho rác thải nhựa”. Để có được kết quả như hôm nay, chính là sự đồng tâm, hiệp lực của cô, trò và các bậc phụ huynh cùng chung tay thực hiện. Để duy trì và phát huy hơn nữa phong trào “Chống rác thải nhựa”, Nhà trường đã đưa việc tái chế rác thải nhựa vào tiêu chí thi đua của các lớp, các khối. Nhờ vậy, các chậu hoa, cây cảnh luôn được giáo viên, học sinh chăm sóc tốt. Qua đó, giúp cho các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống và trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích để cùng chung tay bảo vệ môi trường”.
 
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
 
Phải khẳng định rằng, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong ngành Giáo dục Bảo Lộc hơn bao giờ hết. Cùng với Trường TH Nguyễn Trãi thì còn có nhiều trường thực hiện phong trào nổi bật như TH Lộc Sơn 1, Lộc Thanh 2, Lê Văn Tám, Trưng Vương, Đinh Tiên Hoàng, Mầm non Hoa Hồng, Họa Mi hay THCS Phan Chu Trinh, Quang Trung, Đại Lào và THPT Bảo Lộc, Lộc Phát...
 
Ghi nhận tại Trường TH Lộc Sơn 1, ngoài những mảng xanh muôn hoa khoe sắc thì còn nhiều mô hình, vật dụng hữu ích được giáo viên và học sinh tạo thành từ các loại rác thải nhựa. Đó là những chiếc nắp chai bỏ đi, nay được cô và trò lắp ghép thành các bức tranh cổ động khổ lớn tuyên truyền tình yêu biển đảo và các khẩu hiệu chung tay bảo vệ môi trường... Những chiếc chai nhựa, sọt đựng rác hư, thùng sơn, thanh nhựa, vỏ xe... qua bàn tay khéo léo trở thành kệ sách, kệ đựng dụng cụ học tập, đồ chơi đẹp mắt.
 
Em Lâm Phương Khanh, học sinh lớp 5A5 (Trường TH Lộc Sơn 1), chia sẻ: “Em rất vui khi được chung tay làm những việc tuy nhỏ nhưng có ích để bảo vệ môi trường. Đây là trải nghiệm thú vị nhằm tạo nên kỹ năng sống để chúng em biết trân trọng, bảo vệ môi trường sống quanh ta. Đây cũng là bài học rèn luyện ý thức lao động và tinh thần trách nhiệm của chúng em với nhà trường, gia đình và xã hội”.
Tương tự, tại trường Mầm non Hoa Hồng, nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập như tô tượng, bình cắm hoa... cũng được tạo thành từ chính những phế phẩm nhựa. Tất cả đều phục vụ đắc lực cho việc học tập, vui chơi của các em học sinh. Còn tại Trường TH Đinh Tiên Hoàng, rác thải nhựa còn được giáo viên và học sinh chế tác thành những bộ thời trang đẹp mắt...
 
Từ phong trào “Chống rác thải nhựa”, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD ĐT) TP Bảo Lộc cũng đang phát động Cuộc thi “My school - trường học của chúng tôi”. Tiêu chí của Cuộc thi là “trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện”. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến các sản phẩm làm từ rác thải nhựa.
 
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng GD - ĐT TP Bảo Lộc việc phòng, chống ô nhiễm môi trường và chống rác thải nhựa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với nhà trường, môi trường xanh - sạch - đẹp sẽ góp phần quan trọng vào công tác dạy và học. Không những vậy, việc tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể còn giúp các em học sinh có có kỹ năng quan sát, cảm nhận về môi trường. Vì vậy, Ngành luôn khuyến khích và kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể có những đóng góp tích cực trong việc “Chống rác thải nhựa”. 
 
“Cuộc thi My schoool - Trường học của chúng tôi”, mà Phòng đang phát động là nguồn cảm hứng để các trường trên địa bàn chủ động, tích cực, sáng tạo trong phong trào “Chống rác thải nhựa”. Qua đó xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường ngày càng “xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện”. Hiện tại, tất cả các đường của các cấp học trên địa bàn TP đã và đang triển khai có hiệu quả “biến” rác thải nhựa thành những vật dụng có ích; đồng thời, giáo dục kỹ năng sống giúp các em học sinh mở rộng hiểu biết để có những việc làm ý nghĩa, thiết thực chung tay bảo vệ môi trường” - bà Hương khẳng định.
 
KHÁNH PHÚC