Để luôn xứng đáng với danh hiệu nhà giáo

08:11, 20/11/2019

(LĐ online) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo; bởi họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. Người từng nhấn mạnh: "nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa". Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề "dạy chữ, dạy người", vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo.  

(LĐ online) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo; bởi họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. Người từng nhấn mạnh: “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo.  
 
Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp và quyết định chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; đào tạo, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng và có năng lực chuyên môn vững vàng, trở thành tấm gương cho học sinh noi theo. 
 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn Tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn…  Người nêu lên những phẩm chất rất cơ bản của nhà giáo, đó là: Hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ... Ngoài ra, còn phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi đó là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. Sở dĩ Bác luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học là xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, vì nó không được phép làm ra “phế phẩm”. Nếu vì một người giáo viên tồi mà làm hỏng cả một thế hệ, thì đó là hậu quả khôn lường cả xã hội phải gánh chịu. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”, “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, để có thầy giỏi thì rồi sẽ có trò giỏi, không tạo ra “phế phẩm”.  
 
Để luôn xứng đáng với nghề cao quý và niềm tin yêu mà Bác Hồ đã dành cho nhà giáo, đòi hỏi người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải ra sức học tập và làm theo những điều Bác dạy, trong đó cần phải gương mẫu, tự giác làm tốt số việc chủ yếu sau đây:
 
Trước hết, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải học tập và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để vận dụng sáng tạo vào công việc hàng ngày của mình; đồng thời tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện tốt những điều Bác dạy.
 
Thứ hai, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những trăn trở, yêu cầu và những lời dặn dò cũng như kỳ vọng to lớn đối với việc xây dựng đội ngũ giáo viên phải vừa hồng vừa chuyên để gánh vác trách nhiệm đào tạo những thế hệ công dân, cán bộ có đức, có tài cho xã hội. Trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên năm 1959, Bác nhắc nhở: “có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 269). Người nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. Bác còn lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là giáo viên phải coi trọng học tập chính trị, học tập lý luận Mác - Lênin để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách nhiệm vụ “trồng người”. Cũng xuất phát từ quan điểm đó, Đảng ta kiên quyết yêu cầu: “Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng”(NQ Hội nghị TW 2, khóa VIII). Học tập và làm theo Bác, đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tự học và học tập suốt đời để có đủ cả đức và tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
 
Thứ ba, người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải luôn luôn đề cao phương châm “Nói đi đôi với làm”, nếu người giáo viên nói không đi đôi với làm thì sẽ phản tác dụng giáo dục. Tư tưởng “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở ba nội dung rất căn bản, đó là  (1) “Nói” phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. (2) Không được “nói một đằng làm một nẻo”, bởi nói một đằng làm một nẻo có hại cho công việc, cho sự nghiệp cách mạng. (3) Tránh nói, tránh hứa mà không làm. Rõ ràng lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể, vì vậy nếu bản thân người giáo viên không “Nói đi đôi với làm”, thì làm sao chỉ bảo được học sinh phải “Nói đi đôi với làm”, dẫn đến hiệu quả giáo dục của nhà trường sẽ bị hạn chế. Thực tế cho thấy, trong giáo dục nhất là giáo dục đạo đức, nếu chỉ dùng lời nói thì kết quả sẽ không cao và không chắc chắn. Do đó, nhà trường và mỗi giáo viên phải luôn quán triệt phương châm“học đi đôi với hành”; phải biết kêu gọi, biết tổ chức cho học tham gia đóng góp sức mình cho đất nước, cho quê hương. Tuy nhiên, các trường cần phải căn cứ vào đối tượng, lứa tuổi, điều kiện học sinh mà phát động những phong trào thích hợp, tránh quá sức đối với các em.   
 
Thứ tư, là những người có có ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành nhân cách của học sinh, nên người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm đến việc nêu gương trước học sinh và trước nhân dân. Theo tư tưởng của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, do đó tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; “một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người”. Người thường dặn dò: các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,... 
 
Hiện nay, mặc dù có sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường nhưng số đông các nhà giáo vẫn giữ được đạo lý, phong cách mẫu mực của người thầy; họ không ngừng tự học, tự rèn, thường xuyên tu dưỡng, trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”, được học sinh và nhân dân mến mộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ chỉ biết vì mình, nặng về thị trường hóa giáo dục dẫn đến thoái hóa về đạo đức, lối sống làm tổn thương uy tín nhà giáo và ảnh hưởng đến vai trò nêu gương trong giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Từ đó, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần phải củng cố, sàng lọc, bồi dưỡng để xây dựng cho được một đội ngũ “thầy ra thầy”; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “dạy tốt”, “học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo” cho học sinh noi theo. Có như thế mới phát huy được ưu thế giáo dục bằng sụ nêu gương của chính nhà giáo. 
 
 
KHÁNH LINH