Hội thảo tăng cường năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội lĩnh vực môi trường

05:11, 28/11/2019

Tại Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tăng cường năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,...

Tại Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tăng cường năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
 
Báo cáo đề dẫn, ông Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã khẳng định nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội là một trong 5 nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội, trong đó lĩnh vực bảo vệ môi trường đang đặt ra những vấn đề lớn cho xã hội, rất cần tiếng nói, ý kiến của các nhà khoa học. Những năm qua, Liên hiệp Hội và các đơn vị thành viên đã chủ động tư vấn, phản biện về các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề tài, dự án quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: chuyển dịch năng lượng, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; vấn đề lấp sông Đồng Nai; đánh giá về sự cố Formosa; đánh giá dự án đầu tư xây dựng Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná (Ninh Thuận); sử dụng Amiăng trong sản xuất vật liệu xây dựng; phản biện về các dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ảnh hưởng của việc khai thác thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đối với môi trường sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long; Dự án “Quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội”; Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Liên hiệp Hội đã tổ chức các diễn đàn khoa học, hội thảo phản biện các chủ trương, chính sách về môi trường: về vấn đề an toàn thực phẩm, việc lạm dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu thực phẩm; giám sát việc chấp hành pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tư vấn, phản biện quản lý chất cấm, hóa chất, kháng sinh; đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn nguồn nước ngầm; tư vấn phản biện giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất đồ gỗ...
 
Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá độc lập, nêu kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền; phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và khuyến nghị về sự phù hợp của đề án với thực trạng đặt ra; giám định là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi, những tác động đến môi trường của một đề án, dự án, vấn đề cụ thể. Từ đó đề xuất, tham mưu cho Đảng, chính quyền những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển; cung cấp cho các ngành, các cấp cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiễn một cách khách quan phục vụ quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các đề án, dự án, cơ chế, chính sách tại địa phương. 
 
Việc nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội cần được quan tâm: chủ động hơn nữa với các vấn đề nóng gây ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường mối liên kết, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận, sở, ban, ngành, đơn vị địa phương; lập danh mục cơ sở dữ liệu các chuyên gia theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ chuyên môn nhằm huy động các chuyên gia giỏi tham gia tư vấn, phản biện; có chính sách đãi ngộ với các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín; xây dựng diễn đàn khoa học, hội thảo theo chủ đề đối với những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, tạo cơ hội để các nhà khoa học được tiếp cận và có đóng góp nhiều hơn nữa cho các chương trình dự án phát triển ở địa phương. 
 
Các tham luận của các nhà khoa học của Lâm Đồng: Nguyễn Mộng Sinh, Lâm Hoàng Long, Thái Văn Long đã khẳng định nghĩa vụ, vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức với hoạt động phản biện xã hội và sự cần thiết, cấp bách của hoạt động này đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay. Đất nước sẽ hưng thịnh nếu đội ngũ trí thức, các nhà khoa học không quay lưng mà luôn quan tâm đến những vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc nhất là vấn đề bảo vệ môi trường luôn là nền tảng của sự phát triển bền vững. 
 
QUỲNH UYỂN