Nỗ lực phát triển đảng ở vùng dân tộc thiểu số

06:11, 11/11/2019

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta...

Phát triển đảng viên trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người DTTS trong tình hình hiện nay, những năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng phải đặc biệt chú trọng và tăng cường công tác phát triển đảng, khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức Đảng, đi đôi với củng cố, chú trọng hơn nữa công tác phát triển đảng, nhất là ở các vùng dân tộc ít người. 
 
Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: H.Đường
Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: H.Đường
 
Thực tiễn cho thấy, việc phát triển đảng viên là người DTTS sẽ góp phần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, công tác xây dựng, phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
 
Để làm tốt công tác này, tỉnh đặc biệt chỉ đạo chú trọng đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tập hợp đồng bào DTTS vào tổ chức, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; quan tâm, chăm lo, bảo đảm quyền lợi, lợi ích thiết thực của bà con. Nhờ làm tốt công tác này, tỉnh đã có 98.146 đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào DTTS tham gia vào các đoàn thể chính trị, xã hội. Toàn tỉnh có 3.951 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 13,48%. Tỷ lệ này chưa phải là cao so với số lượng người DTTS đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh nhưng cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong công tác đào tạo, bố trí cán bộ là người DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
 
Về công tác phát triển đảng viên, theo số liệu mới nhất của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4.073 đảng viên là người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Số liệu này cho thấy công tác phát triển đảng là người đồng bào DTTS thời gian qua được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm và đã có dấu hiệu khởi sắc. Số đảng viên này cũng đang được kỳ vọng sẽ chính là nhân tố nòng cốt góp phần tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS; nhất là ở cơ sở, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Và họ cũng sẽ là những nhân tố để đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đảng ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Hiện hoạt động của các tổ đảng, chi bộ đảng vùng đồng bào DTTS được đánh giá là khá vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân. 
 
Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: N.Thi
Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: N.Thi
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm CBCCVC là người DTTS từ đó cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Theo thống kê, tính đến nay, số lượng đại biểu HĐND là người DTTS các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 12/76 người, chiếm 15,79%; đại biểu HĐND cấp huyện có 71/428 người, chiếm 16,59%; đại biểu HĐND cấp xã có 1.011/4.103 người, chiếm 24,64%. 
 
Lâm Đồng hiện có 70.655 hộ đồng bào DTTS với 314.104 người, chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh. Có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống. Một số đồng bào DTTS có số lượng lớn là K’Ho, Mạ, Chu Ru, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng công tác tạo nguồn phát triển đảng là người DTTS ở một số nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, phần lớn thanh niên người đồng bào DTTS trình độ văn hóa còn thấp. Bên cạnh đó, số lượng thanh niên làm việc ở địa phương không nhiều, thanh niên DTTS được học tập một cách bài bản, có chí hướng phấn đấu ở lại quê hương hầu như rất ít nên việc tạo nguồn phát triển đảng vẫn còn nhiều khó khăn.

Trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, một số thanh niên người DTTS trên địa bàn còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, chưa nhiều thanh niên quan tâm chung tay vào các hoạt động xã hội, các tổ chức đoàn thể để có điều kiện, cơ hội cũng như môi trường phấn đấu, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn để kết nạp vào Đảng. 
 
Trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh công tác phát triển đảng, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người DTTS; tăng cường cán bộ công tác ở địa bàn có đông đồng bào DTTS, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Đồng thời kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách công tác dân tộc về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác; đẩy mạnh phát triển đảng viên là người DTTS, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đảm bảo về số lượng và trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở tại nơi có đông đồng bào DTTS, các thành phần tôn giáo; quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS của tỉnh theo Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Chính phủ về “Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển mới; chăm lo, đãi ngộ đối với cán bộ là người DTTS và cán bộ công tác ở vùng DTTS, các vị chức sắc tiêu biểu, người có uy tín trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đặc biệt, sẽ chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ cơ quan dân tộc từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan tham mưu, giúp việc về dân tộc, tôn giáo ở các huyện, thành phố. Xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào DTTS, tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương trong thời gian tới.
 
NGUYÊN THI