Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số

05:11, 25/11/2019

Việc sử dụng tiếng Việt thành thạo cho trẻ mầm non là rất quan trọng, với trẻ em người dân tộc thiểu số điều này càng quan trọng hơn...

Việc sử dụng tiếng Việt thành thạo cho trẻ mầm non là rất quan trọng, với trẻ em người dân tộc thiểu số điều này càng quan trọng hơn. Vì thế, Trường Mầm non Tà Nung - thành phố Đà Lạt đã có sáng kiến nâng cao chất lượng dạy học mầm non thông qua việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non” - giải pháp này đã được Phòng Giáo dục thành phố Đà Lạt ghi nhận và đánh giá cao.
 
Giáo viên đến tận nhà học sinh vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường học. Ảnh: Hà Nguyệt
Giáo viên đến tận nhà học sinh vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường học. Ảnh: Hà Nguyệt
 
Dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, của Phòng Giáo dục Đà Lạt; mô hình “dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS” được triển khai rộng khắp toàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tại Tà Nung - mô hình này đã được triển khai khá tốt và đạt một số kết quả nhất định. 
 
Trường Mầm non Tà Nung thuộc vùng ven của thành phố Đà Lạt, nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho sinh sống, làm ăn. Vì thế số trẻ đến học tại Trường Mầm non Tà Nung là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, với 221 học sinh người K’Ho, Cil, Lạch, H’Mông, Tày, Nùng và một số em người Kinh. Do các em còn nhỏ, mới học nói, hoặc nói tiếng Việt chưa thành thạo nên việc tập trung đầu tư dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS giúp các em có kỹ năng cơ bản để sử dụng tiếng Việt, nhằm hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Từ đó, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của bậc tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
 
Cô Nguyễn Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Nung cho biết: Một trong những giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS chính là xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Trong những năm học gần đây, để thực hiện tốt mục tiêu đó, từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai cho giáo viên xây dựng môi trường trong và ngoài lớp phong phú về hình ảnh, đa dạng về chất liệu, kết hợp chữ song ngữ ở tên các bảng biểu, các góc học tập, đồ dùng đồ chơi, tên các cây hoa, cây xanh quanh khuôn viên nhà trường. Đặc biệt, tại các góc học tập, vui chơi của các lớp, chúng tôi xây dựng một góc có tên là “Góc địa phương”. Ở mỗi góc chơi này, chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng nguyên vật liệu địa phương để trẻ tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa địa phương, giúp trẻ tăng cường tiếng Việt và tăng thêm lòng tự hào về nét văn hóa bản sắc của người dân tộc mình.
 
Cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Nung cho biết thêm về giải pháp tăng cường Tiếng việt cho trẻ DTTS hiệu quả, đó chính là đưa song ngữ vào các hoạt động. Để thực hiện vấn đề này, trong mỗi bài dạy, giáo viên sẽ chọn ra 3 từ tiếng Việt cho trẻ làm quen. Bên cạnh việc dạy trẻ phát âm chuẩn 3 từ này, giáo viên còn phải tìm hiểu thêm cách phát âm bằng tiếng dân tộc K’Ho, Cil hay Tày, Nùng... để giúp các em học sinh dễ hiểu, hiểu nhanh và từ đó nói tiếng Việt sẽ nhanh hơn, rõ hơn, chính xác hơn. Nhiều bài giảng của giáo viên rất sáng tạo đã tạo nên sự hứng thú, ham thích học tiếng Việt của các em. Mặt khác, chính các em người DTTS lại giúp cô giáo biết thêm tiếng của đồng bào dân tộc, nhiều từ ngữ, đồ dùng mà cô chưa biết bằng tiếng dân tộc thì lại nhờ các con hỗ trợ đọc cho cô, từ đó cô lại ghi chép vào sổ tay để có thêm vốn từ tiếng dân tộc, hỗ trợ tích cực trong quá trình giúp các con thành thạo nói tiếng Việt.
 
Trao đổi về những khó khăn trong quá trình thực hiện giải pháp sáng kiến “tăng cường tiếng Việt cho trẻ”, các giáo viên của trường chia sẻ: Khó khăn nhất hiện nay củaTrường Mầm non Tà Nung là việc huy động trẻ ra lớp. Do một số phụ huynh người DTTS vào vụ mùa giáp hạt hay cho con em nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy nên việc đến trường học của các con gặp nhiều khó khăn, bị gián đoạn và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Một số em do nhà ở quá xa trường, đường sá còn khó khăn nên vào mùa mưa việc đi lại gặp không ít trở ngại, khiến các em đôi khi phải nghỉ học giữa chừng. Một số đồng bào DTTS còn ngại giao tiếp, ngại nói tiếng Việt, lại sợ con em mất tiếng gốc bản địa khi cho con học tiếng Việt quá sớm. Những yếu tố đó gây khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình tăng cường tiếng Việt hiệu quả cho trẻ DTTS. 
 
Để khắc phục các khó khăn nêu trên, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh thông qua các ngày lễ, hội của đồng bào; vào những ngày hội của trường, thầy cô mời phụ huynh cùng tham gia với học sinh. Từ đó, phụ huynh thấy được những hoạt động vui chơi, hát múa rất hay và bổ ích và đã bớt dần tâm lý e ngại cho con học tiếng Việt từ nhỏ. Đặc biệt, Ban giám hiệu và giáo viên đã trực tiếp xuống tận nhà các em học sinh người DTTS để thăm hỏi, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 3 - 4 tuổi. Mặt khác, với các em có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên của trường cùng đóng góp thêm, huy động thêm nguồn xã hội hóa từ các tổ chức từ thiện để lo ăn uống, chăm sóc cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí tiền ăn bán trú. Đây cũng là một việc làm thiết thực, là sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mầm non, của tập thể Mầm non Tà Nung, góp phần không nhỏ vào quá trình thực hiện có hiệu quả giải pháp “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số” theo định hướng của ngành Giáo dục đào tạo Lâm Đồng.
 
HÀ NGUYỆT