Tấm thẻ cô Hơn

06:12, 12/12/2019

Cùng nằm điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh với tôi là Phạm Văn Giang. Thấy anh còn trẻ, nhưng nằm ở phòng điều trị đặc biệt, tôi hỏi:...

Cùng nằm điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh với tôi là Phạm Văn Giang. Thấy anh còn trẻ, nhưng nằm ở phòng điều trị đặc biệt, tôi hỏi:
 
- Cậu công tác ở đâu, sao phải vào đây?
 
- Cháu làm nông, ở Tổ dân phố 4C thị trấn.
 
- …?
 
- Chú không tin sao? À, cháu hiểu rồi. Hình như chú muốn biết vì sao cháu được điều trị ở phòng này đúng không? - Tôi chưa kịp trả lời, Giang nói luôn - Cháu có “Tấm thẻ cô Hơn” mà. Nhờ cô Hơn đấy.
 
- Sao lại nhờ cô Hơn?
 
Muốn hỏi cho rõ, nhưng nhìn khuôn mặt nhăn lại vì đau của Giang nên thấy chưa tiện. Hai ngày sau, tôi ra viện trước, vì tò mò về “Tấm thẻ cô Hơn” nên tôi dành thời gian tìm hiểu…
 
Bà Nguyễn Thị Hơn (bìa trái) - cán bộ đại lý BHYT thị trấn Đạ Tẻh đến tận nhà trao thẻ y tế tự nguyện trong niềm vui của người dân. Ảnh: N.T.T
Bà Nguyễn Thị Hơn (bìa trái) - cán bộ đại lý BHYT thị trấn Đạ Tẻh đến tận nhà trao thẻ y tế tự nguyện trong niềm vui của người dân. Ảnh: N.T.T
 
* * *
 
Hơn - họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hơn. Cô sinh năm 1965, quê Đông Triều, Quảng Ninh. Tháng 10 năm 1993, khi tròn hai mươi tám tuổi, cô vào định cư ở thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Từ 1994 đến 2016, Hơn làm công tác đoàn thể của thị trấn, do năng nổ, trách nhiệm, cô được kết nạp Đảng năm 1999. Từ 2017 đến nay, Hơn chuyển làm công tác giáo dục - trẻ em thuộc UBND thị trấn Đạ Tẻh và kiêm thêm công tác tuyên giáo của Đảng ủy. Đồng thời, cô còn được Ủy ban giao thêm việc làm Đại lý Bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm y tế của thị trấn. 
 
Gặp Hơn, tôi đem chuyện của Giang ra hỏi, cô chầm chậm kể:
 
- Đầu năm 2019 vừa rồi, biết em đến nhà vận động mua bảo hiểm y tế, Giang tránh không gặp. Em nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, nên em đến bốn năm lần, cuối cùng cũng gặp được Giang. Cậu ta chỉ vò đầu bứt tai, nói: “Cháu còn trẻ, khỏe… chưa cần bảo hiểm y tế đâu”. Em lựa lời hơn thiệt: “Cháu ạ, bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giúp giảm thiểu những chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khỏe… trong các trường hợp bị mắc bệnh hoặc bị tai nạn. Mặt khác, bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Cháu nghĩ mà xem, có ai “nắm được tay từ tối đến sáng” đâu, nay khỏe, không may mai đau, sao biết trước được. Thấy Giang ngồi im, em tấn công: “Đấy, bà Nguyễn Thị Lánh ở Tổ dân phố 3A, cô vận động năm lần bảy lượt không những không mua mà còn gây gổ với cô nữa chứ. Bà ta quát “Cô ra khỏi nhà tôi đi. Đang yên đang lành lại bảo người ta mua bảo hiểm, rõ là xui xẻo. Cô về đi, về đi!”. Cô phân giải “Dạ cô không mua cũng được. Cháu chỉ vận động thôi mà. Nhưng thưa cô, bảo hiểm y tế là một trong các hoạt động thể hiện sự hỗ trợ, tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. Đồng thời, bảo hiểm y tế mang tính dự phòng những rủi ro do chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe gây nên khi ốm đau, bệnh tật. Cháu muốn cô mua bảo hiểm y tế là cô đầu tư cho sức khỏe, sức lao động của gia đình và cho tương lai của con cháu ạ…”. Giang tò mò: “Rồi sao hả cô?”. Cô về chứ còn sao. Nhưng… khoảng hơn một tháng sau, đứa con trai nhà bà bị bệnh nặng, khả năng chi phí tốn kém, thế là đang đêm cũng chạy lên nhà cô, đề nghị làm gấp thẻ. Thương tình, cô nhanh chóng giúp ngay. Lẽ ra phải nộp các khoản viện phí, thuốc men… tới cả trăm triệu đồng, nhưng sau đợt điều trị, gia đình chỉ còn phải nộp hai mươi triệu, đỡ biết bao nhiêu. Nghe xong, Giang cười rất tươi, lại vò đầu bứt tai, nhưng nhận lời “Vâng, cháu hiểu, cháu xin mua cho cả nhà ạ”.
 
* * *
 
Tôi hỏi, vì sao cô nhận làm đại lý bảo hiểm y tế. Hơn cười, càng làm cái lúm đồng tiền trên má trái sâu hơn, duyên hơn:
 
- Làm đại lý… để được gần dân anh ạ, nhất là với người cận nghèo… - Lặng đi một lúc cô chia sẻ - Có “ăn nhạt mới thương miệng mèo”, ngày xưa, nhà em nghèo lắm. Bố mẹ phải chạy ăn từng bữa, lại phải lo khi trái gió trở giời… trăm thứ lo toan. Khó khăn biết nhờ cậy vào đâu... Nên bây giờ em thấm lắm, chỉ còn cách làm thế nào để vận động được 100% người dân tự nguyện mua thẻ bảo hiểm y tế, thì khi ốm đau bệnh tật đỡ khổ, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta mới thành công. 
 
Thoáng trầm tư rồi Hơn sôi nổi hẳn lên:
 
- Được làm đại lý cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế em vui lắm. Nhiệm vụ của em là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng khẩu” để tuyên truyền Luật, chế độ chính sách về bảo hiểm y tế, vận động, làm thủ tục mua thẻ, nhận tiền, đến cơ quan bảo hiểm làm thẻ và… trao thẻ bảo hiểm y tế đến từng người. 
 
Được biết, trong ba năm (2017 - 2019) Hơn đã vận động được gần 5.000 thẻ, riêng năm 2019, đến thời điểm này, đã được 2.500 thẻ. Bình quân mỗi ngày, có gần năm người được hưởng những chế độ và quyền lợi như: Được tùy chọn một cơ sở y tế khám chữa bệnh. Được giảm chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Và hơn hết là được chia sẻ sự đùm bọc và tình thương yêu đến cộng đồng.
 
Mặc dù làm đại lý thu cho bảo hiểm y tế, thu nhập không nhiều, nhưng bằng trách nhiệm và tình thương yêu con người, Hơn đã không quản khó khăn, kiên trì như “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Năm 2018, cô được Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lâm Đồng tặng giấy khen vì thành tích… Còn năm nay, thị trấn Đạ Tẻh đã vượt chỉ tiêu về mua bảo hiểm y tế, trên 90%. Riêng Tổ dân phố 4A nơi cô sinh sống, đạt tỷ lệ 96%, góp phần đủ và vượt các tiêu chí để được xét công nhận Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu năm 2019.
 
Bà Nguyễn Thị Hơn (người thứ nhất hàng đầu từ phải sang) vận động Nhân dân Tổ dân phố 4A+4D thị trấn Đạ Tẻh tham dự hội nghị tuyên truyền về BHXH - BHYT tự nguyện cuối tháng 10 năm 2019. Ảnh: N.T.T
Bà Nguyễn Thị Hơn (người thứ nhất hàng đầu từ phải sang) vận động Nhân dân Tổ dân phố 4A+4D thị trấn Đạ Tẻh tham dự hội nghị tuyên truyền về BHXH - BHYT tự nguyện cuối tháng 10 năm 2019. Ảnh: N.T.T
 
* * *
 
Trở lại chuyện bà Nguyễn Thị Lánh ở Tổ dân phố 3A mua bảo hiểm y tế tự nguyện, như nói ở trên. Sau khi có thẻ, giảm khá nhiều chi phí khám chữa bệnh, bà Lánh đến tận nhà cảm ơn cô Hơn và xin bồi dưỡng chút tiền. Hơn không những dứt khoát không nhận mà còn đến nhà bà thăm hỏi tình hình sức khỏe của con bà và tặng sách vở để cháu có thêm điều kiện vào năm học mới.
 
Các anh chị ở Bảo hiểm Xã hội huyện Đạ Tẻh cho tôi biết:
 
- Cô Hơn… còn trên cả tuyệt vời. Năm trước, cô còn bỏ tiền túi, phụ thêm cho năm trường hợp là người Mạ ở Tổ dân phố 1C mua năm thẻ bảo hiểm y tế.
 
Có thấy địa bàn thị trấn rộng, số hộ cận nghèo vẫn còn; số người chưa hiểu rõ về Luật và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với bảo hiểm y tế không phải là ít nên mới trân trọng kết quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện mua bảo hiểm y tế tại thị trấn Đạ Tẻh do Nguyễn Thị Hơn làm đại lý trong những năm qua. Bà con nông dân ở thị trấn đang truyền tai nhau:
 
- Đúng là “Tấm thẻ cô Hơn”. Tên cô ấy là Hơn nên “có làm có hơn, việc gì cũng hơn”!
 
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM