Cơ hội tiếp cận y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV

06:12, 27/12/2019

Tin vui cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Lâm Đồng là được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế từ Dự án "Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS" do Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) tài trợ. 

Tin vui cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Lâm Đồng là được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế từ Dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS” do Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) tài trợ. 
 
Lãnh đạo Dự án AHF và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cắt băng khai trương Dự án AHF tại Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Lãnh đạo Dự án AHF và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cắt băng khai trương Dự án AHF tại Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
 
Đơn vị thụ hưởng dự án là: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng; trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đối tác với AHF. 
 
Ông Chhim Sarath, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của AHF cho biết: Với sứ mệnh “Điều trị mang lại sự sống mà không cần quan tâm tới sự chi trả của người bệnh”, các chương trình của tổ chức AHF tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Các hoạt động hỗ trợ tại Phòng khám ngoại trú của 2 BVĐK tỉnh và Trung tâm Y tế Đức Trọng cụ thể: Tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV; chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, trong đó có điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị bằng thuốc ARV. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mang thai, công nhân di biến động, bạn tình của các đối tượng trên.
 
Dịch HIV trên địa bàn Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm người có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm tiêm chích ma túy, nhóm quan hệ tình dục khác giới và đã bắt đầu xuất hiện ở các nhóm khác như: nhóm quan hệ tình dục đồng giới, nhóm phụ nữ có thai. 
 
HIV đang tập trung vào nhóm người trẻ tuổi 25 - 49 tuổi chiếm 74,3%, nam chiếm đa số 68,3%. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về số ca nhiễm HIV mới tại Lâm Đồng.
 
Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, đến nay, Lâm Đồng có 1.590 người nhiễm HIV, 284 bệnh nhân AIDS và 577 người đã tử vong do các bệnh liên quan đến HIV. Riêng 10 tháng đầu năm 2019, qua xét nghiệm đã phát hiện 51 trường hợp nhiễm HIV dương tính mới đưa vào quản lý. HIV đã xuất hiện tại 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung ở các địa phương trọng điểm như: Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Lâm Hà. 
 
Ông Chhim Sarath - Giám đốc AHF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thăm Phòng khám ngoại trú BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Ông Chhim Sarath - Giám đốc AHF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thăm Phòng khám ngoại trú BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
 
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cho biết: Dự án “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS” do AHF tài trợ triển khai tại Lâm Đồng trong thời gian 2,5 năm (7/2019 -12/2021). Theo đó, AHF cam kết hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ y tế cơ bản, vật tư tiêu hao để thực hiện công tác điều trị, xét nghiệm của 3 phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Đức Trọng. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn về HIV/AIDS, thuốc nhiễm trùng cơ hội, bao cao su cho 3 phòng khám cấp phát cho bệnh nhân; giới thiệu dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV toàn diện hoặc dịch vụ chuyển gởi cho người nhiễm HIV được phát hiện qua các hoạt động xét nghiệm của dự án. Bên cạnh đó, tổ chức AHF còn hỗ trợ và tổ chức những khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế và đồng đẳng viên tham gia dự án về chăm sóc và điều trị HIV. 
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 59,4% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 82,2% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV và 90,7% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV thấp dưới ngưỡng ức chế. Bằng chứng khoa học trên thế giới cho thấy người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, được kết nối điều trị và tuân thủ điều trị thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì không thể lây nhiễm HIV cho người khác qua quan hệ tình dục.
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng là một trong số các tỉnh, thành phố được quỹ AHF hỗ trợ kinh phí triển khai dự án nhằm đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm HIV và kết nối các ca nhiễm vào chương trình chăm sóc và điều trị. Đây là cơ hội cho các đối tượng, những người có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm HIV và người nhiễm HIV có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV. Sở Y tế Lâm Đồng luôn quan tâm tạo điều kiện triển khai dự án và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tập trung vào các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao, tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới, xét nghiệm đo tải lượng vi rút cho bệnh nhân, tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân thông qua BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về dự phòng lây nhiễm HIV. Tất cả các hoạt động đều hướng đến thực hiện thành công chỉ tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
 
AN NHIÊN