Những "bông hồng thép"

06:12, 09/12/2019

Được ví như những "bông hồng thép" - đó là nữ quân nhân tại Học viện Lục quân đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của một người chiến sĩ trong thời bình. Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà các chị còn là những người mẹ, người vợ, là hậu phương vững chắc trong gia đình.

Được ví như những “bông hồng thép” - đó là nữ quân nhân tại Học viện Lục quân đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của một người chiến sĩ trong thời bình. Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà các chị còn là những người mẹ, người vợ, là hậu phương vững chắc trong gia đình.
 
Những ngày trên thao trường, những nữ quân nhân Học viện Lục quân luôn phát huy tốt nhiệm vụ của mình. Ảnh: T.Hiền
Những ngày trên thao trường, những nữ quân nhân Học viện Lục quân luôn phát huy tốt nhiệm vụ của mình. Ảnh: T.Hiền
 
“Giỏi việc nước”
 
Một ngày đầu tháng 12, theo chân Đại úy Triệu Thị Kim Quyên - Trợ lý Công đoàn phụ nữ Học viện Lục quân, chúng tôi ghé thăm thao trường của các nữ quân nhân đang huấn luyện tại Doanh trại Quân đội (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng). 
 
Mặt trời đã đứng bóng, trên khuôn mặt của những nữ quân nhân sạm nắng bởi những ngày qua, chị em đã không ngừng cố gắng tập luyện trên thao trường đầy nắng gió Nam Tây Nguyên. 
 
Lau vội những giọt mồ hôi lăn trên má, Thượng úy Trần Thị Xoa - Phòng Hậu cần, thủ kho quân nhu chia sẻ: “Trong đơn vị, tôi làm công tác chuyên môn đã quen nên khi ra thao trường có đôi chút vất vả. Thế nhưng, tôi cũng dần thích nghi với môi trường mới, tinh thần thoải mái, sức khỏe được nâng cao”.
 
“Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu” là câu nói mà mấy chị em thường động viên nhau như để tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn. Hơn thế, chúng tôi còn được học hỏi nhiều kiến thức về quốc phòng - an ninh, kỹ thuật bắn súng ngày càng được nâng lên” - Thượng úy Xoa nói.
 
Đại úy Triệu Thị Kim Quyên cho biết, Công đoàn phụ nữ của Học viện hiện có trên 500 cán bộ, công đoàn viên tham gia sinh hoạt tại 8 tổ chức Công đoàn và 9 tổ chức phụ nữ cơ sở với các nhiệm vụ chủ yếu trên các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hành chính, quân y, phục vụ sản xuất - kinh doanh... 
 
Với tất cả hội viên, tuy mỗi người đều có hoàn cảnh, điều kiện sống và chức vụ khác nhau, song ở họ đều có điểm chung đó là tình yêu màu xanh áo lính.
 
Là người trực tiếp biên soạn giáo trình giảng dạy, Đại úy Nguyễn Thị Thanh Loan - giảng viên Công nghệ thông tin luôn được đánh giá cao trong quá trình công tác và giảng dạy của mình. Đại úy Loan tâm sự: “Là giảng viên nữ trẻ tuổi, học viên của tôi lại là những sỹ quan cấp chỉ huy nên đôi lúc tôi có sự e ngại. Tuy nhiên, luôn xác định phải phấn đấu không ngừng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy và giữ phong thái chuẩn mực. Đặc biệt với môn Công nghệ thông tin là môn học rất cần thiết cho Quân đội trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên mỗi khi thấy học viên áp dụng những gì đã học vào công việc của họ một cách hữu ích, tôi cảm thấy rất vui và tự hào”.
 
Đại úy Triệu Thị Kim Quyên cho biết thêm, chị em Học viện luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị thời gian qua đã được tham gia nhiều khóa học trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 
 
Song song với các nhiệm vụ chuyên môn, Công đoàn phụ nữ Học viện còn phát động nhiều phong trào sôi nổi và các hoạt động từ thiện xã hội,... tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo chị em tham gia.
 
“Đảm việc nhà”
 
Vẫn giữ được tác phong của những nữ quân nhân chỉnh tề theo đúng điều lệnh, điều lệ Quân đội. Song, ở môi trường đầy tính kỷ luật ấy, khi trở về gia đình, họ là người phụ nữ “chân yếu tay mềm”, người vợ và người mẹ chu toàn công việc trong ngôi nhà nhỏ.
 
Vượt khó “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là điều thường thấy ở những nữ quân nhân thời nay. Ai trong số họ cũng đều phải cố gắng để làm trọn hai vai, cân bằng giữa công việc và gia đình. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thiệt thòi để gia đình được hạnh phúc, công việc được hoàn thành. 
 
Phần lớn những phụ nữ mang trên mình màu xanh áo lính đều có chồng cùng làm bộ đội nên điều may mắn họ nhận được là sự cảm thông, sẻ chia từ đối phương. Gắn bó với Học viện Lục quân hơn 12 năm qua, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Hồng Phương - nhân viên Kế toán bộc bạch: “Con tôi còn nhỏ quá, công việc kế toán thì bận rộn quanh năm, lắm lúc cũng thấy nản chí lắm. Chồng tôi cũng là bộ đội nên nhiều lúc anh đi công tác xa hay bận trực đêm thì việc chăm lo cho gia đình cũng gặp chút khó khăn. Nhưng rồi tôi lấy động lực từ ông xã, bởi anh luôn bên cạnh sẻ chia, giúp đỡ tôi trong việc chăm sóc con, để tôi có thể yên tâm hoàn thành tốt công việc của đơn vị cũng như việc gia đình”.
 
“Vất vả là thế nhưng nếu được chọn lựa lại nghề thì tôi vẫn chọn riêng cho mình màu xanh áo lính. Bởi, được cống hiến và phục vụ Quân đội là niềm tự hào của bản thân và gia đình” - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Hồng Phương tự hào nói.
 
Là người luôn bám sát và gần gũi chị em, Đại úy Triệu Thị Kim Quyên cho hay: “Nhiều chị em hiện tại hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, chồng công tác xa nhà nên mọi công việc trong gia đình hầu như đều một tay chị em phụ nữ quán xuyến. Nhưng không vì thế mà chị em nản chí, bỏ bê công việc thay vào đó họ luôn nỗ lực phấn đấu, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động chị em để làm sao đó thực hiện tốt hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 
Bằng chính phẩm chất, năng lực và trình độ, phụ nữ Học viện Lục quân đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong xu thế hiện nay. Là lực lượng được xem là “chân yếu tay mềm” nhưng với trí tuệ và bản lĩnh đó, họ là những “bông hồng thép” đang từng ngày cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững mạnh.
 
THÂN THU HIỀN