Hợp tác xã Vươn lên - dệt nên những ước mơ

06:12, 27/12/2019

Sức khỏe hạn chế cùng những khiếm khuyết của bản thân... thế nhưng, đó không trở thành những rào cản khiến người khuyết tật cam chịu những bất hạnh...

Sức khỏe hạn chế cùng những khiếm khuyết của bản thân... thế nhưng, đó không trở thành những rào cản khiến người khuyết tật cam chịu những bất hạnh. Họ vẫn vươn lên bằng tinh thần lạc quan. Hằng ngày, những người khuyết tật ở Hợp tác xã Vươn lên (huyện Đức Trọng) miệt mài đan dệt nên những con thú nhồi bông, chiếc mũ len,... để rồi từng ngày dệt nên những ước mơ cho cuộc đời mình.
 
Thành quả lao động của những chị em nhiều nghị lực. Ảnh: N.Quỳnh
Thành quả lao động của những chị em nhiều nghị lực. Ảnh: N.Quỳnh
 
Tự lực vươn lên
 
Đến thăm Hợp tác xã Vươn lên nằm dọc QL20 thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, nhìn những sản phẩm hình thú đa dạng mẫu mã, kiểu dáng tinh xảo, đáng yêu được đặt trong những gian trưng bày tại trụ sở, ít ai có thể nghĩ đây chính là những sản phẩm do những người khuyết tật làm nên. Bởi, đối với người bình thường, để học nghề, có thể đan móc nên những con thú nhiều hình thù này cũng đã khó vì phải đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn thì đối với người khuyết tật lại càng khó hơn.
 
Vừa nối len, đan móc chiếc móc khóa hình con heo còn dang dở, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hiện là Giám đốc điều hành Hợp tác xã Vươn lên, chốc chốc lại quay sang chỉ dẫn những đường móc len cho hội viên. Chị Hạnh chia sẻ: Thành lập hợp tác xã này Hội không có lợi nhuận. Mục đích chỉ là mong muốn giải quyết việc làm cho người khuyết tật, vì người khuyết tật tìm việc rất khó. Tôi cũng muốn mọi người có cái nhìn khác đi đối với người khuyết tật rằng họ cũng có thể làm ra được sản phẩm đẹp bằng chính bàn tay, công sức, nghị lực của mình, dù khuyết tật nhưng làm ra những sản phẩm không khuyết tật.
 
Hợp tác xã Vươn lên được thành lập từ năm 2007, ban đầu mới thành lập chỉ có 18 thành viên, sau 12 năm hoạt động, đến nay có 38 thành viên đang làm việc cho cơ sở đan móc len. 38 thành viên này là 38 câu chuyện, hoàn cảnh với nhiều dạng tật khác nhau. Dạy nghề cho hội viên, khó nhất là đối với người khiếm thính, các chị không hiểu được lời người dạy nói mà phải thông qua ngôn ngữ kí hiệu bằng tay. Có người sáng dạ, khéo tay nhưng cũng có người chậm tiếp thu. Các giáo viên dạy nghề phải chỉ dẫn cho từng hội viên từ những bài học đầu tiên như cách chọn nguyên liệu, chọn màu len cho đến những đường móc căn bản. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình, tâm huyết, dần dà các học viên cũng có thể tự mình làm ra những sản phẩm của riêng mình.
 
Do thành viên của Hợp tác xã Vươn lên là người khuyết tật, năng lực hạn chế, sức khỏe kém nên để tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho hội viên, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã quyết định cho hội viên đến nhận hàng gia công rồi mang về làm tại nhà. Hội viên nào không biết cách đan móc len Hợp tác xã sẽ cử kỹ thuật viên phụ trách mẫu mã hướng dẫn tại chỗ và mang hàng đến nhà cho mọi người. Đồng thời cho xã viên mượn máy ráp linh kinh (ráp sườn áo len) để mang về gia công tại nhà, tự tạo thu nhập cho bản thân. 
 
Nỗ lực cho những ước mơ
 
Khi được hỏi về những ngày đầu thành lập Hợp tác xã, chị Hạnh chỉ cười lắc đầu: Ngày xưa Hợp tác xã Vươn lên mới hoạt động còn nhiều khó khăn, những ngày mưa nền đất của xưởng ngập nước, máy móc, cơ sở còn nhiều thiếu thốn. Khó nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Hằng ngày, chúng tôi cứ đi đến những công ty để xin nhận hợp đồng gia công các mặt hàng len sợi, may mặc, cố gắng tìm thêm những đầu mối để bán sản phẩm cho hội viên.
 
Chị Hạnh cho biết, ban đầu, Hợp tác xã nhận hàng gia công cho các công ty trong và ngoài tỉnh, nhưng giá gia công thấp, thu nhập của xã viên chưa cao. Chị cùng các thành viên trong Ban chủ nhiệm Hội luôn trăn trở làm sao để có đầu ra ổn định, làm sao để nâng cao được chất lượng, mẫu mã, có thể nâng được mức thu nhập cho hội viên thì đời sống của mọi người mới đỡ bấp bênh hơn. 
 
Nghĩ vậy, chị Hạnh cùng Ban chủ nhiệm đã mạnh dạn làm Đề án xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về len do thành viên làm ra gửi cho Trung tâm Khuyến công tỉnh. Đến năm 2015, Đề án được hoàn thành và được phê duyệt thực hiện. Nhờ đó, Hợp tác xã được Sở Khuyến công hỗ trợ 55 triệu đồng cùng với nguồn vốn vay được và số tiền mạnh thường quân hỗ trợ, Hợp tác xã Vươn lên đã xây dựng được nhà trưng bày sản phẩm. Đồng thời, kinh doanh thêm cửa hàng photo, in ấn quảng cáo, đánh máy tạo thêm việc làm ổn định cho hội viên.
 
Ngoài ra, Hợp tác xã còn tự in tem mác, tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình; xây dựng nên trang website: www.htxvuonlen.com để sản phẩm của Hợp tác xã Vươn lên được nhiều người biết đến hơn.
 
Nhờ những nỗ lực và tự lực đổi mới, đến nay Hợp tác xã Vươn lên đã có thêm nhiều đầu ra, nhiều công ty du lịch, công ty đan len biết đến, thu nhập của hội viên cũng ổn định hơn trước. Trung bình mỗi tháng hội viên có từ 2 đến 3 triệu đồng, tùy theo số lượng hàng làm được. 
 
Hiện tại, Hợp tác xã đã kết nối được với Công ty Khai thác Du lịch Thác Voi, các sản phẩm len móc như: thú nhồi bông, khăn choàng, mũ len,... được công ty thu mua, bày bán cho khách du lịch. Cùng với đó, Hợp tác xã liên kết được với Hiệp hội Len lông cừu có trụ sở tại Hà Nội,...
 
Thời gian qua, Hợp tác xã Vươn lên cũng thường xuyên tổ chức mở các lớp dạy nghề móc len, ráp linh kinh (ráp sườn áo len), tin học văn phòng,... cho các hội viên trong Hội và phụ nữ các xã, thị trấn lân cận. Đồng thời, chủ động liên hệ với các cơ quan ban ngành phối hợp thực hiện các dự án, các chương trình dạy nghề như: Chương trình dạy nghề của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng, Dự án Tây Ban Nha (dạy nghề cho người khuyết tật của Hội Chữ thập đỏ). Qua đó, giúp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mở rộng cơ hội cho hội viên tiếp cận việc làm.
 
12 năm qua, kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã Vươn lên đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của những hội viên ở đây. Mỗi thành viên là một mảnh đời với những khiếm khuyết khác nhau, nhưng họ đều có sự gắn kết chung đó chính là sự đồng cảm và nghị lực vươn lên. Từ đó, trở thành điểm tựa cho nhau để cùng vượt qua khó khăn, vượt qua những mặc cảm, khẳng định giá trị của bản thân đối với gia đình và xã hội để rồi từng ngày dệt nên những ước mơ của đời mình. 
 
NHẬT QUỲNH